Học sinh ấp 3, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM) bì bõm đến trường trong đợt triều cường dâng cao sáng 29-10. Ảnh: Trọng Tri |
Đỉnh triều 1,61m tại trạm Nhà Bè gần chạm mốc đỉnh triều lịch sử ngày 17-10-2012 (1,62m) khiến TP.HCM bị ngập sâu trên diện rộng, hàng ngàn hộ dân khốn đốn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, 29-10 đỉnh triều lên cao nhất (trạm Phú An trên sông Sài Gòn: 1,59m (lúc 5 giờ) và 1,57m (lúc 18 giờ 30); trạm Nhà Bè: 1,61m (lúc 4 giờ) và 1,56m (lúc 17 giờ 30). Hôm nay, (30-10) đỉnh triều bắt đầu hạ dần, tuy nhiên một số khu vực như Nhà Bè, Bình Thạnh, Q.6… vẫn còn ngập, người dân cần chủ động đề phòng.
Đỉnh triều vượt mức báo động 3 gây ngập ở nhiều quận, huyện tại TP.HCM khiến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của người dân bị đảo lộn. Ngay từ chiều tối 28-9, hàng ngàn hộ dân ở các xã Nhơn Đức, Phước Kiển, Hiệp Phước và Phước Lộc khá vất vả vì triều cường ngập nặng, làm tê liệt các con đường dẫn vào khu dân cư. Cụ thể tại các con hẻm thuộc ấp 2, xã Nhơn Đức nước ngập sâu lên đến 1m, công nhân và học sinh phải vật vã chờ nước rút mới về nhà được. Đến 6 giờ 30 sáng 29-10, khu vực cầu Bà Chiêm vẫn còn ngập sâu, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Ghi nhận của phóng viên tại các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện như Công an xã Nhơn Đức, UBND xã Phước Kiển… bị ngập sâu trong nước. Hàng ngàn học sinh thuộc các trường MN Hướng Dương, TH Lê Lợi, THCS Hai Bà Trưng bì bõm lội nước đến trường. Trong số đó, không ít học sinh nhà ở khu vực bị ngập sâu, phải đến trường muộn vì chờ nước rút.
Từ chiều 28-10, một số học sinh trên địa bàn huyện cũng đã được phụ huynh gửi con ở nhà người quen, tá túc nhà bạn bè để tiện việc đi lại. Trường TH Lê Quang Định (cơ sở 2, khu dân cư Thái Sơn – Bộ Quốc phòng) những ngày qua cổng chính lại bị khóa vì ngập nước, phụ huynh đưa rước con ở cổng phụ.
Các con đường Nguyễn Bình, Nhơn Đức – Phước Lộc, Lê Văn Lương… sáng 29-10 vẫn còn ngập cục bộ, công nhân không thể đi làm đúng giờ. Quan sát khoảng 15 phút tại ngã tư Lê Văn Lương và Nhơn Đức – Phước Lộc, có hàng chục xe bị ngập chết máy phải đẩy bộ. Sống ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường, bà Nguyễn Thị Lành (ấp 3, xã Nhơn Đức) ngao ngán: “Tát nước, dọn bùn, rác xong chưa kịp chợp mắt thì nước lại tràn vào nhà. Ngập riết tường nhà mục hết, nền xuống không biết đổ sập bất cứ lúc nào”.
Cầu Long Kiển (huyện Nhà Bè) ngày thường đã kẹt xe, trong ba ngày qua lại ùn tắc nghiêm trọng do một đầu cầu bị ngập cao lên đến 0,7m. Nhân viên trực gác cầu phải vất vả điều tiết giao thông từ 5 giờ sáng. Đến 9 giờ sáng 29-10, hàng quán mới được mở cửa trở lại, giao thông tại các giao lộ trên khu vực cũng trở nên thông thoáng hơn.
Đến 8 giờ sáng 29-10, ngã tư Nguyễn Bình – Nhơn Đức Phước Lộc (huyện Nhà Bè) vẫn còn ngập nặng |
Mặc dù đã biết trước đỉnh triều lên cao nhưng người dân tại Thanh Đa, Q.Bình Thạnh đành bất lực trước tình trạng nước lên nhanh trở tay không kịp khiến nhiều vật dụng, đồ đạc chìm trong nước bị hư hỏng nặng. “Hai đêm rồi mất ngủ, ráng một đêm nữa chứ biết sao giờ, “sống chung với lũ quen rồi””, ông Nguyễn Thân nói như tự an ủi mình.
Tại Q.7, ngập sâu nhất là đoạn dưới chân cầu Tân Thuận và một số điểm trên đường Huỳnh Tấn Phát. Đường Phạm Hữu Lầu đoạn thấp trũng nước cao từ 30-60cm. Ngoài ra, tại Q.6, Q.8, đường ngập nặng nhất là Bến Phú Định, An Dương Vương, Hồ Học Lãm…
Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng trong chiều tối 28 và sáng sớm 29-10, nhiều đoạn ở đường Ung Văn Khiêm, Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh cũng bị ngập sâu trong nước, cảnh kẹt xe kéo dài hàng giờ. Lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt kịp thời điều tiết giao thông và đến 7 giờ 15, dòng xe đã đổ về các con đường D2, D3, D5, Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh… nhưng còn di chuyển rất chậm. Các con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã bị cô lập gần 2 giờ vào sáng 29-10.
Bài, ảnh: Trần Anh – T.Mai
Bình luận (0)