Google vừa công bố chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp (start-up) Việt tiến ra toàn cầu.
Đây là chương trình được thiết kế riêng với mục tiêu giúp các start-up có thêm nhiều điều kiện để phát triển doanh nghiệp của mình, vận hành dễ dàng và nhanh chóng bằng cách khai thác các ưu thế từ các công nghệ và tài nguyên của Google như tận dụng dịch vụ “đám mây” Google Cloud, các chuyên gia hỗ trợ cố vấn, huấn luyện, các vấn đề hỗ trợ kỹ thuật.
Cụ thể, các start-up được sáng lập dưới năm năm tại Việt Nam, chưa gọi vốn vòng series B, đang có sản phẩm phát triển dựa trên công nghệ kỹ thuật số, và mong muốn tiến ra thị trường quốc tế, có thể đăng ký tại website Google Cloud dành cho Developers và Start-up (g.co/cloudstartups).
Mỗi start-up tại Việt Nam tùy theo điều kiện xét duyệt có thể đăng ký một trong ba gói hỗ trợ: Start, Spark hay Surge. Gói Start có giá trị tương đương 3.000USD/năm, gói Spark giá trị 20.000USD/năm và gói Surge giá trị 100.000USD/năm.
Cả ba gói hỗ trợ đều bao gồm bộ ứng dụng G Suite, quyền truy cập vào các khóa huấn luyện và tư liệu trực tuyến, một gói trị giá tương đương 500 USD từ Qwiklabs…
Các start-up tại Việt Nam có thể xây dựng, chạy thử và cải tiến sản phẩm của mình trên nền tảng “đám mây” Google Cloud, qua đó cải tiến các sản phẩm và ứng dụng với công cụ trí tuệ nhân tạo Google Cloud AI, và tối ưu chúng qua việc kết hợp với G Suite.
Facebook “sập” trên toàn cầu
Từ 23 giờ ngày 13-3, một số dịch vụ của mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook, Instagram đều hoạt động không ổn định.
Trong khi người dùng vẫn có thể mở các nền tảng này và thực hiện một số thao tác, nhìn chung họ gặp khó khăn khi gửi tin nhắn Messenger, WhatsApp hay đăng thông tin, bình luận, nhất là không thể chia sẻ ảnh, video… lên Facebook, Instagram… Thậm chí cả dịch vụ thực tế ảo Oculus VR cũng gặp trục trặc.
Sự cố xảy ra trên diện rộng, trong đó Việt Nam ảnh hưởng ở mức trung bình (vàng – xem trên Facebook). Mức độ ảnh hưởng từ ít đến nhiều thể hiện qua các màu vàng nhạt – vàng – cam – đỏ.
Theo công cụ DownDetector, hiện tượng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới từ châu Mỹ, châu Âu tới châu Á.
Sự cố lần này được đánh giá là kéo dài nhất và trên diện rộng nhất, khi đã hơn 8 giờ trôi qua nhưng nhiều người than phiền về việc không thể sử dụng Facebook. Theo BBC, lần gần nhất Facebook bị “sập” với quy mô rộng toàn cầu và lâu như thế này đã là từ năm 2008, nhưng khi đó họ chỉ có 150 triệu thành viên, còn hiện số người dùng Facebook hàng tháng lên tới 2,3 tỷ.
Chỉ khoảng một giờ sau khi người dùng phản ánh, Facebook đã lên tiếng thông qua Twitter, khẳng định “vấn đề không liên quan tới tấn công từ chối dịch vụ DdoS” và đang nỗ lực khắc phục sớm nhất có thể.
Q.Đ (tổng hợp)
Bình luận (0)