Dù làm việc vất vả, nhưng Hạnh luôn cố gắng để trở thành học viên khá giỏi trong lớp
|
“Trước đây em chỉ mua một ổ bánh mì có thêm mấy cọng rau, thêm chút nước tương cho dễ ăn, nhưng nay người ta không còn bán nữa rồi. Trưa có tiền thì em ăn cơm hộp, còn không có thì mua bịch bánh tráng 5 ngàn đồng, ăn vào rồi uống thật nhiều nước là no. Hôm nào hết tiền hoặc mệt quá thì em nhịn luôn cho đỡ tốn”.
Những lời tâm sự thật lòng của em Hồ Hồng Hạnh, học viên lớp 12 Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng, khiến tôi không khỏi giật mình. 24 tuổi, trông Hạnh già dặn hơn bạn bè cùng trang lứa rất nhiều.
Học để… ba vui
Gia đình Hạnh khá neo người. Nhà chỉ còn ba mẹ và hai anh em. Cô bé Hạnh trước đây cũng được tung tăng đến trường như bao bạn bè khác. Nhưng rồi biến cố gia đình xảy ra khi bà nội em lâm bệnh nặng, phải mất rất nhiều tiền để châm cứu, chạy điện. Chiếc máy may – phương tiện kiếm tiền duy nhất trong nhà từ công việc nhận sửa quần áo không đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Cơm ăn còn chẳng đủ no, ba nhiều bữa phải giả vờ… không đói để nhường cơm cho con ăn thì lấy đâu ra tiền để đóng học phí. Do đó, Hạnh quyết định nghỉ học khi bước vào năm cuối bậc THCS. Hạnh bảo, hồi đó em suy nghĩ đơn giản lắm! Anh trai đang học lớp 12 cần có tiền để học thêm. Nhà lại nghèo, thôi thì mình nghỉ để cho anh học tiếp, ở nhà phụ ba mẹ có thêm đồng ra đồng vào.
Vậy là Hạnh nghỉ học. Ba mẹ em dù không muốn nhưng trước hoàn cảnh gia đình cũng đành nhắm mắt xuôi theo cái “suy nghĩ đơn giản” của một đứa trẻ… 14 tuổi. Rời trường, rời lớp, Hạnh “bán” mặt ngoài lề đường cùng chiếc máy may, trở thành cô thợ sửa quần áo. Gì chứ công việc này em đã làm từ khi còn học lớp 5 nên cũng quen rồi. Vừa may, Hạnh vừa nhận hàng để ba mẹ vừa chăm bà, vừa sửa ở nhà. Rồi ba đổ bệnh, bắt đầu từ bệnh gan, rồi tiểu đường, và đến bây giờ thì bản thân Hạnh cũng chỉ gọi được bệnh mà ba mắc phải là bệnh… đủ thứ (các cơ quan nội tạng của ông đều mang bệnh). Bà nội mất, tiền thuốc thang cho ba còn nhiều gấp mấy lần tiền chạy chữa cho bà. Hai chiếc máy may hoạt động hết công suất ngày – đêm cũng chỉ duy trì được cho anh trai Hạnh học hết lớp 12 rồi nghỉ hẳn. Cái thời “hoàng kim” của công việc sửa đồ cũng ngắn ngủi khi một số thợ may không chuyên bắt đầu “phủ sóng” xung quanh khu vực Hạnh “hành nghề”. Vì mưu cầu cuộc sống, em chuyển qua làm nhân viên áp thu ở rạp chiếu phim Galaxy từ sáng cho đến tối mịt mới về. Ba em, dù bệnh tật không giúp được gì cho gia đình nhưng cũng cố động viên con gái đi học lại. Hạnh nghe lời, cố tìm thông tin về một cơ sở giáo dục nào để đăng ký học lại cho… ba vui. Ngày Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng chiêu sinh lớp 6 đầu tiên, Hạnh tìm đến đăng ký trong tâm trạng rối bời, hoang mang vì không biết phải bắt đầu từ đâu…
Nỗ lực không mệt mỏi
Đúng như suy nghĩ, việc đi học lại của Hạnh không hề dễ dàng. Em phải đối mặt với muôn vàn khó khăn không chỉ là tiền bạc, thời gian, sức khỏe mà còn là ý chí quyết tâm. Ngày đi làm, đêm thức khuya học bài, thiếu ăn, thiếu ngủ trầm trọng khiến có lúc Hạnh thấy mình kiệt sức. Thậm chí, có những lúc cơ thể đau nhức, bệnh tật, Hạnh cũng chỉ lặng lẽ tự chẩn đoán rồi mua thuốc uống vì sợ mẹ thêm lo lắng. Mẹ em, suốt bao năm miệt mài bên chiếc máy may cũng đang mắc chứng bệnh khớp, thoát vị đĩa đệm mà chưa có tiền để mổ. Căn nhà cấp 4 ọp ẹp xây từ thuở hai anh em tóc còn để chỏm đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Mọi chi tiêu trong gia đình đều phải trông chờ vào số tiền hai anh em kiếm được nên thu nhập hàng tháng Hạnh đều mang hết về cho mẹ. Số tiền để chi tiêu được giới hạn trong một khoản rất nhỏ nên em thường cố tình nhịn ăn, nhịn tiêu, tiết giảm tối đa để không phải xin thêm mẹ.
Khi tôi hỏi: Tại sao lại học từ lớp 6 mà không phải là lớp 9?, Hạnh trả lời: “Ngày xưa em học yếu lắm nên đăng ký học lại từ lớp 6 cho chắc. Nghỉ học đã lâu nhưng chẳng hiểu sao khi thầy cô giảng bài em lại tiếp thu kiến thức rất nhanh, thậm chí còn học tốt hơn cả trước đây nữa”. Chính điều đó đã khiến Hạnh thích thú và say mê trong học tập, tạm quên đi sự rệu rã sau một ngày làm việc. Không có điều kiện để học thêm, Hạnh cố gắng làm thật nhiều bài tập, mượn thêm sách, tài liệu từ thầy cô, bè bạn để bổ sung kiến thức cho mình. Sự chăm chỉ, nỗ lực cũng được đền đáp xứng đáng khi 6 năm liền em đều là học viên dẫn đầu khối với điểm tổng kết luôn đạt khá giỏi. Học đêm không đủ, em mang cả sách vào rạp chiếu phim, nghiền ngẫm kiến thức trong mớ âm thanh, ánh sáng hỗn tạp của các loại phim ảnh, với đủ dư vị ngọt đắng của cuộc đời.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Học đêm không đủ, em mang cả sách vào rạp chiếu phim, nghiền ngẫm kiến thức trong mớ âm thanh, ánh sáng hỗn tạp của các loại phim ảnh, với đủ dư vị ngọt đắng của cuộc đời. |
Bình luận (0)