Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp phần phát triển ngành hóa dược Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 10-4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Ứng dụng công nghệ sinh học trong hóa dược”. Gần 100 đại biểu là chuyên gia quốc tế; đại diện các Sở KH-CN, doanh nghiệp và các nhà khoa học, giảng viên tại các trường đại học ở vùng ĐBSCL, TP.Hồ Chí Minh đã dự.


TS. Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ, phát biểu tại HT 

Theo nghiên cứu gần đây của Công ty Công nghệ thông tin Y tế đa quốc gia của Hoa Kỳ (IQVIA), Việt Nam nằm trong số 17 quốc gia có ngành dược phát triển nhanh nhất thế giới. Trong nhóm thị trường dược phẩm mới được chia thành 3 nhóm nhỏ, Việt Nam xếp ở nhóm thứ ba trong số 12 quốc gia với tốc độ tăng trưởng 14%, đứng sau Argentina và Pakistan. Chi tiêu cho các sản phẩm sức khỏe cũng tăng. Năm 2005, chỉ tiêu cho thuốc bình quân đầu người là 9,85 USD, năm 2010 là 22,25 USD và năm 2019 là 75 USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2019 là 14,8%.

Mặc dù chi tiêu cho dược phẩm tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Với dân số gần 100 triệu người (số liệu thống kê năm 2022), tỷ lệ dân số đang già hóa tăng nhanh và nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá rất triển vọng về tiềm năng phát triển trong tương lai.


Giáo sư Emérite Michèle BOITEL-CONTI – Khoa Kỹ thuật Sinh học, Trường ĐH Picardie Jules Verne (Pháp), giới thiệu phương pháp ứng dụng CNSH trong kỹ thuật sản xuất rễ tơ của một số loại cây, để sản xuất các hoạt chất

Tuy nhiên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, lĩnh vực hóa dược Việt Nam còn nhiều hạn chế. Qui mô về lĩnh vực hóa dược Việt Nam được đánh giá chung là còn nhỏ lẻ, chủng loại sản phẩm nghèo nàn, giá trị sản phẩm của lĩnh vực hóa dược thấp, sử dụng công nghệ và kỹ thuật tương đối lạc hậu; phát triển chưa cân đối, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công nghiệp bào chế dược phẩm. Ngành hóa dược Việt Nam chưa tự sản xuất được các nguyên liệu chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu bào chế thuốc của ngành dược. Hầu hết các nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu, 90% hoạt chất dược phẩm và hầu hết nguyên liệu thô để sản xuất dược phẩm  phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

TS. Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ, cho biết: “Hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học trong hóa dược” được tổ chức nhằm giới thiệu, cập nhật những xu hướng công nghệ mới và những kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) hóa dược, xúc tiến chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm công nghệ vào sản xuất và đời sống tại TP.Cần Thơ, vùng ĐBSCL, đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa Sở KH-CN với Trường ĐH Picardie Jules Verne – Cộng hòa Pháp, trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai các chương trình khoa học công nghệ, trao đổi hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu trong nước cập nhật các thành tựu nghiên cứu trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, qua đó nâng cao kinh nghiệm, công tác chuyên môn”.

Tại hội thảo, Giáo sư Nathalie JULLIAN-PAWL – Trưởng Khoa Kỹ thuật Sinh học IUT Amiens – Trường ĐH Picardie Jules Verne, trình bày về kỹ thuật ứng dụng CNSH để thác quá trình sinh hóa của cây trồng trong sản xuất dược liệu (các loại cây họ cải) để trị một số bệnh do vi khuẩn. Giáo sư Emérite Michèle BOITEL-CONTI – Phòng thí nghiệm tiến hóa và sinh học thực vật, Khoa Kỹ thuật Sinh học, Trường ĐH Picardie Jules Verne, giới thiệu phương pháp ứng dụng CNSH trong kỹ thuật sản xuất rễ tơ (của cây nho, cây gáo…) để sản xuất các hoạt chất dùng  bào chế thuốc và mỹ phẩm.  TS. Nguyễn Hữu Thanh – Trường ĐH An Giang (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ về công trình nghiên cứu: Mối quan hệ giữa vi khuẩn nội sinh và cây thuốc trong sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học…


Ban tổ chức, các diễn giả, và đại biểu

Trên địa bàn TP.Cần Thơ có 73 đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ (R&D) với nguồn nhân lực 7.455 người; trong đó có những đơn vị thuộc hàng đầu của quốc gia và khu vực về lĩnh vực CNSH như Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Nam Cần Thơ… Với tiềm năng trên, nếu được 2 giáo sư Trường ĐH Picardie Jules Verne chuyển giao công nghệ, TP.Cần Thơ có đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị để ứng dụng vào thực tiễn, đưa sản phẩm ra thị trường với giá thành thấp hơn so với việc bào chế thuốc từ hoạt chất và nguyên liệu nhập khẩu.

Từ thực tiễn trên, ở phiên thảo luận, phần lớn các câu hỏi của đại biểu xoay quanh nội dung: Kinh nghiệm trong sản xuất dược chất? Qui trình đưa những nghiên cứu khoa học từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn, để sản xuất dược phẩm…

Phát biểu kết thúc hội thảo, TS. Ngô Anh Tín chỉ đạo bộ phận chuyên môn đưa công trình nghiên cứu của các nhà khoa học phổ biển trên hệ thống thông tin điện tử của Sở KH-CN; đồng thời khẳng định: “Về mặt Nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện thúc đẩy, kết nối để triển khai – từ nghiên cứu đến ứng dụng – thương mại hóa các kỹ thuật về CNSH hóa dược này”.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)