Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gộp sử – địa thành môn học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Gộp các môn lịch sử, địa lý, tự nhiên xã hội thành môn tìm hiểu xã hội theo hướng tiếp cận năng lực của người học.

Đó là một trong những đề xuất, tại hội thảo về đổi mới giáo dục phổ thông gần đây.
Học những gì gắn với cuộc sống
 
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bày tỏ lo ngại về vị thế của các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội bị coi nhẹ. Trong nhiều kỳ thi hết cấp, trừ môn văn, còn các môn sử, địa thường được tổ chức thi luân phiên (năm nay thi sử, năm sau thi địa) hoặc được coi là môn thay thế cho môn ngoại ngữ đối với những trường, những địa phương chưa dạy ngoại ngữ. Nó bị đối xử như những môn học phụ. Đa số quan niệm cho rằng đây chỉ là những môn học thuộc lòng.
Ông Vỳ đưa ra những dự kiến sẽ thay đổi trong việc dạy và học các môn khoa học xã hội ở bậc phổ thông sau 2015. Ví dụ, ở cấp tiểu học, trên cơ sở môn lịch sử và địa lý trong kế hoạch hiện hành, cần mở rộng với một số nội dung xã hội gắn với thực tiễn cuộc sống hơn về con người, địa điểm, thời gian, môi trường xung quanh… Ví dụ, chuyển từ học theo thông sử thành kể chuyện lịch sử, chủ yếu là lịch sử VN, kết hợp với những câu chuyện tiêu biểu của thế giới.
Ở bậc THCS, thiết kế chương trình lĩnh vực khoa học xã hội cần bảo đảm tính toàn diện, không chỉ có chính trị, cần tăng thêm nhiều bài về lịch sử kinh tế, nhất là về văn minh, văn hóa, các quan hệ các nước, khu vực… của cả lịch sử, địa lý thế giới; lịch sử, địa lý VN. Lịch sử, địa lý là hai phân môn trong khoa học xã hội. Có một số chủ đề tích hợp lịch sử, địa lý hoặc môn giáo dục công dân. Ví dụ, về phát kiến địa lý, về truyền thống yêu nước của dân tộc VN, về những thành tựu trong công cuộc đổi mới. Ở bậc THPT, lĩnh vực khoa học xã hội ở bậc học này không chỉ bao gồm hai môn lịch sử và địa lý, còn có các môn học khác như xã hội học, ngoại ngữ… có thể xây dựng thành các môn tự chọn.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng và nhóm nghiên cứu đề án Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, Viện Khoa học giáo dục VN, đề xuất: lớp 1, 2, 3 vẫn giữ tên môn là tìm hiểu tự nhiên và xã hội; lớp 4, 5, thay môn lịch sử và địa lý bằng môn “tìm hiểu xã hội”. Môn học này tích hợp các kiến thức thuộc lĩnh vực: lịch sử, địa lý cùng với một số vấn đề xã hội khác, theo không gian từ gần đến xa đối với học sinh (địa phương/vùng, quốc gia và thế giới). Ở bậc THCS, sẽ tích hợp các môn lịch sử, địa lý và một số vấn đề xã hội thành môn “tìm hiểu xã hội”.
So với chương trình hiện hành, nội dung lịch sử, địa lý và một số vấn đề xã hội của chương trình mới sẽ được xếp sắp sao cho có sự liên kết, gắn nhau giữa các nội dung. Trong mỗi năm học có một số chủ đề tích hợp nội dung của lĩnh vực khoa học xã hội. Nội bộ mỗi phân môn được cấu trúc lại theo quan điểm tích hợp.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Phương, Viện Khoa học giáo dục VN phân tích cách trình bày và nội dung mục tiêu môn học trong chương trình một số nước và cho rằng: muốn xây dựng chương trình tích hợp, dù chỉ gồm 2 môn học truyền thống, thì quan trọng là phải lập được những chủ đề, những ý lớn để có cầu nối kiến thức của các môn. Những ý lớn này bắt buộc phải quán xuyến được kiến thức của những môn tích hợp. “Chúng không nhất thiết là ý về kiến thức mà có thể là các yêu cầu về kỹ năng hoặc phương pháp” – Phó giáo sư Phương nêu quan điểm.
Trong nhiều kỳ thi hết cấp, các môn sử, địa thường được xem như những môn học phụ – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Cần giáo viên “2 trong 1”
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ chỉ ra rằng: Ngay trong đội ngũ giáo viên phổ thông cũng có nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng của môn học và trách nhiệm của mình. Họ chỉ dạy cho hết giờ, hết bài để làm việc khác. Theo ông Vỳ, cần củng cố hệ thống, đi đôi với mô hình đào tạo giáo viên

Phải giảm thời lượng dành cho truyền thụ kiến thức, thay vào đó cho học sinh hoạt động tự lập theo phương châm: giảng ít, học nhiều

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Chí

của các trường sư phạm nói chung và giáo viên các môn khoa học xã hội, có lịch sử và địa lý nói riêng. Tương lai gần, nên đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, không đóng kín như hiện nay trong các trường sư phạm, cần từng bước chuyển sang hệ thống đào tạo mở như nhiều nước trên thế giới. Cần đào tạo giáo viên dạy một môn, đồng thời giáo viên dạy 2 môn, liên môn để dạy khoa học xã hội ở trung học.
Phó giáo sư Nguyễn Hữu Chí đề xuất: Phải giảm thời lượng dành cho truyền thụ kiến thức, thay vào đó nên để học sinh hoạt động tự lập theo phương châm “giảng ít, học nhiều”. Theo ông Chí, cần dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của người học luôn đặt ra câu hỏi về việc học sinh làm được những gì từ nhiều điều đã biết.
Với những thay đổi lớn như vậy, các chuyên gia đều cho rằng việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm phải đi trước một bước. Ngoài ra, việc hướng tới dạy tích hợp là dạy theo kiểu tư vấn, theo hướng cá thể hóa nên yêu cầu lớp học có sĩ số thấp. Vì thế, nhiều ý kiến cảnh báo rằng hầu như trường học tại nước ta đều nằm trong tình trạng quá tải, từ 40 – 60 học sinh/lớp. Điều này đòi hỏi phải tính đến hai vấn đề quan trọng là thời gian và năng lực của giáo viên có đáp ứng được hay không?
Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ phát biểu thêm rằng: chương trình ngành khoa học xã hội sau năm 2015 phải hướng tới giáo dục những phẩm chất, giá trị sao cho học sinh phổ thông biết yêu quý bản thân, gia đình, quê hương đất nước; ham thích sáng tạo, quan sát, vận dụng những điều đã học vào việc giải thích hoặc vận dụng vào các tình huống thực tiễn của đời sống hằng ngày, trân trọng sức lao động, sản phẩm lao động… Quan tâm tới những sự kiện thời sự, những biến động về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật của đất nước và thế giới. Yêu quý, có ý thức bảo vệ di sản lịch sử, văn hóa nghệ thuật của dân tộc và thế giới, có thái độ đúng đắn với những vấn đề về tín ngưỡng, sắc tộc…

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)