Trước thềm xuân năm mới, khu tái định cư thôn Cù Bai (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã nên dạng hình hài. Người dân Cù Bai khấp khởi hy vọng về một cuộc sống mới trong những ngôi nhà được đầu tư xây dựng vững chãi trước nắng mưa và thiên tai. Bức tranh về sự tươi mới ấy có sự đóng góp lặng thầm của những người dân đã hiến đi một phần diện tích đất không nhỏ của gia đình mình vì cộng đồng.
Ông Hồ Văn Tịu (giữa) – người tình nguyện hiến đất để chính quyền địa phương xây dựng khu tái định cư
Nhường đất vì mai sau
Chúng tôi vượt chặng đường dài hơn 120km từ TP.Đông Hà đến khu tái định cư thôn Cù Bai tầm xế trưa. Sau cơn mưa rừng, ánh nắng vén mây rọi xiên qua những mái nhà mới xây trông thật huyền ảo. Ông Hồ Văn Tịu (70 tuổi) – đồng bào thiểu số Vân Kiều đón chúng tôi bằng nụ cười thật tươi. “Mùa xuân năm tới, người dân Cù Bai không còn thấp thỏm nỗi lo mưa bão làm trượt núi, sập nhà, trẻ con cũng không còn bị mưa ngăn đường tìm chữ nữa rồi. Khi quyết định hiến đi phần đất quý giá mà bao năm qua cả gia đình vợ chồng con cái còng lưng khai hoang, lấp từng hố bom để canh tác sản xuất, đó là mong mỏi lớn nhất của tôi”.
Từng là cán bộ xã nhiều năm lăn lộn với nỗi khổ của người dân cho đến ngày nghỉ hưu vì tuổi tác, ông Tịu luôn trăn trở về sự an cư lạc nghiệp của người dân trong thôn. Trận lũ tháng 10-2020, quê ông hứng chịu thiệt hại nặng nề, hàng chục điểm sạt lở núi đe dọa đến đời sống của người dân. Ông Tịu lo chung nỗi lo của bà con xóm giềng. Đến khi chính quyền mở lời muốn ông hiến đất xây khu tái định cư, ông trăn trở rất nhiều. Vợ chồng ông có 7 người con, ngoài 3 con có công ăn việc làm ở các đơn vị Nhà nước thì còn 4 người con sống dựa vào nương rẫy. Hiến đất có nghĩa sẽ thu hẹp không gian canh tác của các con. Đó là chưa kể trên khoảnh đất ấy, cùng với việc thuê máy xúc, máy ủi san mặt bằng, ông còn đầu tư tiền mua cây giống bời lời, cây keo, trẩu về trồng, tính ra cũng cả trăm triệu đồng.
Một cuộc họp gia đình khẩn cấp được ông Tịu triệu tập ngay sau đó. Nghe cha giãi bày nỗi lòng mình, các con liền gật đầu đồng ý hiến một phần đất để giúp bà con tái định cư. Đây cũng không phải lần đầu cuộc họp như thế được tổ chức trong gia đình ông Tịu. Năm 2013, khi chính quyền làm đường từ thôn Cù Bai vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), ông Tịu cũng đã nhường một phần đất của mình để bà con trong xã có giao thông đi lại thuận tiện. Mỗi ngày, ngắm những ngôi nhà được xây lên trên khu tái định cư, ông Tịu vui như đang xây chính ngôi nhà của mình. “Nhường đi một phần đất để bà con an cư, mai này lớp trẻ cũng noi theo mình mà xây dựng quê hương Cù Bai giàu đẹp”, ông Tịu nói.
Khi lòng dân đồng thuận
Ông Hồ Văn Tịu hiến đất làm khu tái định cư là coi như đã mở được “nút thắt” trong việc vận động người dân. Tiếp đó, lần lượt 11 hộ dân có đất sản xuất ở khu vực lân cận cũng đồng lòng hiến tặng. “Mọi người không ai đòi hỏi quyền lợi, nếu bản thân mình cũng đòi hỏi thì thật quá đáng. Việc làm khu tái định cư cũng là cho anh em họ hàng, làng xóm. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi quyết định hiến đất”, anh Hồ Minh Thầy – một người dân ở Cù Bai chia sẻ.
Hình hài của khu tái định cư Cù Bai dần hoàn thiện trước thềm năm mới
Khu tái định cư thôn Cù Bai được lựa chọn nằm bên bờ sông Sê Băng Hiêng, cách trung tâm UBND xã Hướng Lập khoảng hơn 7km. Ông Hồ Văn Đuôn, Thôn trưởng thôn Cù Bai cho biết: “Khu tái định cư này sẽ có 35 hộ dân, danh sách đã được lập gửi lên xã sau nhiều cuộc họp bình xét và lấy sự đồng thuận từ người dân. Đây là những cặp vợ chồng trẻ, được hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà, được bố trí ruộng để canh tác. Khu tái định cư sẽ có điểm trường mầm non, điểm trường tiểu học để những đứa trẻ không phải đi học xa. Về lâu dài, chính quyền địa phương cũng đề nghị xây cầu bắc qua sông Sê Băng Hiêng để người dân có thể thuận lợi đi lại từ khu tái định cư về thôn cũ Cù Bai nhằm thuận tiện cho việc canh tác sản xuất”.
Xuân về, dòng Sê Băng Hiêng – dòng sông chảy ngược dường như trong xanh hơn. Những ngôi nhà mới khang trang trên khu tái định cư của bà con thôn Cù Bai như nét vẽ tô thêm sắc màu của núi rừng Trường Sơn. Một ngày không xa, sự sống hiện diện bên dòng sông ấy, trong những ngôi nhà ấy, nói như ông Tịu – người gần trọn cuộc đời gắn bó với mảnh đất Cù Bai – nơi được ví là “cửa tử” trong những năm tháng chiến tranh: “Hôm nay, “cửa tử” đang hồi sinh”! |
Bà Hồ Thị Ven – Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, sau trận lũ lịch sử tháng 10-2020, xã Hướng Lập có hàng chục điểm sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, thôn bản cũ đã bắt đầu “quá tải” khi dân số tăng, nhu cầu về nhà ở, đất sản xuất vì thế tăng theo. Nhiều cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu ra ở riêng để tạo dựng cuộc sống mới. Thôn Cù Bai có 134 hộ nhưng có tới hơn 600 nhân khẩu khiến không gian sinh sống của người dân bắt đầu “chật chội”. Để phát triển kinh tế xã hội bền vững, chính quyền phải tìm giải pháp”. Sau nhiều lần khảo sát, UBND xã Hướng Lập chọn khu vực bên cạnh dòng sông Sê Băng Hiêng để bố trí xây dựng khu tái định cư. Khu đất này khá bằng phẳng, cao ráo, có nguồn nước Tuy nhiên, đây là khu đất sản xuất của người dân đã khai hoang, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vậy nên nếu đền bù sẽ mất khoản tiền rất lớn. Chưa kể, đợi có tiền để đền bù sẽ lâu, chậm tiến độ trong khi việc triển khai khu tái định cư là nhu cầu cấp bách. “Khi ấy, chúng tôi xác định sẽ vận động cán bộ, đảng viên trước. Việc ông Hồ Văn Tịu tình nguyện hiến đất coi như dự án thành công”, bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập nhớ lại.
Thiên Phúc
Bình luận (0)