“Con hôm nay thi đúng tủ mẹ à. Hôm kia cô giáo đã cho chúng con học thuộc lòng nên bạn nào cũng làm được”. Đứa cháu tôi đang học tiểu học khoe với mẹ về việc đã được cô giáo “gạo” bài trước, và chị tôi cũng không giấu giếm câu chuyện này.
Chả là, trong lần thi học sinh giỏi cấp huyện, một số cháu học khá nhất lớp được chọn vào đội tuyển của trường. Trước khi đi thi, cô giáo có triệu tập các phụ huynh và thảo luận chuyện làm sao để các em đạt được thành tích cao nhất. Không biết hướng giải quyết thế nào nhưng mỗi phụ huynh thống nhất đóng cho cô khoản tiền 3 triệu đồng để cô “tổ chức luyện thi”. Tưởng rằng, chuyện chỉ có vậy nhưng chị tôi cũng “mách nhỏ” rằng muốn các cháu có kết quả cao thì nhất định phải liên hệ với những người phụ trách ra đề ở huyện. Và đúng như vậy, từ chuyện nộp tiền đến chuyện luyện thi và chuyện “đúng tủ” tả về cây bàng đều nằm trong “kịch bản”. Tuy nhiên, kết quả thi học sinh giỏi cháu tôi chỉ đứng thứ 30 của toàn huyện, bởi nhiều học sinh trong trường nọ cũng tả cây bàng theo một cách khá giống nhau, tất nhiên hội đồng chấm thi sẽ không thể chấp nhận chuyện các bài văn “cùng phiên bản” mà lại đạt giải cao.
Đây cũng là bài học cho phụ huynh vì muốn con đạt thành tích cao mà chấp nhận bỏ ra một khoản tiền khá lớn, rồi “mất cả chì lẫn chài”. Còn học sinh thì vô tình đã bị người lớn gieo cho một thói quen xấu, một thói quen mà các em sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách sau này. Đối với giáo viên nọ thì thật đáng lên án, cô đã cố tình “vẽ đường cho hươu chạy sai”, cũng vì bệnh thành tích, nhưng đáng trách nhất là hành vi “góp tiền mua giải” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách và uy tín người thầy. Mục tiêu là phát triển cho trẻ tư duy, sáng tạo, linh hoạt chứ không phải là dùng “công nghệ” để các em nhỏ trở thành máy học, máy chép, máy “copy” thời hiện đại. Hãy làm sáng tâm hồn của trẻ, đừng để những “vết đen” trở thành dấu ấn trong những năm tháng đầu đời.
Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)