Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Góp vốn mua “vịt trời”

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyện lùm xùm giữa chủ đầu tư và khách hàng không chỉ xảy ra với dự án nhà ở chung cư, mà cả ở những dự án phân lô bán nền. Có trường hợp khách hàng nộp tiền kéo dài hàng chục năm nhưng cũng chỉ là dự án trên giấy. Dự án do Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư tại khu Nam là một ví dụ.
Cổ đông dài cổ
Trong đơn khiếu nại tập thể gửi đến Báo Sài Gòn Giải Phóng, các khách hàng tham gia góp vốn triển khai dự án khu dân cư Bình Minh 6B (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) rất bức xúc. Lý do, dự án triển khai quá lâu mà không được chia nền nhà, đòi lại tiền thì cũng không có; còn chủ đầu tư lại không chịu gặp khách hàng.

Lối vào và dãy nhà lụp xụp chờ giải tỏa trong dự án khu dân cư 6B, xã Bình Hưng, do Công ty Bình Minh làm chủ đầu tư.

Ông Lý Hòa, một khách hàng của dự án, cho biết tháng 4-2003, ông cùng 22 người khác ký tham gia “Hợp đồng góp vốn đầu tư” nhằm “xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị khu dân cư Nam Sài Gòn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc khu chức năng số 6B” với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại B&B (B&B). Quy mô dự án gồm 12,3ha, trong đó có 42 lô biệt thự và 330 nhà liên kế vườn; chủ đầu tư là B&B và Công ty Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng TPHCM. Qua hợp đồng thể hiện, chủ đầu tư đã “lập quy hoạch và trình duyệt dự án; đang tiến hành đền bù giải tỏa, đã thương lượng hoàn thành khoản 50% diện tích đất…”. Phương thức hợp tác là cùng góp vốn thành cổ đông, chia lãi lỗ theo quyết toán bằng tiền hoặc bằng nền nhà thương phẩm đã hoàn chỉnh hạ tầng. Trong các cam kết, chủ đầu tư thể hiện rất rõ thiện chí: Nếu không nộp tiền đủ theo thời hạn hoặc xảy ra trường hợp bất khả kháng cũng sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà khách hàng nộp. Ngoài hợp đồng, chủ đầu tư cũng ban hành quy chế nội bộ về việc góp vốn đầu tư, quy mô vốn đầu tư của dự án là 20 tỷ đồng, hoàn thành dự án vào tháng 4-2005. “Đi thực tế dự án chúng tôi thấy rất là thích, dự tính sẽ có chỗ ở khi về hưu nên gom hết vốn liếng dành dụm để góp vốn theo đúng cam kết”, ông Hòa cho biết.

Trong danh sách 23 người góp vốn cho dự án, khách hàng nộp nhiều nhất là 3 tỷ đồng, ít nhất là 300 triệu, tổng cộng 22,5 tỷ đồng, với tổng số nền nhà dự kiến được chia lại là 169 nền. Quy ra trị giá nền được chia vào thời điểm đó là 103 tỷ đồng, tức là lợi nhuận hơn gấp 5 lần, con số thật mơ ước!
Bốn năm sau, đã quá hạn 2 năm, khách hàng một phen hú vía, vì dự án không có nền để giao nhưng B&B lại giải thể. May thay, toàn bộ dự án góp vốn được chuyển sang chủ mới, đó là Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh, với thông báo mọi quyền lợi được giữ nguyên như cũ! Thế nhưng, tính đến nay, kể từ ngày ký hợp đồng góp vốn đã 13 năm 4 tháng trôi qua, khách hàng mòn mỏi chờ nhận nền, từ hy vọng thành tuyệt vọng, rồi biến thành bức xúc, đòi lại tiền cũng không được. Chủ đầu tư cứ mỗi năm lại phát đi một văn bản gửi đến “quý khách hàng” hẹn lần hẹn mòn, trong thư gửi vào tháng 3 năm nay hẹn sẽ “hoàn tất hạ tầng kỹ thuật toàn dự án vào quý 2-2018”. Quá bức xúc, giống như ăn bánh vẽ, khách hàng gửi đơn kiện đi khắp nơi.
Người dân lây lất
Theo hồ sơ pháp lý của dự án, ngày 6-4-2001, Ban Quản lý khu Nam đã ra quyết định phê duyệt 1/500 dự án, UBND huyện Bình Chánh cũng ra quyết định thành lập Hội đồng bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng cho dự án. Thế nhưng, việc đền bù dự án cho đến nay chưa đi đến đâu, mặc dù trong hợp đồng ký kết với khách hàng năm 2003 là “đã thương lượng hoàn thành khoản 50% diện tích đất”. Cụ thể, gần 10 năm sau, trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về tổng hợp tình hình rà soát, phân loại và xử lý các dự án chậm tiến độ đầu tư vào tháng 2-2013 trình UBND TP, đối với dự án này, “tỷ lệ bồi thường giải phóng mặt bằng là 58%”. Còn đây là thư của chủ đầu tư, trong văn bản gửi “quý khách hàng” vào ngày 14-3-2016, do ông Cao Thu, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Bình Minh, ký: “Thời gian vừa qua, công ty đã tích cực tiếp xúc thương thảo với phần diện tích 3,6ha của các hộ dân chưa đền bù trong dự án”…
Báo cáo là vậy nhưng thực tế thì sao? Ngày 22-8-2016, có mặt tại dự án, chúng tôi ghi nhận một thực tế rất khác. Hỏi thăm vị trí dự án, một người dân chỉ lên tấm bảng dựng ngoài mặt tiền đường đã phai nhạt màu sơn và nói giọng mỉa mai: “Dự án treo bảng từ thời Gia Long cổ đại tới giờ đó”. Đi vào bên trong vài bước là một thế giới khác hẳn: như một vùng thôn quê hẻo lánh, cỏ lác mọc rậm rạp; bên phía tay trái là những dãy nhà tôn lụp xụp; mùi cỏ mục, phân heo ngai ngái bốc lên; tiếng chó sủa ăng ẳng… Một cảm giác rất tạm bợ bao trùm, chẳng hạn địa chỉ tại khu nhà tôn của bà Đỗ Thị Huyền Linh cũng thể hiện điều đó: “C11/30 K5, ấp 5 mới, tổ 235, xã Bình Hưng, Bình Chánh”. Gia đình sinh sống ở đây từ lâu, có đất đai rộng rãi nhưng không được xây dựng. Khi con cái lớn lên, người cha che nhà ở chính giữa, chia cho 2 đứa con ra riêng lập gia đình cất nhà ở hai bên, tất cả đều bằng tôn. “Tháng 3 với tháng 10 nước triều lên hơn nửa mét, trôi đồ đạc, ngập lênh láng hết, đến nỗi nền gạch men vàng khè luôn. Nhà có con nhỏ, sợ nhất là ban đêm, rắn nhiều lắm, ở trong các bụi rậm bò vào nhà. Nhưng mình muốn phát quang, che tôn cho rộng rãi là bị quản lý đô thị xuống kéo sập liền. Nói là dự án nhưng không thấy ai xuống họp hành, nói đền bù gì hết trơn hết trọi”, chị Linh kể trong bức xúc.
Chúng tôi đã liên lạc và đặt lịch hẹn với chủ đầu tư nhưng cũng giống như khách hàng, không hề có sự hồi âm. Rõ ràng sự tồn tại của dự án này bao năm nay là đem đến sự phiền toái, phức tạp cho xã hội: Tiền khách hàng đóng mua nền đi mây về gió, còn người sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án phải chấp nhận sống cảnh héo hắt. Cơ quan chức năng cần vào cuộc, có giải pháp tích cực bảo vệ người dân.

LƯƠNG THIỆN (SGGP)

Bình luận (0)