Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Góp ý chiến lược giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

 

Đó là vấn đề báo chí đề cập nhiều trong tuần lễ vừa qua nhân sự kiện Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị góp ý cho bản dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009-2020. Hầu hết các bài báo đều có tính phản biện, nêu lên những mặt chưa hoàn thiện của bản dự thảo: thời điểm không thích hợp, chưa được chuẩn bị kỹ, chỉ tiêu áp đặt, mục tiêu lãng mạn, không đủ điều kiện tài chính và nhân lực tiến hành…
Đó là những vấn đề mà những người soạn thảo – Viện Khoa học Giáo dục (KHGD) và Bộ GD-ĐT – chắc chắn đã nghĩ tới và sẽ phải lý giải với mọi người, với Bộ Chính trị & Ban Thường vụ quốc hội trong những ngày sắp tới, trước khi chính thức được Bộ Chính trị phê duyệt, Quốc hội ban hành.
Tuy nhiên một số vấn đề căn bản nêu trên cũng đã được Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu khái quát trong Hội nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí chiều ngày 18-12 vừa qua. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, và Viện trưởng Viện KHGD Nguyễn Hữu Châu, bản dự thảo Chiến lược đã được góp ý nhiều lần, lần này là lần thứ 13. Hiện vẫn còn đang trong giai đoạn trưng cầu ý kiến xây dựng. Quá trình chuẩn bị cho dự thảo Chiến lược cũng không gấp rút. Hai năm qua, Bộ GDĐT và Viện cũng đã đánh giá mặt làm được, chưa làm được của Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2000-2010, xác lập điểm xuất phát cho giai đoạn mới.
Một số chỉ tiêu, mục tiêu nêu trong dự thảo Chiến lược lần này có thể cao so với tiềm lực hiện có. Các chỉ tiêu, mục tiêu này hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế. Nhưng trong hoạch định chiến lược, bao giờ mục tiêu, chỉ tiêu cũng phải thể hiện sự vươn lên của hệ thống, có tính lãng mạn một chút, là lãng mạn cách mạng! Điều đó là cần thiết.
Về điều kiện tài chính và nhân lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, đúng là khó. Nhưng khó không đồng nghĩa với bó tay. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong phát biểu khai mạc hội nghị có đưa ra một kinh nghiệm thời chiến tranh chống Mỹ. Quân Mỹ thì mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại “tận răng”. Tương quan lực lượng xét theo điều kiện quân nhu, quân dụng, khí tài thì Mỹ hơn ta nhiều lần. Vậy làm sao đánh thắng Mỹ? Không lẽ đầu hàng! Chúng ta đã có quyết tâm và đánh ngay từ trận đầu chạm trán với địch. Qua thực tế chiến trường chúng ta đã rút ra được bài học “bám thắt lưng địch”để đánh thắng Mỹ. Kinh nghiệm chiến tranh đương nhiên không so sánh với kinh nghiệm giáo dục. Nhưng những điều có tính quy luật thì giống nhau: biện pháp, giải pháp sẽ nảy sinh từ thực tiễn hoạt động.
Trước tình hình giáo dục còn quá nhiều bất cập, cần có bước đột phá như nghị quyết Đại hội X đã nêu ra cách đây gần 3 năm, ai cũng thấy cần có sự thay đổi. Nhưng khi chạm vào điều gì có tính “thâm căn cố đế” thì một số người lại bàn ra, lo ngại, thương tiếc cái cũ. Âu đó cũng là tâm lý chung, cần vượt qua.
Dư luận xã hội trong mấy năm qua cho thấy giáo dục cần nhanh chóng có một Chiến lược phát triển cho giai đoạn mới. Điều đó cũng đã được Đại hội X nêu ra. Việc cùng nhau góp ý xây dựng Chiến lược giáo dục là hết sức cần thiết, có tầm quốc gia. Và chắc cũng không có chiến lược nào là hoàn hảo ngay từ đầu. Quá trình thực hiện, từ thực tiễn cuộc sống sẽ cho ra những bổ sung cần thiết.
Nghiêm Ý

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)