Từ nay đến năm 2020, cả nước phấn đấu có 100% số xã, phường phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi; ít nhất 5 trường đại học được xếp hạng trong số 100 đại học hàng đầu của khu vực ASEAN; 2 trường đại học được xếp hạng trong số 200 đại học hàng đầu thế giới.
Sáng 7/8 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức Hội thảo Góp ý cho Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008-2020. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho Sở Giáo dục –Đào tạo của 63 tỉnh, thành. Tại Dự thảo lần thứ 7 về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2008-2020, ngành Giáo dục đưa ra các mục tiêu cụ thể để phát triển giáo dục ở các cấp, bậc học.
Đối với giáo dục mầm non, từ nay đến năm 2020, cả nước phấn đấu 100% số xã, phường phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi. Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu từ nay đến năm 2010 có 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm (trong đó 70% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi). Tỷ lệ này sẽ đạt 100% vào năm 2020.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 30% số học sinh tốt nghiệp THPT được học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 5 trường đại học Việt Nam được xếp hạng trong số 100 đại học hàng đầu của khu vực ASEAN; 2 trường đại học được xếp hạng trong số 200 đại học hàng đầu thế giới và có khoảng 15.000 sinh viên nước ngoài đăng ký vào học tại các trường đại học Việt Nam.
Đối với giáo dục thường xuyên, phấn đấu tăng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 trở lên là 96% vào năm 2010, 97% vào năm 2015 và 98% vào năm 2020 (trong đó tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi từ 15-35 là 98% vào năm 2010; 99% vào năm 2045 và 100% vào năm 2020).
Đa số các đại biểu tham gia Hội thảo đều tán thành những mục tiêu đề ra trong bản dự thảo lần thứ 7 nói trên và cho rằng, bản dự thảo đã đề ra những mục tiêu cụ thể để các cấp, bậc học phấn đấu, từ đó có những định hướng thiết thực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới cơ chế quản lý và phát triển hệ thống trường lớp.
Theo Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa cho phát triển giáo dục Mầm non và cấp Tiểu học bởi vì đây là những cấp học phát hiện năng khiếu và phát huy khả năng học tập suốt đời của một con người.
Giáo sư Đặng Văn Uy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hàng Hải đặc biệt lưu ý tới vấn đề đào tạo và sử dụng cũng như phân bổ nguồn lực có trình độ và tay nghề cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo Giáo sư Đặng Văn Uy, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cao có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đổi mới chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đại biểu và chỉ đạo Viện Khoa học Giáo dục tổng hợp ý kiến đóng góp để sớm đưa ra Chiến lược phát triển giáo dục Việt nam 2008-2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét./.
Chu Miên (theo VOVNews)
Bình luận (0)