Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ là nền tảng giải quyết các vấn đề tổ chức quản lý, tự trị ĐH, mô hình viện ĐH đa lĩnh vực.
Xóa bỏ cơ quan chủ quản?
Việt Nam đang gặp khủng hoảng kép về chất lượng và số lượng của hệ thống giáo dục ở mọi cấp, nghiêm trọng nhất là ở bậc ĐH, mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ khâu tổ chức quản lý GDĐH. Nhược điểm lớn nhất là sự phân tán trách nhiệm quản lý qua nhiều bộ và nhiều tỉnh, thành chủ quản. Nhược điểm lớn thứ hai là sự tách rời giữa các trường ĐH và các viện nghiên cứu khoa học, dẫn đến việc các nhà khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên ĐH bị hạn chế tham gia nghiên cứu khoa học; sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Điều đó làm cho trường ĐH chưa trở thành trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhược điểm khác là sự phân tán của quá nhiều học viện, trường ĐH chuyên ngành riêng rẽ, theo đó là việc tổ chức quản lý các trường ĐH có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức theo chuyên ngành hẹp khiến sinh viên không được trang bị vững nền tảng về giáo dục tổng quát, cần thiết cho khả năng tự học suốt đời.
Thành lập viện ĐH đa lĩnh vực
GDĐH trên thế giới đã trải qua một quá trình phân hóa hàng dọc để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường lao động thông qua việc xây dựng những chương trình đào tạo với thời gian, cường độ và mục tiêu khác nhau nhằm tiếp cận từng đối tượng sinh viên. Phần đỉnh kim tự tháp GDĐH là các viện ĐH đa lĩnh vực loại nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao từ bậc ĐH đến tiến sĩ. Trung tâm kim tự tháp là các viện ĐH đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng, chủ yếu đào tạo và cung cấp nhân lực có trình độ ĐH với số lượng lớn và có kỹ năng đáp ứng nhu cầu khu vực, địa phương. Phần đáy kim tự tháp là các trường CĐ cộng đồng, CĐ chuyên nghiệp và các trường dạy nghề hậu trung học. Các trường CĐ cộng đồng có mục đích đào tạo đại chúng với trình độ thấp hơn. Các trường CĐ chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành cần thiết cho những công việc cụ thể.
Hiện nay, ở Việt Nam hầu như không có các viện ĐH đa lĩnh vực, trong đó bao gồm các viện nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên ĐH. Mặt khác, Việt Nam thiếu các trường CĐ cộng đồng và các trường CĐ chuyên nghiệp ở các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các viện ĐH tinh hoa. Chúng ta thiếu các viện ĐH đa lĩnh vực loại giảng dạy đại chúng, phần lớn chỉ có các trường ĐH chuyên ngành riêng lẻ như sư phạm, y dược, khoa học, nông lâm, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc… Các trường này giảng dạy là chủ yếu, có mục tiêu đào tạo những nhà chuyên môn theo những chương trình đào tạo tương đối hẹp và ít có phần giáo dục tổng quát hơn so với các viện ĐH đa lĩnh vực.
Mô hình ĐH đa lĩnh vực được quy định trong Luật GDĐH sẽ là biện pháp để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GDĐH và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở GDĐH. Khi đó, các loại trường ĐH chuyên ngành trực thuộc nhiều bộ chủ quản khác nhau (y dược, luật, ngân hàng, bưu chính viễn thông…) sẽ trở thành các trường thành viên/khoa của những viện ĐH đa lĩnh vực và chịu trách nhiệm trước công chúng, pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước nên không trực thuộc bộ chủ quản nào nữa. Luật cũng sẽ phân cấp quản lý nhà nước cho các tỉnh thành địa phương đối với các trường CĐ cộng đồng, CĐ chuyên nghiệp và các trường dạy nghề hậu trung học để khuyến khích các cơ sở GD này hoạt động đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương.
(lược ghi từ tham luận PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long)
M.Tâm
Bình luận (0)