Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp ý cho Luật Bảo hiểm y tế: Nới thông tuyến để tăng quyền lợi cho người bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự án Luật Dữ liệu; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT)…

Nhiều đại biểu cho rằng, cần mở rộng đối tượng được tự lên bệnh viện tuyến trên khám chữa bệnh BHYT 

Theo đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người (tương ứng 93,35% dân số) tham gia BHYT; khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh (KB,CB) của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận; trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến KB,CB sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 đồng bộ với Luật KB,CB.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và cho rằng, nội dung của dự án luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng luật. Các điều khoản được sửa đổi bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng luật.

Về phạm vi được hưởng, mức hưởng của người tham gia BHYT, Điều 21 và Điều 22 được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng; Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo chỉ điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng khi đã đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, đồng thời phải bảo đảm bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia BHYT có tính chất tương đồng.

Với nội dung Chính phủ xin ý kiến, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, khoản 3 Điều 22 sửa đổi quy định về “thông cấp KB,CB” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi KB,CB đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở KB,CB thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu (bệnh nặng, hiểm nghèo); KB,CB tại các cơ sở thuộc cấp KB,CB ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp KB,CB cơ bản trên toàn quốc và KB,CB tại cơ sở KB,CB chuyên sâu với lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống KB,CB; trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.

Thảo luận về “thông cấp KB,CB”, đại biểu Lê Quân (đoàn Hà Nội) đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là người nghèo, cận nghèo. Bởi, bệnh nhân ở tuyến xã chuyển lên tuyến huyện đã tốn kém rồi, lên đến tuyến Trung ương để khám là điều không ai mong muốn. Cần mở rộng cho nhóm đối tượng này được chuyển lên tuyến trên mà không cần thực hiện thủ tục chuyển tuyến để được hưởng BHYT.

Đồng ý với đề xuất thông tuyến toàn quốc, không giới hạn địa bàn tham gia BHYT, đại biểu Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – nói, người bệnh đăng ký chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội nhưng đi công tác ở TP.HCM thì vẫn có thể khám bệnh ban đầu và được thanh toán đầy đủ quyền lợi BHYT theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng của thẻ BHYT, bao gồm cả nội và ngoại trú.

Kim Anh

Bình luận (0)