Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần sự đột phá trong cách làm, cách nghĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đưa ra được nhiều ưu điểm, đem đến cho người học nhiều sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích. Tuy nhiên, để dự thảo đi vào hiện thực một cách hiệu quả, cần có sự đột phá trong cách làm, cách nghĩ để làm sao xây dựng, phối hợp đồng bộ giữa cơ sở vật chất (CSVC), nguồn lực con người, nội dung chương trình sách giáo khoa (SGK)…

Theo đánh giá, việc dạy – học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Mai Trọng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông có nhiều ưu điểm. Đó là xây dựng chân dung người công dân mới với những năng lực cốt lõi như tự chủ, hợp tác, sáng tạo và những năng lực đặc thù như sử dụng ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mỹ, thể chất… Đã xây dựng các môn học phù hợp với tình hình thực tế của sự phát triển xã hội hiện nay. Hệ thống các môn học được phân chia khá phù hợp. Chương trình đã quan tâm đến hoạt động (môn học) trước đây chưa được quan tâm đúng mức là “hoạt động trải nghiệm sáng tạo”. Đây là môn học nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Môn kỹ năng sống hay và cần thiết. Tuy nhiên, đối với bậc tiểu học, nhất là với địa bàn miền núi còn nhiều thiệt thòi thì số lượng các môn học hơi nhiều. “Theo tôi, biết ít nhưng hiểu sâu còn hơn biết nhiều nhưng không hiểu”, ông Trọng nói.

Nhận xét chung về dự thảo, ông Trọng cho rằng, cốt lõi là bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu mới, cũng như đầu tư xây dựng CSVC, thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó còn có một số môn chúng tôi chưa hiểu sâu nội dung. Ví dụ như cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên thì hiện là môn tự nhiên & xã hội. Nếu tách thành nhiều môn thành ra khá rối rắm. Mặt khác cũng cần xem xét khía cạnh vùng có học sinh dân tộc thiểu số. Nên chăng các môn như tin học và tiếng Anh cần lùi lại một năm so với vùng đồng bằng, thành phố. Bởi vì vốn tiếng Việt của các em ở vùng này còn rất hạn chế, cần có thời gian đọc thông, viết thạo trước khi tiếp cận với các môn học đó.

Cũng nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, Trường THPT Hướng Phùng (Quảng Trị) có hơn một nửa số học sinh là người dân tộc Pako, Vân Kiều. Bà Ngô Thị Trúc (Hiệu trưởng nhà trường) cho rằng, nếu buộc học sinh miền núi học chung một nội dung chương trình môn toán hay các môn khoa học tự nhiên khác như vật lý, hóa học như với học sinh vùng đồng bằng là một thiệt thòi cho các em. Với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, dù môn toán vẫn là môn học bắt buộc nhưng các em sẽ không phải học quá chi tiết, và đây là một lợi thế cho học sinh vùng khó. Ưu điểm lớn của dự thảo là phát triển năng lực học sinh theo hướng phân hóa đối tượng và tổ chức dạy – học tiếng dân tộc thiểu số trong trường học, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, theo bà Trúc, dự thảo hướng đến mục tiêu đào tạo học sinh toàn diện, giúp hình thành năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống cũng như thiết lập và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội. Bà Trúc cho biết thêm, cùng với việc giao cho các trường THPT xét tốt nghiệp thể hiện sự tin tưởng vào khả năng của các cơ sở giáo dục nhưng đồng thời cũng là một áp lực cho nhà trường. Để làm được điều đó, đòi hỏi Hội đồng sư phạm nhà trường phải nắm bắt được điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; cập nhật các thông tin, dự báo xu hướng về kinh tế – xã hội cũng như nhu cầu nhân lực để có những lựa chọn phù hợp với đặc thù đối tượng giáo dục vừa đảm bảo sự liên kết giữa nhà trường – gia đình – xã hội và chính quyền. Và để có thể áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới thành công, cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội, sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực kinh tế, nguồn lực của ngành giáo dục cũng phải có sự đột phá trong cả cách làm và cách nghĩ. Cần có sự đầu tư đồng bộ giữa tất cả các mặt, đơn cử như hầu hết CSVC của các trường THCS, THPT hiện nay mới chỉ đáp ứng đủ phòng học cho việc học 2 ca, nếu tổ chức học 2 buổi/ngày thì đòi hỏi sự đầu tư rất lớn để xây dựng phòng học, mở rộng diện tích các trường.

Một vấn đề đáng chú ý nữa, theo bà Trúc là ở các địa phương miền núi, hàng năm chỉ có khoảng từ 75-80% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT. Vì vậy đợi đến lớp 10 và lớp 11 mới bắt đầu hướng nghiệp thì đã muộn. Vì vậy, cần có sự hướng nghiệp sớm hơn ở bậc THCS để các em nắm bắt, lựa chọn.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)