Nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng giảng dạy môn ngoại ngữ theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là quá ít, quy định đầu ra chưa rõ ràng, cách đánh giá đầu ra chưa phù hợp… Theo đó, cần có những điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu một chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong xu hướng hội nhập.
Một tiết dạy học tiếng Anh tại một trường tiểu học ở Q.Bình Thạnh |
Thời gian chỉ đủ để dạy đọc, viết
Theo dự thảo, sẽ có ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 dạy trong trường học. Thời gian dạy ngoại ngữ 1 bậc tiểu học là 140 tiết/năm; bậc THCS, THPT là 105 tiết. Còn ngoại ngữ 2 dạy từ bậc THCS trở lên từ 58 đến 60 tiết. Một chuyên viên tiếng Anh thuộc Phòng GD-ĐT Q.11 (TP.HCM) cho rằng, đối với ngoại ngữ 1, tính ra thời gian từ 3 đến 4 tiết/tuần giúp giáo viên đủ để dạy đọc, viết, khó có thể dạy tốt 4 kỹ năng cho học sinh. Trong khi đó, đòi hỏi trong 1 tuần học sinh phải có ít nhất 1 tiếng học giao tiếp. Chưa kể, một số chương trình hiện nay, học sinh còn có thêm 1 đến 2 tiết học với chương trình bổ trợ để phát triển nghe, nói.
Không đâu xa, nhìn vào chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT đang giảng dạy tại các trường THPT, đối với ban cơ bản có thời lượng 3 tiết/tuần, ban nâng cao 4 tiết/tuần, học sinh được chú trọng học đọc viết là chính.
Về vấn đề này, cô Vũ Thị Ngọc Loan (Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ, Trường THPT Gia Định, TP.HCM) từng chia sẻ rằng với thời gian chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT hiện nay, học sinh không có đủ thời gian rèn luyện kỹ năng nghe, nói. Một đơn vị bài học được thiết kế 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết học trong 1 tuần rưỡi với tổng cộng 4,5 tiết. Cũng có đơn vị bài dạy khoảng 2 tuần với 6 tiết, tuy nhiên vẫn không đủ thời gian. Nói về nguyên nhân, cô Ngọc Loan nhìn nhận, đặc thù chung là sĩ số mỗi lớp quá đông khiến học sinh không đủ thời gian rèn nghe, nói như hai kỹ năng kia. Mặt khác, lối ra đề thi THPT quốc gia tập trung đọc viết thì bắt buộc giáo viên phải chú trọng dạy các kỹ năng này để đáp ứng bài thi.
Nên tổ chức ít nhất 2 ngoại ngữ trong trường
Xét về mục tiêu, chương trình nhằm phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Nội dung chương trình được xây dựng dựa theo yêu cầu của khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, liền mạch từ giai đoạn giáo dục cơ bản đến hết lớp 12, người học được hình thành, phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin, hiệu quả trong học tập và giao tiếp. Theo đó, bắt buộc học sinh phải học ngoại ngữ 1 từ lớp 3 đến lớp 12. Về ngoại ngữ 2 có thể bắt đầu học từ lớp 6 và kết thúc ở bất kỳ lớp nào tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của trường.
Trước vấn đề này, ThS. Trần Tín Nghị (Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết việc quy định ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2 sẽ gây ra một số bất cập. Thứ nhất, học sinh hoàn thành mỗi bậc học phải đạt yêu cầu của khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc, tuy nhiên ở ngoại ngữ 2 tự chọn, học sinh bắt đầu học từ lớp 6 và dừng cho đến khi các em không có nhu cầu hoặc cơ sở đào tạo, vậy khung năng lực đánh giá cho ngoại ngữ nào? Điều này thể hiện không rõ ràng về quy định và đánh giá. Thứ hai, việc yêu cầu ngoại ngữ 1 bắt buộc, thì chắc chắn các trường sẽ lựa chọn tiếng Anh, trừ một số trường đặc thù giảng dạy các tiếng Đức, Pháp, Trung; theo đó bắt buộc học sinh phải học tiếng Anh. Nhưng trên thực tế, nhu cầu học các ngoại ngữ sẽ khác nhau. Nếu học sinh không thích tiếng Anh nhưng phải học thì sẽ bị áp lực. Riêng trường hợp học sinh yêu thích và học giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung và vượt bậc yêu cầu thì liệu có được công nhận như ngoại ngữ 1 và có được miễn học ngoại ngữ 1 không? Dự thảo chưa ghi rõ trường hợp này. Chưa kể, khi bàn đến việc giảng dạy ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, dự thảo lại không đề cập đến yếu tố giáo viên dạy các ngoại ngữ có đáp ứng về số lượng, chuyên môn. “Không nên quy định ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2. Nên chăng yêu cầu tổ chức ít nhất 2 ngoại ngữ trong 1 đơn vị giáo dục là môn bắt buộc. Qua đó tạo sự lựa chọn đa dạng cho học sinh, tránh sức ép, đáp ứng xu thế hội nhập trong bối cảnh sử dụng nhiều ngôn ngữ vào giao tiếp chứ không đơn thuần là tiếng Anh”, ông Nghị bày tỏ.
Hiện nay giảng dạy ngoại ngữ chú trọng phát triển đồng đều 4 kỹ năng nhưng đánh giá đầu ra chỉ là một bài thi cho 1 đến 2 kỹ năng sẽ gây ra hệ quả ngược, đó là giáo viên sẽ chạy theo bài đánh giá chứ không chạy theo năng lực của học sinh để đánh giá kết quả các em đạt được trong quá trình học. Vì thế, ông Nghị kiến nghị: “Dự thảo phải có những thay đổi đồng bộ từ giảng dạy đến đánh giá đồng đều các kỹ năng. Mặt khác, hiện nay sự thay đổi của các trường về chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh vẫn chưa bắt kịp đối với sự thay đổi trong chương trình tổng thể này. Các trường sư phạm là người tạo ra nhân lực giảng dạy cần nắm giá trị cốt lõi của dự thảo để tham gia đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cho phù hợp”.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)