Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý đổi mới thi cử: Chưa đến lúc trao quyền tự chủ tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Có nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông khi kết quả tốt nghiệp đạt tới hơn 90%? Tiếp tục thi ĐH, nên giữ “3 chung” hay trả về cho các trường quyền “tự chủ tuyển sinh”? Có nên thi ĐH nhiều môn thay cho việc thi theo các khối như hiện tại?…

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT) và những vấn đề bất cập trong kỳ thi ĐH vừa qua khiến xã hội, những người làm công tác giáo dục không thể không đặt ra câu hỏi trên.
Với trên 90% số học sinh TNPT muốn vào ĐH, nếu không tổ chức thi tuyển, hệ thống ĐH, CĐ khó đáp ứng nhu cầu thực tế này.

Bỏ thi tốt nghiệp chỉ thêm tiêu cực

Theo tôi, chúng ta không thể bỏ kỳ thi TNPT. Tiêu cực và bệnh thành tích vẫn tồn tại (việc cho điểm tùy tiện, nâng điểm, chạy điểm… xảy ra ở nhiều nơi), vậy kết quả học tập của học sinh trong các năm học liệu có đáng tin cậy để xét tốt nghiệp chính xác? Việc bỏ thi TNPT khiến hiện tượng tiêu cực kể trên trầm trọng hơn và hậu quả là chất lượng giáo dục sẽ đi xuống.
Đối với kỳ thi ĐH, có ý kiến cho rằng nên “nới lỏng đầu vào” (thậm chí không cần tổ chức thi) và “làm chặt đầu ra” như ở một số nước. Chúng ta cũng chưa thể áp dụng phương cách này vì: hệ thống các trường ĐH, CĐ ở nước ta chưa đủ để đáp ứng nhu cầu người học.
Ở các nước, học phí đào tạo bậc ĐH, CĐ rất cao, việc sàng lọc trong quá trình học rất khắt khe buộc học sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định vào ĐH hay học nghề… trên cơ sở năng lực của mình và nguồn tài chính của gia đình. Nếu vào ĐH mà không có khả năng theo học thì sinh viên sẽ không thể tốt nghiệp và chi phí tốn kém, vô ích.
Còn ở nước ta, nhà nước vẫn duy trì học phí ở một mức độ chấp nhận được so với mức sống của đại đa số người dân, việc sàng lọc và “làm chặt đầu ra” ở hầu hết các trường chưa thực sự nghiêm túc, chặt chẽ.
Hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng chưa thể hiện vai trò và hiệu quả rõ rệt. Vậy với khoảng trên 90% số học sinh TNPT muốn vào ĐH, nếu không tổ chức thi tuyển, chúng ta sẽ giải quyết ra sao khi hệ thống ĐH, CĐ chỉ đáp ứng được trên 20% nhu cầu thực tế này?
Chưa thể tự chủ
Nhiều ý kiến khác cho rằng nên trao quyền “tự chủ tuyển sinh” cho các trường ĐH, CĐ vì mỗi trường, tùy theo ngành nghề đào tạo có những yêu cầu tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, dù học sinh có thi vào trường ĐH hay CĐ đào tạo nghề chuyên sâu theo hướng nào thì nền tảng kiến thức để các trường ra đề thi vẫn là chương trình học phổ thông.
Nếu để các trường tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề thi thì sẽ quay trở lại tình trạng trường ĐH, CĐ nào cũng có lớp, có trung tâm luyện thi, giáo viên vừa ra đề, vừa luyện thi. Như vậy, có đảm bảo được công bằng đối với các em học sinh không có điều kiện tham gia lớp học
luyện thi?
Lại có ý kiến cho rằng nên thực hiện một kỳ thi sơ tuyển rồi sau đó để cho các trường tự tổ chức thi tuyển. Như vậy, không những không giảm nhẹ việc thi cử cho học sinh mà còn tăng áp lực lên gấp đôi vì học sinh phải chuẩn bị không phải một mà tới hai kỳ thi ĐH.
Thi “3 chung” và “1 riêng” như đề xuất mới đây của PGS Lê Đức Ngọc – Giám đốc Trung tâm Kiểm định, Đo lường và Đánh giá chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập) là phương án đổi mới, khoa học. Phương án này kết hợp được 2 kỳ thi TNPT và tuyển sinh ĐH trong một kỳ thi gọn nhẹ.
Nguyễn Thị Dung
GV trường Cao đẳng Công thương TPHCM
Theo Tiền Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)