Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020: Vẫn thiếu tính chiến lược

Tạp Chí Giáo Dục

Dù mỗi đại biểu chỉ có 10 phút phát biểu, dù có một số ý kiến gay gắt đề nghị làm lại dự thảo nhưng tinh thần chung của buổi “Tọa đàm khoa học góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020”, do Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM tổ chức ngày 14-1, đều mong muốn giáo dục nước nhà có bước đột phá về tư duy giáo dục…
Chỉ giải quyết phần ngọn
Qua đến 14 lần soạn thảo, nhưng dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020 vẫn bị nhiều đại biểu “bắt giò” những sai sót về cách dùng từ, đặt câu, tính thiếu hệ thống. Một số ý không khả thi, mang tính kỳ vọng và duy ý chí.
Theo TS Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, “đảm bảo chất lượng tốt nhất với chi phí thấp” không nên đưa vào chiến lược vì đó thiên về đạo đức người thầy. “Mức sống của giáo viên TPHCM hiện nay thấp nhất 3 triệu đồng/tháng, thực tế hiệu trưởng trả cho họ chỉ 1 triệu đồng. Vậy thì trong cuộc đời thật của một nhà giáo liệu có khoảng trống nào không thật?”.
Chiến lược giáo dục mới làm được phần ngọn, không đi vào chiều sâu, cái gốc không được giải quyết triệt để. Theo ông Minh, điểm quan trọng nhất mà chiến lược cần nhấn mạnh chính là thay đổi công tác quản lý. Giải pháp về quản lý trong dự thảo còn tản mạn, vụn vặt, nên mạnh dạn phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở. Ví dụ: tuyển sinh đại học, bộ chỉ nên giám sát, hoạch định chiến lược, có quy trình và xử lý của đơn vị làm sai. Chiến lược thể hiện tư tưởng, ước muốn nhiều nhưng giải pháp không cụ thể.
Sinh viên Trường ĐH Y dược TPHCM trong giờ học về mô. Ảnh: MAI HẢI
Phó GS-TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, cách xây dựng chiến lược chưa hợp lý và còn mang tính hành chính, chưa tập hợp được tinh hoa của những trí thức hàng đầu. Dù có xin ý kiến của nhiều đối tượng thì cũng chỉ là thay đổi những tiểu tiết, số liệu chứ không thay được khung đề cương.
Ông nêu dẫn chứng: câu “chất lượng giáo dục các cấp học có chuyển biến” trong dự thảo thứ 13 thì ở lần thứ 14, chữ “chuyển biến” thay bằng “tiến bộ”.
TS Nguyễn Kim Dung đã chỉ ra một số kết luận chưa có cơ sở: “Trình độ hiểu biết, năng lực tiếp cận tri thức mới của một bộ phận học sinh, sinh viên được nâng cao. Số đông sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có hoài bão lập thân, lập nghiệp và có tinh thần tự lập và đại bộ phận đã có việc làm. Chất lượng đào tạo của một số ngành đào tạo khoa học và công nghệ đã được nâng cao một bước”. Theo số liệu từ các trường đại học khi làm tự đánh giá và qua đánh giá của các đoàn đánh giá ngoài, các trường ĐH chưa có dữ liệu chính xác về số lượng SV có việc làm. Chiến lược còn có một số thông tin không chính xác như đã hình thành các tổ chức chuyên trách về đánh giá và kiểm định chất lượng.
Ngoài Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cấp trung ương được thành lập vào tháng 8-2008, đã có 114 trường đại học tự đánh giá, trong đó có 40 trường được đánh giá ngoài. Thực tế, hiện nay chưa có tổ chức chuyên trách về đánh giá và kiểm định chất lượng mà chỉ có các bộ phận/trung tâm/phòng/ban đảm bảo chất lượng trong các trường ĐH, CĐ và các Sở GD-ĐT.
Gắn “chiến lược giáo dục” với “cải cách giáo dục”
Theo GS Phạm Phụ, về mặt phương pháp luận, chiến lược phải trả lời 3 câu hỏi: Chúng ta đang đứng ở đâu? Muốn đi đến đâu vào năm 2020? Làm thế nào để đi đến nơi? Đối với câu hỏi một, chúng ta có câu trả lời chung chung. Câu hỏi 2 thì trả lời xa vời. Câu hỏi 3, với nguồn lực nào, hầu như không có nói đến. Chiến lược không thành công về mặt xây dựng phương pháp luận. Mặt khác, giải pháp chỉ làm “cái gì” chứ không phải “làm thế nào”, chưa đi vào căn cơ.
GS-TSKH Lê Ngọc Trà phân tích: Các quan điểm chỉ đạo phát triển GD như của dân, do dân, vì dân, GD là quốc sách hàng đầu không có nội dung. Chẳng lẽ lâu nay nền GD chúng ta không phải của dân, do dân, vì dân? Trong khi chúng ta đang thực hiện phổ cập giáo dục – đó chính là nền GD của dân, vì dân. Các giải pháp đề ra trong chiến lược như “gắn đào tạo với nhu cầu xã hội”, “nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu”, theo TS Lê Ngọc Trà, đó là “mục tiêu” chứ không phải “giải pháp”. Tư duy xây dựng mục tiêu chiến lược cũ có cách đây mấy chục năm, luôn bắt đầu bằng yếu kém và thiếu những tư tưởng lớn chỉ đạo, điểm đột phá. Đổi mới về tư duy giáo dục phải được coi là khâu đột phá đặt lên hàng đầu và TS Trà đề nghị chiến lược phát triển giáo dục phải gắn với cải cách giáo dục, cần lập ra một ủy ban điều hành độc lập.
PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đồng tình với GS Trà ở quan điểm chiến lược phát triển giáo dục phải xuất phát từ quan điểm chỉ đạo chung. Ông đã bỏ công ra nghiên cứu chiến lược của các nước và đối chiếu với VN “thấy khác khác”, khi mục tiêu của mình “phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường cơ sở vật chất …” ở thời điểm nào, bất cứ nơi nào cũng đúng.
Các đại biểu đã chỉ ra những con số, mục tiêu trong dự thảo chiến lược có vẻ không tưởng. TS Hồ Thiệu Hùng nhấn mạnh: Việc nâng tỷ lệ SV/vạn dân lên 450 ngàn vào năm 2020 là mục tiêu không hiện thực (số SV/vạn dân năm 2007 là 226). Chỉ tiêu này làm trầm trọng thêm tình trạng chạy theo con số, làm nở rộ các trường ĐH hữu danh vô thực và cho ra trường những SV kém chất lượng. Trong khi đó, đầu tư giáo dục mầm non lại không được chú trọng. Chúng ta nóng ruột muốn đi tắt đón đầu trước bối cảnh tình hình thế giới, nhưng quên những cái cơ bản là tập trung nhận định tình hình cơ bản, những giải pháp tình thế cho 5 – 7 năm.
TS Nguyễn Kim Dung kết luận: Chiến lược của chúng ta cái gì cũng muốn làm, không có trọng tâm, nên cách chúng ta làm cũng không tập trung, vì vậy, chúng ta cứ đi “loanh quanh” và “mệt mỏi” với những mục tiêu xa vời, luôn bị xã hội chỉ trích. 
HỒNG LIÊN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)