Sự kiện giáo dụcTin tức

Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Trường ngoài công lập đòi nhiều quyền hạn

Tạp Chí Giáo Dục

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã tổ chức buổi hội thảo góp ý Luật Giáo dục đại học các trường phía Bắc.

Lợi nhuận hay phi lợi nhuận
Theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, những bất cập của Luật GD như tại điều 20: “Cấm lợi dụng các hoạt động GD vì mục đích vụ lợi”. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước không chấp nhận loại hình cơ sở GD vì lợi nhuận. Hay như điều 66 quy định: “Thu nhập còn lại được phân chia cho các thành viên góp vốn” dẫn đến cách hiểu là cả hai loại hình dân lập và tư thục đều có chia lợi nhuận, tức là đều mang thuộc tính vì lợi nhuận. Ở đây có cái gì chưa ổn. Điều 67 lại khẳng định: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”. Nội dung như vậy cho phép hiểu trường tư thục thuộc hình thức vì lợi nhuận. Về việc phải sớm làm rõ hệ thống các trường ĐH, CĐ hiện nay, ông Khuyến cho biết rằng, bản thân ông đã tham quan nhiều nước trên thế giới nhưng chưa thấy nước nào phân loại các cơ sở GDĐH như chúng ta (CĐ, ĐH, học viện, ĐH Quốc gia…). Theo ông Khuyến, sự bất cập trong cách gọi tên các trường của Việt Nam chưa rõ ràng, làm rối loạn cả hệ thống ĐH. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Lê Khắc Đóa cũng cho biết, trong Luật GDĐH lần này phải xác định được chức năng của ĐHQG là như thế nào. “Đã là ĐHQG trực thuộc Chính phủ thì phải nhấn mạnh vào đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học là những trọng điểm. Còn theo GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐHDL Hải Phòng thì, trường tư thục vụ lợi hay không vụ lợi. Nếu nói như thế này thì không định hướng được vụ lợi. Dự thảo không nói rõ được phi lợi nhuận như thế nào mà thực chất hiện nay các trường ngoài công lập đang chạy theo lợi nhuận. Bởi vì hầu hết các trường không được đầu tư vốn hay cấp đất xây dựng trường… Vậy Nhà nước làm sao mà khuyến khích phi lợi nhuận được.
Cần hạn chế “quyền” của bộ
Theo các GS tại hội thảo, lâu nay chúng ta cứ ngỡ từ tự chủ là các trường được quyền quyết định mọi thứ, nhưng thực tế không phải vậy. GS.TS Hoàng Trọng Yêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh  (Nam Định) cho rằng, khái niệm tự chủ có từ những năm 1980 trở lại đây. Nhưng thực tế, các trường không có quyền tự chủ. “Chính xác là không đảm bảo đầy đủ quyền tự chủ. Thể hiện rõ nhất hiện nay là vấn đề ba chung, ba chung đã được 10 năm. Thời gian đầu còn tỏ ra hiệu quả và tốt để xác định trình độ chung, nhưng lâu quá thành ra lạc hậu”, GS.TS Hoàng Trọng Yêm góp ý. Nhiều ý kiến cũng phân tích, vấn đề tự chủ của các trường trong dự thảo luật lần này phải nói rõ hơn, trường được tự chủ cái gì, trường được làm gì, trường là đơn vị thực thi pháp luật và ngoài trường còn có xã hội. Vậy, các ý kiến bày tỏ phải giải quyết quan hệ Nhà nước, nhà trường và xã hội trong luật như thế nào cho chính xác. Vấn đề  tự chủ và phi lợi nhuận lâu nay đang là chủ đề bàn cãi, chưa đi tới thống nhất giữa Nhà nước và các trường NCL, đây cũng là khía cạnh được các hiệu trưởng góp ý thẳng thắn. GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng cho rằng: Tự chủ ở đây được hiểu là sự tự do của một cơ sở GDĐH, điều hành công việc mà không có sự chỉ đạo từ bất cứ một cấp chính quyền nào. “Tự chủ ĐH cho phép mở các cơ sở GDĐH, tiến hành các hoạt động tổ chức mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Nói như vậy không có nghĩa là nằm ngoài sự chi phối của pháp luật. Tự chủ là có điều kiện, điều kiện đó được xây dựng trên mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và cơ sở GDĐH”, GS.TS Nghị nói thêm.
Như vậy, xem ra, các trường ĐH ngoài công lập muốn được Bộ GD-ĐT trao nhiều “quyền” hơn. Nhưng trong cuộc hội thảo, không thấy đại biểu nào đề cập đến vấn đề các trường ngoài công lập sẽ đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên như thế nào để nâng cao chất lượng.
Thiên Lam

Bình luận (0)