Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Cần quan tâm đến đội ngũ trí thức

Tạp Chí Giáo Dục

Từ 22-1 đến nay, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT Q.Gò Vấp đã tích cực góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Theo đó, các ý kiến đều khẳng định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có những điểm mới với các điều khoản rõ ràng. Trong đó nổi bật là đã quy định rõ được một số nguyên tắc cơ bản như chế độ chính trị, nền tảng tư tưởng và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, về quyền làm chủ của nhân dân, về quyền lực của Nhà nước, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như câu chữ diễn đạt chưa bao quát, chưa ngắn gọn. Đặc biệt, chưa xác định rõ vai trò của khoa học công nghệ và đội ngũ trí thức trong quá trình phát triển đất nước.
Tại điều 67, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho rằng cần nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần xác định vai trò của khoa học công nghệ phải là nền tảng phát triển đất nước. Tại khoản 1 điều 67, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “Khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước” nên bổ sung: “Khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt, là nền tảng, là động lực…”.
Trường THCS Phan Tây Hồ cũng cho rằng, khoản 2 điều 67 cần bổ sung nội dung: “Nhà nước tạo điều kiện cho các cá nhân đầu tư tạo lập các hiệp hội, ngành nghề” vì trong thực tế các hiệp hội, ngành nghề trong lĩnh vực khoa học công nghệ hoạt động rất mạnh, góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Nên có thêm điều khoản quy định rõ: “Nhà nước có chế độ chính sách cho đội ngũ trí thức học tập nâng cao trình độ và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ này” nhằm khuyến khích đội ngũ trí thức toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Theo ý kiến của tập thể sư phạm Trường Tiểu học Kim Đồng thì điều 65 (về văn hóa giáo dục), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục khẳng định giáo dục công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó quan tâm giải quyết việc làm. Tuy nhiên, Hiến pháp cần quy định về chuẩn đầu vào, đầu ra của các trường để nhà trường đào tạo có tính chuyên sâu – học sinh, sinh viên được học đi đôi với hành. Như vậy khi ra trường là có việc làm đúng ngành nghề, đáp ứng kỹ thuật và đảm bảo nhu cầu xã hội. Khẳng định nguồn nhân lực qua đào tạo sẽ cống hiến để đảm bảo ý thức bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Xây dựng đất nước phồn vinh như tinh thần của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong lời mở đầu đã nêu: “Nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng đất nước và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trường THCS An Nhơn bổ sung cho điều 65, đó là Bộ GD-ĐT thực hiện chương trình phổ thông phù hợp để tránh tình trạng dạy thêm học thêm. Trong khi đó, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho rằng không nên bỏ điều 66 của Hiến pháp 1992: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.
Cũng ở điều 66, khoản 1 – Trường THCS Phan Tây Hồ cho rằng cần có thêm các điều khoản quy định chính sách khen thưởng đối với người có công bồi dưỡng nhân tài cho đất nước nhằm động viên tầng lớp trí thức để họ có thể cống hiến hết sức lực của mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Còn điều 2 bổ sung cụm từ: “Phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội” vào sau câu: “…thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý” nhằm đảm bảo chính sách cho người học và cả người dạy. Nên có thêm điều khoản quy định, Nhà nước cần kiểm tra kỹ điều kiện và chất lượng giảng dạy của các cơ sở giáo dục tư thục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các loại hình trường ngoài công lập.
Hòa Anh 

Bình luận (0)