Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên kỳ vọng đề thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có sự chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Chỉ có như vậy mới đồng bộ với việc đổi mới dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ngược lại sẽ quay về cách dạy học cũ, nặng nề về kiến thức…
Theo nhiều giáo viên, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phải chú trọng đổi mới nội dung đề thi
+ Thầy Hoàng Ngọc Lữ (giáo viên môn lịch sử Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức): Băn khoăn về việc tổ chức thi trắc nghiệm môn lịch sử
Có một thực tế là học sinh rất thích học lịch sử, thậm chí yêu thích môn này, nhiều em thích đến mức sử dụng tiếng Anh tìm hiểu thêm các kiến thức lịch sử mà chính giáo viên cũng phải kinh ngạc. Nhưng cách thi theo kiểu nặng nề về kiến thức như hiện nay khiến đa số học sinh sợ. Như vậy, cùng với việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa thì cách tổ chức thi cần phải được đổi mới để đồng bộ. Đề thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử từ năm 2025 phải thay đổi một cách mạnh mẽ thì mới có thể chuyển biến việc dạy và học lịch sử trong các trường THPT. Đề thi cần ra làm sao không nặng nề về kiến thức mà phải nhẹ nhàng để học sinh không còn phải ghi nhớ, sợ học, sợ thi. Thế nhưng, nếu tiếp tục sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với môn lịch sử như hiện nay để áp dụng cho kỳ thi từ năm 2025 thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải bàn. Thứ nhất, với việc học 3, 4 bộ sách như hiện nay thì đề thi trắc nghiệm khách quan môn lịch sử có đảm bảo tính khách quan, thống nhất về mặt kiến thức? Nếu ôm đồm quá vô hình trung sẽ nặng nề cho học sinh và giáo viên; khiến cả thầy và trò áp lực, thậm chí phải dạy và học cùng lúc 3, 4 bộ sách để đảm bảo kiến thức cho các em đi thi. Thứ hai, với việc đổi mới cách dạy và học môn lịch sử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc đánh giá khả năng tư duy về lịch sử của học sinh sẽ như thế nào? Việc ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan môn lịch sử khiến giáo viên không biết phải đổi mới dạy học như thế nào để đảm bảo quyền lợi nhất cho học sinh. Như vậy, nếu không cẩn thận, với hình thức thi này thì không những không giảm tải cho học sinh, không những không đổi mới mà ngược lại sẽ khiến môn học nặng nề, quay trở lại với hình thức dạy và học cũ – giáo viên sẽ dạy theo hình thức cũ là bắt học sinh ghi nhớ kiến thức với các cột mốc thời gian để các em có thể thi được.
Do đó, Bộ GD-ĐT cần tính toán thật kỹ về hình thức thi đối với môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để làm sao đồng bộ nhất với việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Bộ GD-ĐT có thể tham khảo hình thức thi tự luận như trước đây để đánh giá đúng nhất khả năng tư duy của học sinh, phân loại được học sinh chứ không phải là kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức của các em.
Bộ GD-ĐT ban hành sớm dự thảo kỳ thi là điều cần thiết để giáo viên hình dung, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp
+ Phó Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.1 (TP.HCM): Chưa thấy vai trò của môn học lựa chọn trong định hướng nghề nghiệp
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT được xác định là chương trình mang tính phân hóa, chú trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua việc các em được chủ động lựa chọn các môn học lựa chọn mà mình yêu thích, có khả năng, định hướng nghề nghiệp sau này. Như vậy, đi cùng với việc đổi mới trong giảng dạy thì việc thi cử, với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, yếu tố định hướng nghề nghiệp trong kỳ thi phải được thể hiện rõ rệt, từ đó mới giúp các trường ĐH sử dụng đồng bộ yếu tố định hướng nghề nghiệp từ bậc THPT để xét tuyển. Việc thi 4 môn bắt buộc và 2 môn thi lựa chọn trong tổng số 6 môn lựa chọn cần có sự tính toán rõ rệt hơn về mức độ vai trò của các môn học lựa chọn để phục vụ mục đích định hướng nghề nghiệp. Đề thi của các môn học lựa chọn cũng phải có sự tính toán, làm sao vừa đảm bảo xét tốt nghiệp, vừa giúp các trường ĐH phân loại được học sinh để xét tuyển theo các ngành nghề. Nếu kiến thức các môn thi ôm đồm quá, không có sự tính toán thì sẽ khiến kỳ thi nặng nề, việc dạy và học ở trường phổ thông lại đi vào quỹ đạo trước đổi mới.
+ Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.3 (TP.HCM): Cần có đề thi mẫu để giáo viên dễ hình dung
Hiện nay, việc đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được các trường THPT thực hiện gần 1 năm. Dù nỗ lực đổi mới, thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, thế nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc dạy học hiện nay cả thầy và trò vẫn đang “vừa đi vừa dò đường, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Việc ban hành sớm Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là điều hết sức cần thiết để các trường, giáo viên hình dung, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp.
Nói như vậy có nghĩa là hiện nay việc dạy và học, đổi mới phụ thuộc rất nhiều vào hình hài của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được Bộ GD-ĐT công bố. Do đó, nếu tổ chức thi 6 môn, bao gồm 4 môn thi bắt buộc và 2 môn lựa chọn thì Bộ GD-ĐT nên công bố đề thi mẫu để các trường, giáo viên góp ý phù hợp với chương trình học, chứ không chỉ là góp ý dự thảo chung chung. Có như vậy mới thực chất. Phải nhấn mạnh rằng, việc đổi mới lần này đang được các trường, giáo viên thực hiện rất quyết liệt, thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ. Như vậy, Bộ GD-ĐT phải tính toán để đề thi đưa ra trong từng môn tiệm cận, phù hợp nhất với việc đổi mới của các trường, làm sao phát huy được năng lực phẩm chất học sinh chứ không phải là kiểm tra kiến thức thuần túy như trước đây. Nếu điều này làm không kỹ, không cẩn trọng thì có thể sẽ lại khiến thầy cô quay lại cách dạy cũ.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)