Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng: Nên xác định một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Các văn kiện nên có chung một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành giáo dục cả nước thay cho những khái niệm còn chưa thống nhất (đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; cải cách giáo dục; đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục, đào tạo; chiến lược giáo dục).
Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được Đảng và Nhà nước ta xác định từ nhiều năm nay. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cho đến nay, giáo dục và đào tạo vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH.
Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI, đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân được coi là một trong số những khâu đột phá.
Quan điểm này gợi cho chúng ta một số vấn đề cần làm rõ.
Tại mục “Các đột phá chiến lược” trong “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020” đã nêu “đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân”; Dự thảo Báo cáo Chính trị, phần đánh giá kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội X lại ghi: “Cải cách giáo dục đạt được một số kết quả bước đầu”; phần phương hướng (V) lại xác định: “Đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ, giáo dục, đào tạo…”. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại đang soạn thảo “Chất lượng giáo dục Việt Nam”. 
Vấn đề đặt ra là cùng một lĩnh vực, trong cùng một thời điểm lại có những quan điểm không thống nhất. Điều này có thể làm cho người đọc có những suy nghĩ khác nhau.
Đây không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là quan điểm, nội dung, định hướng với nền giáo dục quốc dân. Vì vậy, các văn kiện nên có chung một khái niệm có giá trị chỉ đạo chiến lược đối với ngành giáo dục cả nước thay cho những khái niệm còn chưa thống nhất (đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; cải cách giáo dục; đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục, đào tạo; chiến lược giáo dục).
Căn cứ thực tế tình hình trong nước và thế giới hiện nay, chúng ta nên tiến hành cải cách giáo dục một cách cơ bản, hệ thống nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng toàn diện, cả về đức và tài, thực sự là những chủ nhân của đất nước.
Quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu cần được thể chế rõ ràng, cụ thể thành chế độ, chính sách, cơ chế để thực hiện. Cải cách giáo dục một cách toàn diện, sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương hướng, biện pháp. Lập lại trật tự kỷ cương hoạt động giáo dục ở các phạm vi, đối tượng, lĩnh vực như người học, người dạy, nhà trường, ngành, cơ quan, cấp quản lý… bảo đảm nguyên tắc vì chất lượng toàn diện, thực chất, có hiệu quả của sản phẩm giáo dục, đào tạo đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung khắc phục những yếu kém của ngành giáo dục hiện nay như: chất lượng không cao, đặc biệt là chất lượng chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Giáo dục phải coi đây là chất lượng số một, là bản lĩnh, tâm hồn, nhân cách mà ngành giáo dục bồi đắp xây dựng cho thế hệ tương lai.
Cùng với đó, trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức mới, phương pháp tư duy để có kiến thức mới. Trên cơ sở đó, có đủ năng lực lao động khoa học, sáng tạo, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, coi đó là sự cống hiến cụ thể, thiết thực cho đất nước. Để được như vậy, phải đổi mới các hoạt động tổ chức, quản lý giáo dục. Khắc phục xu hướng thị trường hóa giáo dục. Nghiêm trị mọi biểu hiện tiêu cực dưới mọi hình thức mua điểm, mua bằng, mua danh hiệu… trong giáo dục.
Tất cả cần một sự trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nói rõ sự thật như Đảng ta luôn chỉ ra.
PGS.TS Trần Quang Nhiếp
(Theo VGP)

Bình luận (0)