Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Góp ý Luật Điện ảnh sửa đổi: Tìm tiếng nói đồng thuận

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-2, diễn ra hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tại TPHCM. Nhiều thay đổi trong dự thảo luật mới nhất đã khá rõ rệt và tiến bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít tranh cãi. 

Một cảnh trong bộ phim Người lắng nghe: Lời thì thầm

Một cảnh trong bộ phim Người lắng nghe: Lời thì thầm

Quản lý hay thúc đẩy?

 Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nhấn mạnh, điện ảnh luôn là mũi nhọn trong ngành công nghiệp văn hóa và được dự đoán sẽ có sự phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19. “Thúc đẩy phát triển điện ảnh phải được đặt lên hàng đầu, sau đó mới là quản lý”, ông Đông khẳng định. Theo ông Đông, khía cạnh kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, trọng tâm là xây dựng quỹ điện ảnh, có những ưu đãi cụ thể về thuế và chính sách hoàn thuế cho các đoàn phim nước ngoài. Ông cho biết thêm: “Luật Điện ảnh ra đời phải thực thi được trong hiện tại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tạo nên sức mạnh mềm về văn hóa”. 

Liên quan đến vấn đề này, theo PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ở lĩnh vực điện ảnh, không chỉ tập trung quản lý mà phải chú trọng phát triển. Ông cho biết: “Vấn đề là sau khi luật mới ra đời phải là tiền đề để điện ảnh phát triển”.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng thẳng thắn chỉ ra, vấn đề quản lý đặt quá nặng trong luật. “Cân bằng việc vừa tạo hành lang pháp lý vừa tạo môi trường để phát triển là rất khó. Theo tôi, điện ảnh là sân chơi nguy hiểm khi có thể mất đến số tiền hàng chục tỷ đồng. Do đó, các chính sách của nhà nước nên là bà đỡ của điện ảnh. Tôi cũng hy vọng luật mới sẽ đáp ứng được phần nào”, ông nói. 

Ở góc độ nhà làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chung quan điểm khi cho rằng, yếu tố quản lý, kiểm soát đang mạnh hơn trong luật hiện tại. “Nên tạo hành lang pháp lý để nhà làm phim tự tin thay vì lo ngại”, anh nêu quan điểm. 

Tuy nhiên, từ thực tiễn chỉ ra rằng, so với Luật Điện ảnh 2006 (sửa đổi, bổ sung 2009), dự thảo trình Quốc hội vào tháng 10-2021, dự thảo luật chỉnh lý đến ngày 18-2 đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều chuyên gia, nhà làm phim đều thừa nhận dự thảo mới có nhiều tiến bộ. Các vấn đề trọng tâm: phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, sản xuất và phổ biến phim, thẩm quyền cấp phép phân loại phim, lưu trữ và lưu chiểu phim… được điều chỉnh theo hướng chi tiết hơn, phù hợp thực tế thị trường. Đây cũng là cơ sở để có niềm tin, luật mới ra đời sẽ kích thích điện ảnh Việt phát triển.  

Cần có Quỹ điện ảnh

 Dự thảo lần này nhận được nhiều quan tâm cũng là tất yếu, bởi nó tác động và ảnh hưởng trước hết đến chính đội ngũ các nhà làm phim. Bà Bích Hạnh dẫn chứng các ví dụ liên quan đến hàng loạt giấy phép con nếu muốn được ghi hình tại các điểm công cộng và lớn hơn, câu chuyện thuế, chi phí cố định: tiền điện, nước, phí mặt bằng rạp chiếu phim… “Có nhiều thứ không được đưa vào luật nhưng có thể đưa vào nghị định. Do đó, tôi mong sẽ có sự chuẩn bị chi tiết cho những nội dung này để các nhà làm phim yên tâm hơn”, bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD, đề xuất.  

Một vấn đề khác dù không mới nhưng luôn thời sự, thậm chí có nhiều ý kiến trái chiều tại hội nghị: câu chuyện đấu thầu, phim Nhà nước đặt hàng. Đạo diễn Phan Đăng Di nêu thực tế nhiều bộ phim sản xuất bằng ngân sách Nhà nước nhiều năm qua không thành công trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam, gây tiếng vang ra nước ngoài. “Nhìn lại tiền đầu tư ngân sách cho điện ảnh, chúng ta đã có khảo sát nào về tính hiệu quả? Nhiều bộ phim làm xong không được chiếu hoặc chỉ chiếu rất hạn hẹp”, anh bày tỏ.

Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Luân Kim cũng cho rằng nên xóa bỏ cơ chế đấu thầu; đồng thời phải có đánh giá, hậu kiểm đi kèm chế tài với các bộ phim thực hiện bằng ngân sách Nhà nước để góp phần nâng cao chất lượng phim. Trong khi đó, ngược lại, bà Bích Hạnh nhấn mạnh nên khuyến khích sự đa dạng văn hóa trong điện ảnh để tạo sự công bằng cho các nhà làm phim, để không ai cảm thấy mình bị bỏ lại phía sau. Bà cho rằng, mỗi thể loại phim cần có tiêu chí đánh giá cụ thể. 

Một tín hiệu đáng mừng khi các đại biểu đều đồng thuận phải có Quỹ điện ảnh. Cả ông Phan Thanh Bình lẫn PGS-TS Trần Luân Kim đều khẳng định cần thiết có quỹ và điều này phải được quy định trong luật. Đạo diễn Phan Đăng Di dẫn chứng, hiện nay nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng có Quỹ điện ảnh, không chỉ hỗ trợ nhân sự trong nước mà còn tài trợ cho các dự án nước ngoài với những quy định ràng buộc góp phần phát triển tài năng, trao cơ hội cho nhà làm phim trẻ và mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế.

Theo Văn Tuấn/SGGPO

 

Bình luận (0)