Hôm qua (8-9), tại tọa đàm lần thứ tư góp ý dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục ĐH, vấn đề được nhiều người sôi nổi bàn luận là hoạt động vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận của các trường ĐH ngoài công lập.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, dự thảo đã bổ sung: “Khuyến khích cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận… Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Nhưng nhiều giáo sư cho rằng quy định như vậy là còn mờ ảo, chưa làm rõ chủ trương của Bộ. PGS-TS Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, yêu cầu: “Luật cần quy định rõ tiêu chí thế nào là cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và có lợi nhuận hợp lý, trong đó đặc biệt làm rõ vấn đề tài sản được chia và không được chia. Cần định hướng cơ sở giáo dục ĐH hoạt động theo cơ chế vì lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục, bảo vệ quyền lợi của người học”.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị ban soạn thảo Luật Giáo dục ĐH cần quy định về Hội đồng trường. Hiện tại, sau gần 10 năm thực hiện Luật Giáo dục 2005, Điều lệ trường ĐH 2003 và Điều lệ trường CĐ 2009, chỉ có 10/188 trường ĐH thành lập và chưa có trường CĐ nào thành lập hội đồng này. Lý do của các trường là “trong điều kiện thực tiễn hiện nay, việc thành lập Hội đồng trường là không cần thiết, không hiệu quả”. Tuy nhiên, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: “Không thể vin vào hoạt động không hiệu quả, hay chỉ có 10/188 trường có thành lập Hội đồng trường để không quy định trong luật. Cái chính là phải tìm ra nguyên nhân của tình trạng này”. PGS-TS Lê Văn Học cũng cho rằng Hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu khi trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Do đó Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cần quy định tổ chức này là thể chế bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục ĐH.
GS Trân còn mạnh dạn đề nghị: “Bộ GD&ĐT vẫn chưa thể hiện ý chí và quyết tâm đổi mới công tác quản lý giáo dục ĐH. Do đó, Luật Giáo dục ĐH mới chỉ nên ban hành khi nó đặt được nền tảng pháp lý rõ ràng để giải quyết các yếu kém bất cập đã quá kéo dài và thể hiện được đổi mới thật sự về quản lý nhà nước trong giáo dục”.
QUỐC DŨNG
(PL)
Bình luận (0)