Sự kiện giáo dụcTin tức

Góp ý Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục: Cần phân quyền và quy trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ mầm non được đề nghị miễn học phí

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp khoa học và Phát triển Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý kiến cho Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (gọi tắt là Luật Sửa đổi, bổ sung). Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, yêu cầu sửa đổi từ giáo dục mầm non cho đến đại học…
Cần phân quyền lớn hơn
Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mới nhất (ngày 8-10), có 20 nội dung được đề cập cần sửa đổi bổ sung. Lần này, luật sẽ có những sửa đổi liên quan đến 22 điều, bổ sung thêm 3 điều mới của Luật Giáo dục có hiệu lực từ năm 2006, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Vấn đề sửa đổi, bổ sung dựa trên các nguyên tắc là phù hợp với một số chủ trương, chính sách đổi mới trong lĩnh vực giáo dục; lựa chọn những vấn đề bức xúc, cấp thiết trong thực tiễn để đưa vào sửa đổi, bổ sung. Nội dung sửa đổi, bổ sung phải tạo sự thống nhất, đảm bảo đồng bộ với quy định của Hiến pháp, các bộ luật và luật hiện hành. Mặc dù vậy, đa số các đại biểu đều cho rằng, luật cần quy định phân cấp, phân quyền hơn nữa. GS.TSKH Đỗ Sanh, Hội Cơ học Việt Nam cho rằng trong điều 16 của Luật Sửa đổi, bổ sung có ghi: “Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm sự phát triển sự nghiệp giáo dục”. Rõ ràng đây là “ôm đồm” cho khối công lập hay cả tư thục. Nâng cao chất lượng đội ngũ nên đưa vào quy định chất lượng và các trường phải chịu trách nhiệm. Với cách làm hiện nay thì lấy đâu ra chất lượng. Theo GS. Đỗ Sanh trong đào tạo tiến sĩ cũng cần phải có điều chỉnh. Cụ thể ở khoản 4 điều 38, cách đặt vấn đề về thời gian như thế vẫn theo lối tư duy cũ. Cần phải chuyển “đào tạo tiến sĩ gắn với đề tài khoa học”.
Kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học sẽ chu cấp cho nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. Một điều quan trọng nữa được GS. Sanh nhấn mạnh đó là nên quy định cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh phải có trách nhiệm toàn diện đối với nghiên cứu sinh kể cả quản lý hành chính. Nếu không đây sẽ là kẽ hở (không nhỏ) để cho “ra lò” các “tiến sĩ rởm”. Đồng thời cũng nên bỏ phần “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT… qui định cụ thể việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn người đã tốt nghiệp ĐH”.
Cũng về vấn đề phân cấp, phân quyền, GS.TS. Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội cho rằng việc đổi mới thi cử diễn ra liên tục hàng chục năm nay, lúc thì giao việc thi cử về cho các trường còn Bộ chỉ “bán giấy thi, giao chỉ tiêu – như cấp quota trong xuất nhập khẩu hang hóa”, lúc thì thu về Bộ, để thực hiện thi cử theo phương thức ba chung – chung đề, chung đợt, và xử lý kết quả chung. Gần đây lại có chủ trương hai kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH-CĐ tại các nước châu Á tổ chức riêng rẽ, còn ta dự kiến gộp làm một, và sẽ bỏ kỳ thi vào ĐH-CĐ. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản đã gộp hai kỳ thi không thành công, nên họ giữ kỳ thi ĐH-CĐ, còn thi tốt nghiệp họ tiến hành kiểm tra nhẹ nhàng, tiến đến bỏ kỳ thi này. Trung Quốc cũng theo xu hướng này. Cũng về vấn đề phân quyền, phân cấp, PGS. Văn Như Cương cho rằng về thi cử, tại sao Bộ không giao quyền cho các trường ĐH tổ chức thi. Theo ông, mỗi trường có đặc trưng riêng do đó, họ sẽ ra đề theo yêu cầu khác nhau. Còn thi tốt nghiệp, tại sao sau 12 năm học, không cấp cho học sinh một “cái giấy thông hành” nhẹ nhàng mà để hàng triệu học sinh phải thi cùng ngày, cùng giờ trở thành gánh nặng cho xã hội?
Nhiều vấn đề cần chỉnh sửa
Các nhà khoa học cũng tập trung thảo luận về chất lượng, quản lý và phân cấp thực hiện trong lĩnh vực giáo dục. GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn kiến nghị: “Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi” là miễn học phí, không thu thêm bất kỳ khoản nào. Về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và đại học có các biện pháp cần làm là: lập một hội đồng biên soạn sách đại học trực thuộc Chính phủ, sau khi làm xong thì giải tán; liên kết với Việt kiều ở các nước tiên tiến, sưu tầm các giáo trình nước ngoài, tổ chức dịch, biên soạn giáo trình mới, giúp cán bộ chuẩn bị bài giảng; khắc phục tình trạng các sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, các bộ sách tuyển chọn về lý luận phê bình còn ít có mặt trong thư viện các trường đại học do công tác tổ chức phân tán, số lượng in ấn hạn chế. Nhà nước quản lý in ấn sách để trang bị đầy đủ cho thư viện của các trường đại học trong phạm vi cả nước. Về thời gian đào tạo thạc sĩ, một số nhà khoa học cho rằng không thật sự cần thiết phải sửa đổi, mà nên sửa đổi tiêu chí luận án tiến sĩ phải có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế. Nên thành lập hội đồng cho bảo vệ luận án, với thành viên không đổi có thời hạn mà các thành viên này cùng mã ngành với người bảo vệ, đồng thời bỏ một số thủ tục không cần thiết như nghiên cứu sinh phải xin giấy nhận xét luận án trước khi bảo vệ. Hoặc đào tạo tiến sĩ phải gắn với đề tài khoa học. Theo GS. Đỗ Sanh, để đạt được các điều đưa ra, cái quan trọng nhất, then chốt nhất mà bản sửa đổi không thấy được đó là tính cơ bản và phải tập trung quanh tính cơ bản, làm rõ tính cơ bản. Hai yêu cầu tập trung vào các vấn đề cơ bản là giáo dục con người cần hướng vào hai mục tiêu xây dựng nhân cách và xây dựng tư cách. Giáo dục phổ thông là giáo dục những vấn đề nhân bản: Tập trung vào tình thương, vào tự giác khép mình trong khuôn phép trở thành thói quen. Vấn đề cơ bản của giáo dục sau phổ thông là kỹ năng lao động tốt, lao động có kết quả, sống theo pháp luật, trách nhiệm và có hoài bão đối với cộng đồng.
Mặt khác, GS. Trần Đình Long đề nghị Bộ GD-ĐT nên xây dựng giáo trình chuẩn từ ĐH đến phổ thông. Một giáo trình duy nhất cho đất nước Việt Nam. Giáo trình ấy sẽ được cập nhật, sửa chữa phù hợp với sự phát triển của thế giới. Nên có hội đồng tư vấn để giúp Bộ GD-ĐT vấn đề này. GS. Long cũng cho rằng quyết định thành lập trường và quyết định tuyển sinh là hai quyết định khác nhau. Cần có sự phân biệt để tránh tình trạng những ngôi trường 3 không như hiện nay.
Đối với Luật Sửa đổi bổ sung lần này, PGS. Văn Như Cương đề nghị cần phân quyền nhiều hơn nữa cho các trường đồng thời phải có những chế tài xử lý cụ thể.
 
Thiên Lam

Bình luận (0)