Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý sau dự giờ là cả một nghệ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Quả thật là đúng như thế! Khen – chê trong dạy học ngữ văn (kể cả các môn học khác) đều rất khó. Mỗi môn đều có cái khó riêng, nếu các môn khoa học tự nhiên, ngoài nội dung thì còn phương pháp truyền thụ, dẫn giải… Dù góp ý sau dự giờ, biết đồng nghiệp có những cái chưa đúng, chưa chuẩn về kiến thức, về phương pháp cũng nên tránh kiểu nói thẳng ngay trong buổi họp tổ chuyên môn. Cũng không phải chọn cách nói “dĩ hòa vi quý”, nói kiểu “ba phải” không mất lòng ai.

Trước đây, trong một lần dự giờ tiết dạy bài thơ “Mẹ Suốt”, tôi có góp ý cho đồng nghiệp là khi củng cố bài, tự mình ngâm bài thơ thì hay hơn, cảm xúc hơn là mở máy bản ngâm của nghệ sĩ Châu Loan. Nhưng đồng nghiệp lại cho rằng đó là vận dụng phương tiện trình chiếu hợp lý, hơn nữa mình ngâm thì làm sao chuẩn bằng nghệ sĩ. Có một đồng nghiệp ở trường khác tâm sự: Từ giờ trở đi, em có góp ý thì nói toàn điểm tốt, không nói ra điểm hạn chế của người dạy nữa đâu. Bởi trước đó, vì góp ý thẳng thắn mà đồng nghiệp giận, thề “không nói chuyện nữa” vì “không biết thương nhau”. “Khen – chê khó lắm/ Phải đâu chuyện đùa”, nên việc góp ý, trao đổi sau buổi dự giờ là cả một nghệ thuật, liên quan nhiều đến kỹ năng sống, cách ứng xử… Làm sao để người được góp ý vui lòng chấp nhận những mặt tốt, những mặt hạn chế trong bài dạy. Bởi vì người nào cũng có cái “tôi”, cũng có cái lý (nhất là môn ngữ văn) trong quá trình truyền thụ kiến thức. Kinh nghiệm góp ý, khen – chê của bản thân tôi sau gần 40 năm dạy học, làm công tác quản lý được “đúc kết” như sau: Thứ nhất, trong buổi góp ý sau tiết dự giờ ở tổ chuyên môn, chúng ta ghi nhận những mặt tích cực, những mặt tốt, sáng tạo trong việc truyền thụ kiến thức của đồng nghiệp. Những hạn chế, sai sót nếu có, cũng chỉ nên nêu vài ý nhỏ, không ảnh hưởng tới kết quả bài dạy. Thứ hai, khi gặp riêng trong không gian chỉ có hai người tại địa điểm thích hợp, chọn thời gian phù hợp có thể nói nhỏ như câu chuyện tâm tình về những hạn chế trong tiết dạy. Đó có thể về nội dung hoặc về phương pháp; nêu rõ nội dung nào chưa chuẩn, còn sai sót; phương pháp chưa chuẩn nào cần khắc phục… Ông cha ta từng nhắc nhở: “Lạt mềm buộc chặt”; dùng lời lẽ nhẹ nhàng, vui vẻ thì người nghe dễ tiếp thu hơn, nhớ hơn và cảm phục tâm lý của người góp ý. Đồng nghiệp với nhau, góp ý chân tình để cùng nhau tiến bộ; giúp nhau khắc phục hạn chế, phát huy những ưu điểm để cùng hoàn thiện hơn. Có như thế không khí sư phạm trong tổ, trong nhà trường sẽ tốt lên; tạo nên sự hứng thú, thoải mái trong công tác giảng dạy.

Phấn đấu xây dựng “Trường học hạnh phúc” cũng rất cần những kiến thức về cách góp ý sau buổi dự giờ. Để làm sao mỗi giáo viên sau buổi dự giờ, sau buổi góp ý cảm thấy sự tin yêu của đồng nghiệp, tự tin vào bản thân mình…

Lê Đc Đng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)