Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Góp ý thật hay chỉ là hình thức?

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần qua, khi tài liệu hướng dẫn giảm tải chính thức của Bộ GD – ĐT được đưa về các sở GD – ĐT để triển khai cho giáo viên, nhiều ý kiến tranh luận nảy sinh. Ý khen thì ít mà chê lại nhiều
Khen vì nhiều bài học được cắt giảm, gộp bài, gộp đoạn… đồng nghĩa với việc giáo viên và học sinh đỡ vất vả học hành. Trong đó, đáng chú ý là môn lịch sử và địa lý được cắt giảm khá nhiều hơn so với các môn khác. Không biết lý do vì sao lại thế nhưng nhiều giáo viên cho rằng có thể do kết quả điểm môn sử quá thấp trong kỳ thi ĐH vừa qua đã khiến Bộ GD-ĐT cho là chương trình sách giáo khoa lịch sử nặng quá nên cắt bớt bài.
Mà phần cắt bài lịch sử ở cấp THPT phần lớn thuộc lịch sử thế giới, cấp THCS thì rơi vào phần trước năm 1945. Môn địa lý có bài được coi là kiến thức cơ bản cũng bị cắt. Trong khi một số môn khác lâu nay giáo viên, học sinh than nặng nhưng tỉ lệ giảm tải chẳng đáng bao nhiêu.
Khi triển khai hướng dẫn này, giáo viên là những người trực tiếp phải thực hiện. Thế nhưng, hướng dẫn giảm tải nêu rất chung chung ở các môn: hoặc là chuyển bài học sang học thêm, không dạy hoặc gộp bài.
Và theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1-9-2011 của Bộ GD – ĐT, giảm tải để giáo viên dùng thời gian những nội dung giảm tải vào việc tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu kỹ hơn nội dung không giảm tải. Vậy là giáo viên một mặt vừa phải kiểm dò cuốn chuẩn kiến thức kỹ năng với sách giáo khoa vừa kiểm dò tiếp tài liệu hướng dẫn lần này. Giáo viên sử dụng sách giáo khoa năm cũ thì kiểm dò lần nữa với sách giáo khoa ấn hành năm 2011. Trước đó, Bộ GD-ĐT không hề thông báo khi ấn hành năm nay có điều chỉnh hay thay đổi nội dung sách giáo khoa hay không?
Thời gian đưa tài liệu hướng dẫn giảm tải đến giáo viên gấp gáp khiến người trong cuộc phải lo lắng. Tựu trường được 2 ngày thì Bộ GD-ĐT công bố dự thảo tài liệu trên website và trưng cầu ý kiến đóng góp. Rồi chưa đầy một tháng sau, tài liệu đã được chính thức triển khai xuống các trường dù còn có những lỗi sai cơ bản như nhầm mục, nhầm tên nước (chẳng hạn Nhật Bản bị ghi thành Mỹ).
Nhiều giáo viên băn khoăn vì khi dự thảo được công bố, những sai sót này đã được đóng góp không hiểu sao đã không được chỉnh sửa? Cho nên nhiều người nghi ngờ tài liệu đã in sẵn trước khi công bố dự thảo và việc trưng cầu ý kiến chỉ là… hình thức?
Theo Minh Quyên
(NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)