Được coi là một loại hình nghệ thuật đường phố nhưng graffiti lại đang khiến nhiều người cảm thấy ngán ngẩm vì nó khiến cho bộ mặt đô thị trở nên nhem nhuốc.
Những hình vẽ graffiti trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM). Ảnh: Yên Hà |
Graffiti bủa vây phố phường
Ngày 11-5, Công an Q.1 cho biết vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 du khách nước ngoài vẽ bậy thể loại graffiti trên tường Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo biên bản, lúc 3 giờ ngày 3-5, Công an phường Bến Nghé phát hiện David William (24 tuổi, quốc tịch Ireland), Marshall Kelly John (33 tuổi, quốc tịch New Zealand), Ryan Grech Thomar (32 tuổi, quốc tịch Úc) đang dùng sơn vẽ lên tường Bệnh viện Nhi đồng 2, phần mặt tiền đường Lý Tự Trọng.
Khi về trụ sở cơ quan chức năng, cả ba thừa nhận hành vi vi phạm. Công an đã ra quyết định xử phạt hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở nơi làm việc. Tổng số tiền phạt là 4,5 triệu đồng cho 3 người và kèm theo yêu cầu khắc phục hậu quả.
Những ngày qua, nhiều người dân cũng rất bức xúc khi nhìn thấy những hình vẽ graffiti trên các thân trụ cầu tuyến đường sắt trên cao Bến Thành – Suối Tiên đang trong quá trình xây dựng. Điều đáng nói là đa số chân cầu của tuyến metro được bao bọc bằng tôn hoặc lưới sắt B40, không cho người dân tiếp cận nhưng những hình vẽ graffiti vẫn xuất hiện rất nhiều.
Ngay tại trung tâm Q.1, hình vẽ graffiti gây mất mỹ quan đô thị với những vết sơn loang lổ ở khắp nơi như trên tường, ở đầu hẻm, tủ điện, thậm chí còn ở trên cửa, tường nhà, các cửa hàng của người dân. Chỉ cần ở đâu có một khoảng trống là ở đó sẽ trở thành địa điểm vẽ cho những “tín đồ” graffiti.
Lâu nay, tình trạng vẽ graffiti đã diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM. Chỉ cần dạo qua một vài con đường, có thể thấy hình vẽ graffiti đầy rẫy, không chỉ xuất hiện ở tường nhà mà còn tại các trụ điện, trạm xe buýt, bảng quảng cáo. Đa phần các bức vẽ thường chỉ là những dòng chữ vô nghĩa, nguệch ngoạc được vẽ tự phát, gây ra sự nhếch nhác và mất mỹ quan chung.
Cần xử lý nghiêm
Bắt nguồn từ các nước ở phương Tây, graffiti là một loại hình vẽ nghệ thuật đường phố được giới trẻ vô cùng hưởng ứng. Thế nhưng, khi du nhập vào Việt Nam, loại hình nghệ thuật này lại gây nhiều nỗi bức xúc cho người dân bởi những nét vẽ nguệch ngoạc khó hiểu, làm bẩn đường phố, những nơi công cộng…
Chị Mỹ Hòa (Q.10) bức xúc, “bức tường nhà tôi vừa được sơn lại chưa được 2 ngày thì đã bị ai đó vẽ bậy lên đó. Đã nhiều lần như thế nên tôi nản, không muốn sơn lại tường rào của ngôi nhà nữa. Tôi mong có biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vẽ bậy như thế này”. Bức xúc của chị Mỹ Hòa cũng là bức xúc của nhiều người dân khác. Không biết những nét chữ nguệch ngoạc khó hiểu sẽ mang đến được cảm xúc như thế nào đối với người đam mê vẽ nghệ thuật đường phố nhưng thực tế nó đang là nỗi ám ảnh và sự khó chịu của người dân. Bị người dân phàn nàn, những bạn trẻ vẽ graffiti lén vẽ ban đêm, vẽ bất kỳ đâu họ thích, mục đích chỉ để thỏa mãn thú vui của mình.
Hành vi vẽ bậy này không chỉ khiến mất mỹ quan đô thị mà còn khiến nhiều gia đình, cơ quan phải bỏ ra số tiền không nhỏ để làm sạch. Không phủ nhận graffiti là một nghệ thuật đương đại nhưng nên có những quy định cụ thể về những nơi hay bề mặt được vẽ graffiti tránh tình trạng tự phát như hiện nay. |
Theo luật sư Đoàn Tuấn Quỳnh (Đoàn luật sư TP.HCM), “nếu vẽ làm xấu cảnh quan và có thể làm bẩn khuôn viên nhà người khác, nơi công cộng, người vẽ sẽ bị xử phạt hành chính quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất kinh doanh của người khác; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trong trường hợp người vẽ lên tường rào hoặc cửa cuốn các công trình xây dựng đang sử dụng thuộc sở hữu của người khác, làm giảm giá trị sử dụng của công trình thì tùy theo mức độ thiệt hại, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Hành vi vẽ bậy này không chỉ khiến mất mỹ quan đô thị mà còn khiến nhiều gia đình, cơ quan phải bỏ ra số tiền không nhỏ để làm sạch. Không phủ nhận graffiti là một nghệ thuật đương đại nhưng nên có những quy định cụ thể về những nơi hay bề mặt được vẽ graffiti tránh tình trạng tự phát như hiện nay. Thiết nghĩ, nếu như tranh vẽ mang lại thông điệp nào đó tích cực cho xã hội thì nhiều người dân sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, những gì mà các bạn trẻ vẽ graffiti đang thể hiện ở nơi công cộng cho thấy vấn đề ngược lại. Và khi chưa thực hiện nghiêm chế tài, người trẻ sẽ còn tiếp tục ra sức vẽ bậy nơi công cộng.
Yên Hà
Bình luận (0)