“Trong một xã hội phát triển thì số người sống vị kỷ sẽ giảm đi nhiều. Những vấn đề của xã hội hiện tại đòi hỏi sự cộng sức của con người. Những người Việt trẻ đã nhận thức được điều đó và biến thành hành động, tạo nên sự phát triển mạnh của các phong trào hoạt động vì cộng đồng trong thời gian gần đây.”
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ những suy nghĩ về sự tham gia của giới trẻ Việt Nam vào các hoạt động thiện nguyện.
Cộng sức để giải quyết vấn đề chung
GS. Đặng Hùng Võ: "Lúc này xã hội đang rất cần và cũng đủ điều kiện để giới trẻ tham gia các hoạt động vì cộng đồng."
Ảnh: Lan Hương |
– Ở Việt Nam, khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ tổ chức và tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Những hình thức hoạt động cũng phong phú, đa dạng và “chuyên nghiệp hoá” hơn trước. Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này?
– Cuộc sống khá lên, con người đỡ phải lo đói cho bản thân mình thì có thời gian và tư duy để nghĩ tới những điều rộng hơn, gắn với cộng đồng hơn.
Thứ hai là những vấn đề của xã hội hiện tại đòi hỏi sự cộng sức của con người. Con người phải gắn bó với nhau hơn để chống chọi với những nguy cơ, thách thức có thể xảy đến. Giới trẻ nhận thức được điều đó và biến thành hành động vì cộng đồng.
Hơn nữa, trước kia, không quen biết nhau thì không biết người khác nghĩ gì, muốn làm gì. Còn bây giờ, sự phát triển của blog và các hình thức trao đổi thông tin qua internet giúp con người có thể trao đổi tư duy, biết được các vấn đề nóng để cùng nhau xây dựng chương trình hành động chung. Một ý tưởng tốt lan truyền rất nhanh, thậm chí từ nước này sang nước khác.
Chẳng hạn 10 blog có cùng 1 ý tưởng về một phong trào hoạt động cộng đồng thì họ dễ dàng nhận ra nhau trên internet và cộng sức với nhau.
Một nguyên nhân khác có thể xuất phát từ tính cộng đồng cao của người Việt nói riêng và người Đông Á nói chung.
– Ông có sự so sánh gì về sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng của giới trẻ Việt hiện nay với các giai đoạn trước kia?
– Trong thời kỳ bao cấp, tư duy của thanh niên thụ động hơn, tư duy theo khuôn mẫu của xã hội và thường làm theo chỉ dẫn của cơ quan. Khi đó, cũng có phong trào thanh niên tham gia làm thuỷ lợi, tăng gia sản xuất nhưng chủ yếu là góp một tay vào các hoạt động của cơ quan hoặc các chương trình của Nhà nước.
Khi hết bao cấp để bước vào cơ chế thị trường , tư duy của thanh niên lại bị phân tán. Một bộ phận chuyển sang hướng tích cực trong "làm ăn", một bộ phận chuyển sang hướng tiêu cực theo mặt trái của cơ chế thị trường, và một bộ phận còn chưa định hình nổi xem mình sẽ làm gì cho hợp.
Hiện nay, qua một thời gian khi kinh tế thị trường đã phát triển tới mức độ nhất định thì tư duy của giới trẻ bắt đầu được định hình lại để nhận thức đúng về cơ chế thị trường, biết rõ mặt phải và mặt trái, phát triển tư duy theo hướng tích cực nhiều hơn.
Lúc này, nhu cầu xã hội đang rất cần và cũng có đủ điều kiện để thanh niên tham gia các phong trào hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa.
Trong một nền kinh tế – xã hội phát triển, tư duy và thông tin đóng vai trò quan trọng, con người gần nhau hơn và cần nhau hơn, tất nhiên lớp người sống vị kỷ sẽ giảm đi rất nhiều.
Tham gia các hoạt động thiện nguyện, người trẻ trưởng thành lên rất nhiều.
Ảnh: Các SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đạp xe vì môi trường. |
– Nhận định này khiến tôi nghĩ về nước Mỹ, đất nước vốn được coi là tiêu biểu của lối sống thực dụng nhưng hằng năm có tới 25% công dân Mỹ trên 16 tuổi cống hiến thời gian cho hoạt động thiện nguyện. Người Mỹ còn có câu: “Nếu tất cả các tình nguyện viên cùng rút lui, nước Mỹ sẽ ngưng trệ”…
– Đúng vậy! Cuộc sống hiện nay không cho phép người ta sống ích kỷ vì nếu sống ích kỷ thì sẽ thu được ít hơn so với những người sống vì cộng đồng.
Cuộc sống gấp gáp, nhịp độ phát triển rất nhanh, công nghệ thay đổi từng ngày. Những tác động của kinh tế làm phương thức sống thay đổi rất nhiều, đan xen, cài vào với nhau chứ không còn tồn tại những mảnh độc lập.
Tất cả những ngữ cảnh đó thúc giục giới trẻ phải xâm nhập vào cuộc sống, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động cộng đồng… để tự thể hiện năng lực của mình.
Tình nguyện vì ham vui cũng… tốt
– Theo ông, khi tham gia những hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội, người trẻ thu nhận được gì?
– Ở đây có thể áp dụng câu thành ngữ “Học thầy không tày học bạn”. Tham gia các hoạt động cộng đồng là quá trình đào tạo từ cuộc sống mà đào tạo từ cuộc sống thì rất sâu sắc.
Khi tham gia cùng bạn bè vào các hoạt động xã hội, có khi phải đối mặt với các hoàn cảnh nguy hiểm nhưng chính qua những tình huống đó, các bạn trẻ vững vàng hơn, trưởng thành hơn.
Hoạt động cộng đồng sẽ giúp bạn trẻ hình thành thế giới quan khác so với những người chỉ ngồi trong bốn bức tường nhà.
Thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện trong thanh niên.
Ảnh: Dương Hiệp |
– Nhưng hiện nay, có không ít bạn trẻ tham gia những hoạt động xã hội vì ham vui, vì tâm lý số đông hay vì một động cơ cá nhân nào đó. Thậm chí có người còn lợi dụng hoạt động thiện nguyện để vụ lợi. Ông nghĩ sao về các bạn trẻ này?
– Một xã hội thì không thể tránh khỏi những cách thức hoạt động khác nhau, dưới một tiêu chí chung có thể có nhiều cách tính toán khác nhau.
Ý thức được mình cần phải tham gia các hoạt động cộng đồng là tốt nhất. Nhưng đối tượng ham vui, đi theo cũng không phải là xấu. Tôi tin rằng có thể xuất phát điểm chưa thật tốt nhưng rồi một phong trào có ích sẽ thay đổi tư duy con người.
Với những bạn trẻ có mục tiêu cá nhân, muốn làm lý lịch của mình đẹp hơn thì cũng có thể thông cảm được. Tuy xuất phát từ mục tiêu cá nhân nhưng cũng không gây hại cho ai cả và cũng có đóng góp cho cộng đồng. Biết đâu đó chính là động cơ để động viên nhiều người tham gia hơn? Chúng ta không ủng hộ nhưng cũng có thể thông cảm với những đối tượng có chút ít tính toán cho cá nhân mình ở phần “danh” chứ không phải phần “lợi”. Vậy thì phong trào cũng nên có tôn vinh đối với những người tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng để thu hút thêm nhiều bạn trẻ.
Còn với đối tượng tính toán vụ lợi về vật chất cho cá nhân mình thì cần phải lên án. Khi phong trào có sự quyên góp vật chất thì phải có cách thức tổ chức tốt để không ai lợi dụng được. Vì thế, ngay chính những người tham gia phải thận trọng.
Cũng có thể có những trường hợp hoạt động rất trong sáng vì cộng đồng nhưng lại bị xuyên tạc vì nhiều lý do. Lúc này rất cần đến định hướng của người lớn, sự can thiệp của những người có trách nhiệm để dẹp đi dư luận không đúng, gây hại cho cá nhân ai đó và cũng là hạt sạn trong phong trào.
Hệ thống GD chưa giúp giới trẻ tự tư duy
– Như vậy, phải chăng trách nhiệm của các tổ chức đoàn, hội thanh niên rất quan trọng trong thúc đẩy và định hướng thanh niên trong các hoạt động cộng đồng, thưa ông?
– Đúng vậy! Chức năng và trách nhiệm của Đoàn TNCS, Hội liên hiệp Thanh niên là xây dựng những phong trào tốt cho giới trẻ và giúp giới trẻ tham gia vào hoạt động cộng đồng tốt hơn.
Phong trào nào tốt thì phải thúc đẩy phát triển, phong trào nào xấu thì cũng phải có tác động để hướng sang tích cực hoặc nếu không được thì dẹp bỏ hẳn. Nhưng phải dẹp bỏ bằng tư duy của con người, bằng thuyết phục chứ không phải bằng mệnh lệnh.
– Nhưng hiện nay dường như các tổ chức đoàn hội mới chỉ quan tâm tới các hoạt động họ đứng ra tổ chức còn những phong trào tự phát trong giới trẻ vẫn được “thả rông”…
– Trách nhiệm của các tổ chức này là phải nuôi dưỡng phong trào. Hiện nay, thanh niên đang có nhiệt tâm tự xây dựng phong trào thì càng phải giúp đỡ để các phong trào này hướng thiện, làm lợi cho cộng đồng, đủ sức để sống lâu dài.
Khi phong trào tự phát có hướng phát triển tiêu cực thì phải có tác động uốn nắn. Không thể chỉ chăm lo cho phong trào của mình đề xuất mà bỏ qua những hoạt động tự phát của giới trẻ.
Các SV tình nguyện của HV Báo chí và Tuyên truyền tổ chức trại hè cho thiếu nhi.
|
– Theo ông, nhà trường và gia đình đã đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giới trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện chưa?
– Ở các nước phát triển, hệ thống giáo dục – đào tạo của họ bắt đầu từ thực tiễn để giúp giới trẻ biết cách tự tư duy, chứ không cấp phát những mớ kiến thức khô cứng.
Ngay khi học phổ thông, trẻ em được đưa tới những khu rất nghèo nàn, gặp những người bị bệnh tật, đưa đến những nơi có vấn đề nóng về môi trường… để hiểu các vấn để của cộng đồng.
Cuộc sống đang đòi hỏi giới trẻ nhận thức và hành động trước các vấn đề chung của xã hội, nhưng hệ thống giáo dục của ta chưa làm được điều này, chưa đưa ra một phương pháp luận để giúp giới trẻ tiếp cận với những vấn đề chung của xã hội, của loài người, của hành tinh sao cho gần nhất, nhanh nhất, tốt nhất.
Về phía gia đình, tư duy của nhiều bậc phụ huynh đi trước cũng chưa bắt kịp với thay đổi hiện nay.
Một số bậc phụ huynh ngăn cản không cho con tham gia hoạt động cộng đồng vì sợ tụ tập với bạn bè hư hỏng hoặc gặp nguy hiểm. Vấn đề là bố mẹ phải sâu sát hơn để biết con cái tụ tập để làm gì. Ngăn cấm là giải pháp an toàn nhưng không tốt, không thể hiện hết trách nhiệm của thế hệ trước đối với thế hệ sau.
Có người còn dùng tiền để bao bọc cho con cái đỡ khổ. Hiểu được tư duy của con cái có thể tốn thời gian nhưng muốn con cái trưởng thành thì bố mẹ phải bỏ công sức hơn chứ không thể dùng đồng tiền thay thế được.
– Xin cảm ơn ông!
TS. Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học): Hoạt động ồn ào nhưng xơ cứng!
Những hoạt động xã hội do các tổ chức Đoàn, hội phát động dường đang dần mất đi tính hấp dẫn, giới trẻ cũng bớt hồ hởi tham gia.
Tổ chức Đoàn thanh niên đang đứng trước những thách thức lớn phải thay đổi tư duy, quản lý và nội dung hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay hơn.
SV tình nguyện mặc áo xanh lên vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh về nguyên tắc là sai vì hành nghề chữa bệnh không chỉ cần bằng cấp mà còn phải có chứng chỉ. Còn xoá mù chữ thì ngành giáo dục với bao nhiêu tiền của làm hàng mấy thập niên còn chưa làm được thì làm sao thanh niên trong vài ba tuần có thể làm được?
Phản biện như vậy không phải là tôi không ủng hộ các hoạt động tình nguyện nhưng ở đây cần chú ý rằng hoạt động phải đi vào thực chất và đổi mới về nội dung. Hiện nay chúng ta chưa mở cơ hội cho giới trẻ khiến cho các hoạt động của giới trẻ ồn ào nhưng lại xơ cứng như những kịch bản được vẽ sẵn.
Khi đó, những hoạt động tự phát là tất yếu xảy ra.
Qua vấn đề này, cũng nhìn nhận thấy giới trẻ hiện nay đang khủng hoảng lãnh tụ. Lãnh tụ của giới trẻ không nhất thiết phải nằm trong độ tuổi trẻ mà cần có tư duy trẻ, cách nhìn trẻ.
Nếu có một nhân vật hoặc một nhóm người như thế để kết nối được các phong trào nhỏ lẻ, tự phát của giới trẻ thành một phong trào lớn thì tác động xã hội sẽ còn mạnh mẽ hơn.
|
Lan Hương (Vietnamnet)
Bình luận (0)