Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

GS Đào Trọng Thi: Đã đến lúc bỏ “3 chung” và điểm sàn

Tạp Chí Giáo Dục

“Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta kết thúc phương thức 3 chung. Đương nhiên khi kết thúc phương thức 3 chung thì chúng ta sẽ có điều kiện tạo quyền chủ động cho các trường có kết hoạch tuyển sinh…”
Liên quan đến vấn đề có nên bỏ điểm sàn ĐH – CĐ?, trả lời phỏng vấn báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở phương thức thi 3 chung, chứ không phải là việc điểm sàn.

GS-TSKH Đào Trọng Thi
GS-TSKH Đào Trọng Thi
 Kết thúc 3 chung, bỏ điểm sàn
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, phương pháp thi ĐH – CĐ 3 chung (chung kỳ thi, chung điểm thi, chung kết quả thi) đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế và gây khó khăn cho nhiều trường, đặc biệt là khối các trường NCL. Vậy ông có đánh giá gì về vấn đề này?
GS Đào Trọng Thi: Không thể phủ nhận phương thức 3 chung cũng có những ưu việt. Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện và khai thác được những ưu điểm của nó và đã tìm mọi cách để khắc phục những nhược điểm.
Dù vậy, nhưng nhược điểm thì cũng rất lớn: Thực hiện theo phương thức 3 chung, sẽ dẫn đến các trường đại học lâm vào hoàn cảnh rất "dở dang". Mỗi trường có một đặc trưng, mỗi ngành nghề có một đặc thù nhưng khi đã “gom” họ lại để làm chung thì lúc đó các trường sẽ không thể phát huy được những yếu tố đặc biệt của từng trường, không đáp ứng được, nhất là những trường năng khiếu hoặc những trường có những đặc thù rất cao về nghề nghiệp.
Trong khi giáo dục đại học ngày càng phát triển, tôi cho rằng những cái gọi là ưu thế, những cái được của 3 chung ấy càng ngày càng hẹp đi, còn những cái hạn chế càng ngày càng lớn hơn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng một cách sâu sắc.
PV: Vậy, theo ông, có nên tính đến phương án thay thế phương thức này ko?
GS Đào Trọng Thi: Tôi cho rằng cũng đã đến lúc chúng ta kết thúc phương thức 3 chung. Đương nhiên để kết thúc phương thức 3 chung thì sẽ phải bỏ đi những cơ chế kèm theo của nó, trong đó có điểm sàn. Từ đó, tạo quyền chủ động cho các trường có kết hoạch, chủ trương tuyển sinh đáp ứng yêu cầu riêng của từng trường. Các trường có kế hoạch tuyển dụng các thí sinh đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, yêu cầu đặc thù cho trường mình.
PV: Nhưng cần phải… kế thừa điều gì từ phương thức 3 chung không, hay là làm mới từ đầu ạ?
GS Đào Trọng Thi: Chúng ta bỏ 3 chung không có nghĩa là bỏ hết, những cái gì là thế mạnh của ba chung thì chúng ta tiếp tục “chuyển hóa” vào phương thức mới hoặc chúng ta phải có giải pháp thay thế. Tôi nghĩ cũng không khó thay thế.
Giao quyền tự chủ cho các trường
PV: Quan trọng nhất vẫn là cách thức và phương pháp nào? Ông có thể gợi ý?
GS Đào Trọng Thi: Tôi có thể đưa ra một ví dụ khi bỏ 3 chung, đối với những trường nhỏ, không có điều kiện ra đề, và tổ chức thi thì họ có thể nhờ các trường lớn. Một trường lớn có đủ điều kiện tự chủ ra đề và tổ chức thi, xung quanh đó là các trường nhỏ có cùng đặc thù thì họ có thể nhờ trường đó. Từ trước đến nay cũng đã có rất nhiều những trường làm như vậy. Thậm chí người ta có thể gửi các trường khác tổ chức thi.
PV: Nếu làm theo cách thức đó thì sẽ phát huy được điểm mạnh ở chỗ nào?
GS Đào Trọng Thi: Điểm mạnh là tính chủ động của các trường sẽ cao hơn, tính dân chủ sẽ được phát huy vì là trên tinh thần tự nguyện. Chất lượng đầu vào vẫn được bảo đảm và phù hợp hơn vì nó được chọn lọc sâu sắc hơn vì nó phù hợp với đặc tính của từng trường.
Giao quyền tự chủ cho các trường Đại học, nhất là các trường NCL, ở đây có hai dạng tự chủ: Tự chủ tự làm và cũng có thể tự chủ nhưng liên kết với các trường khác để làm. Như thế là mình sẽ đi đúng hướng của phát triển đại học tức là tính tự chủ phải được tôn trọng và tính tự chủ sẽ dẫn đến dân chủ trong Đại học. Đây cũng là một biểu hiện dân chủ trong giáo dục đại học và quan trọng là nó sẽ dẫn đến chất lượng cao hơn.
PV: Thời điểm nào thích hợp để bỏ 3 chung?
GS Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ đã đến lúc không nên đắn đo gì nữa mà nên chuyển sang cách thức tự chủ, nhưng với điều kiện chúng ta phải chuẩn bị kỹ và thận trọng. Những cái gì 3 chung được coi là thế mạnh thì mình phải giữ và phát huy, những mặt hạn chế thì cần kiên quyết loại bỏ. Khi mình giao quyền tự chủ cho các trường từ đó các trường sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi và các trường sẽ phát huy thế mạnh của mình.     
Trước đó, GS.TS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học – Cao đằng NCL đã gửi một lá thư đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận, kiến nghị về việc nên bỏ "điểm sàn chung" trong tuyển sinh.
Một là, kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay nói chung là thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”.
Hai là, nếu vẫn quy định “điểm sàn chung” cho cả nước thì dù số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn có nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh (có số dôi dư) nhưng như mọi năm, do sự phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, nhiều thí sinh cũng khó di chuyển từ vùng này đến vùng khác để học tập, vẫn sẽ có nơi thừa nguồn tuyển, nơi lại cạn kiệt. Các địa phương khó khăn vẫn ít người được vào đại học, làm trở ngại việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng đó.
Ba là, nếu “điểm sàn chung” hạ xuống quá thấp thì dễ tạo ấn tượng cho xã hội là tuyển sinh đầu vào chất lượng thấp.
Từ thực trạng và nhận định tình hình trên, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng ngoài công lập Việt Nam kiến nghị:
Phương án 1: Giao cho các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào chỉ tiêu được phân, vào khả năng nguồn tuyển, vào yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt.
Phương án 2: Nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.
Bùi khương
(GDVN)

Bình luận (0)