Giáo viên Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) giúp các em học sinh ôn tập môn địa lý. Ảnh: A.Khôi
|
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đổi mới cán bộ quản lý, giáo viên (GV) là khâu then chốt trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK). Đề án đổi mới này có thành công hay không phụ thuộc vào người thầy. Nguyên là Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, GS. Đinh Quang Báo đã chia sẻ với Giáo Dục TP.HCMnhững vấn đề liên quan đến đội ngũ GV trong câu chuyện đổi mới CT-SGK sau 2015 của Bộ GD-ĐT.
Trong đề án đổi mới, Bộ GD-ĐT có đưa ra chủ trương dạy tích hợp ở THCS, phân hóa ở THPT. Liệu GV của chúng ta có đáp ứng được điều này, thưa ông?
Nếu nói là chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ, chưa tiếp cận với dạy tích hợp thì không đúng. Vì tích hợp là một nguyên lý của lý luận dạy học. Ở các trường sư phạm, không phải không có các tài liệu và cũng không phải chương trình trước đây không đề cập tới mà về lí luận chúng ta có tiếp xúc. Trong thực tiễn, hiện nay chưa đạt được như mong muốn để tích hợp trở thành năng lực cốt lõi của người học trò. Chúng ta làm chưa tốt và có nguyên nhân từ GV mà bắt đầu là các trường sư phạm chưa đặt nó vào trọng tâm để rèn luyện sinh viên có kĩ năng thực hiện. Nhưng hiện nay chúng tôi nhận thấy việc rèn luyện kĩ năng tích hợp có cơ sở nhất định. Tuy nhiên để hình thành được “đội hình” mới thì không thể nhanh, có chuyên gia từng nói là phải mất cả chục năm.
Hệ thống các trường sư phạm của chúng ta cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thưa ông?
– Chương trình mới đặt ra vấn đề các trường sư phạm cần phải có cải tổ nhất định. Thứ nhất, xưa nay người ta nói sư phạm xa với phổ thông, chạy theo phổ thông, lí luận về nghề nghiệp nhiều hơn thực hành nghề. Điều cần làm hiện nay là giảm hàn lâm và tăng thực hành nghề nghiệp, đưa sinh viên vào trong môi trường đào tạo chính thì sẽ khắc phục được những nhược điểm trên. Thứ 2 là trong tác nghiệp của giáo sinh đang yếu cái gì thì chúng ta phải tập trung vào cái đó. Trong đề án đổi mới, chúng ta tập trung phát triển năng lực học sinh thông qua dạy tích hợp, đây cũng là điều khiến GV trẻ bỡ ngỡ. Việc bồi dưỡng GV đương chức cũng phải tập trung vào để đổi mới những cái đột phá trong chương trình này.
Từ lí thuyết đến kĩ năng là một câu chuyện không dễ dàng. Vậy thầy làm thế nào để biến từ lí thuyết của thầy thành kĩ năng của thầy và kĩ năng của trò?
– Rất nhiều nghiên cứu gần đây trong đó có của cá nhân tôi về đề án phát triển hệ thống sư phạm, đổi mới hệ thống sư phạm, bồi dưỡng, đào tạo GV của Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc cần làm hiện nay phải hoàn thiện hệ thống sư phạm, hoàn thành chương trình đào tạo sau đó phải lấy môi trường diễn ra quá trình đào tạo, để làm môi trường cho sinh viên. Sinh viên phải tắm mình trong cái môi trường đó ở nhà trường phổ thông. Năm vừa qua Bộ GD-ĐT đã có những dự án thiết lập các hệ thống trường thực hành sư phạm để lấy môi trường thực hành cho sinh viên, và tôi cho rằng đó là mặt quan trọng trong lí luận, nhận thức thời gian vừa qua.
Đợt đổi mới gần đây nhất từ năm 2002, nhiều chuyên gia cho rằng thực tế nhiều GV chưa thích ứng kịp, bây giờ lại đổi mới, liệu GV có thích ứng kịp không, thưa ông?
Tôi không nghĩ là GV không thích ứng kịp. Vì học sinh chúng ta vẫn có những thành tích nổi bật. Nhưng kỳ vọng của chúng ta là luôn luôn đổi mới thì GV cũng phải luôn luôn đổi mới. Tôi từng làm nghề giáo nên biết nghề này luôn yêu cầu GV phải kiễng chân để vươn tới đổi mới.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)
“Câu chuyện suốt đời của những người đi làm nghề giáo là luôn luôn phải kiễng chân lên để đáp ứng với nhu cầu đổi mới của xã hội. Tôi không chì chiết họ đến mức hiện nay họ không làm được gì, nhưng kỳ vọng của chúng ta lớn hơn nên họ phải theo”, GS. Đinh Quang Báo nói. |
Bình luận (0)