Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được trình trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Tuy đã được chỉnh sửa nhiều lần, nhưng xem ra, Luật GDĐH vẫn còn những “hạt sạn”. Giáo Dục TP.HCM giới thiệu ý kiến của GS. Hoàng Tụy xung quanh dự thảo này.
Không thể đặt “cái cày trước con trâu”
Nghị quyết Trung ương khóa 10 tiến hành đổi mới căn bản toàn diện nền GD. Vậy, phải tiến hành nghiên cứu nội dung, lộ trình cải cách rồi mới tiến hành đến Luật GDĐH. Nay lại thấy bàn về Luật GDĐH mà chưa bàn cải cách như thế nào thì không khác gì đặt “cái cày trước con trâu”. Trước đây, giáo dục phổ thông đã có cách làm ngược này, chưa bàn cải cách giáo dục thế nào đã bàn sửa đổi chương trình sách giáo khoa với đề án 70 nghìn tỷ và đã bị dư luận phê phán.
Hàng loạt sự việc như vậy thể hiện một tư duy làm GD không hệ thống, ăn xổi, chạy theo thành tích ảo, ở mức nào đó để báo cáo lấy công. Vừa qua, tôi thấy mặc dù ngành giáo dục có nhiều bê bối trì trệ kéo dài nhưng vẫn được tuyên dương thành tích. Nhưng xét về lâu dài cách làm này không thể thành công mà sẽ thất bại, xuống dốc, thụt lùi so với thế giới, là món nợ ngày càng nặng mà chúng ta để lại cho con cháu.
Động lực làm GD mấy năm qua giống như trong kinh tế là bệnh thành tích và chạy theo lợi ích, các nhóm lợi ích.
Về kinh tế thì hội nghị Trung ương vừa qua có sự lắng nghe ý kiến nhiều chuyên gia không ở trong bộ máy quyền lực và thực sự đã nhìn rõ căn bệnh trầm trọng trong phát triển kinh tế những năm qua và trên cơ sở đó đã đề ra một phương hướng cấp bách mạnh mẽ cứu vãn.
Điều cấp bách với ngành GD cũng như vậy, cần bàn ngay xúc tiến cải cách GD bàn thảo và xác định phương hướng, nội dung, kế hoạch, lộ trình, trình Quốc hội thông qua và Quốc hội cũng chỉ nên thông qua cải cách GD trước khi thông qua các luật GDĐH. Sau đó mới làm luật để luật hóa các hoạt động GD chứ không thể như hiện nay.
Giờ nếu thông qua luật này cũng vô hình trung chúng ta đã quyết định nội dung, phương hướng cải cách GDĐH và theo tôi như thế là quá vội vàng, không thể được.
Cần đưa GDĐH về đúng “quỹ đạo”
Về cơ bản, Luật GDĐH phải làm sao đưa nền GD Việt Nam đi vào quỹ đạo đúng đắn. Theo tôi nhận thấy, nét yếu kém nhất của GDĐH có thể nói vắn tắt là chúng ta đã đi lạc ra con đường chung của thế giới, không chỉ lạc hậu. Nếu lạc hậu thì có thể cải tiến và tiến kịp nhưng đi lạc thì việc đuổi kịp càng ngày càng khó khăn. Cho nên phải thấy chúng ta đi lạc ở chỗ nào và phải uốn nắn đi theo con đường chung của thế giới.
Nhìn vào ĐH Việt Nam người ta thấy không giống với ĐH của thế giới ở thế kỷ 21 này. Việc cụ thể gì chúng ta cũng làm khác thiên hạ. Tất nhiên chúng ta cũng có tiến bộ, nếu phủ nhận tất cả là không đúng, nhưng tiến bộ như vậy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và cứ kéo dài thì ngày càng lún sâu vào trì trệ.
Theo dự thảo Luật GDĐH này tôi thấy nó không có dính dáng gì đến việc giúp cho nền ĐH của chúng ta thoát ra khỏi lạc đường. Tôi thấy những vấn đề cơ bản trong luật này rất mờ nhạt. Ví dụ tự chủ ĐH: dĩ nhiên vấn đề tự chủ ĐH trong điều kiện của chúng ta cũng phải giải quyết thỏa đáng nhưng trong nhiều cuộc họp, nhiều quyết định đã nói phân cấp, thậm chí phân cấp mạnh mẽ, nhưng xu hướng chung là Bộ GD-ĐT vẫn ôm đồm, khi đó tất nhiên bỏ lỡ những nhiệm vụ chính của bộ. Ví dụ ở chương 3, 4, 5 đều có những việc lẽ ra phải để cho các trường làm nhưng lại quy định là bộ làm. Đến thời điểm này mà còn quy định bộ tổ chức biên soạn một số giáo trình sử dụng chung để làm tài liệu giảng dạy trong các cơ sở GDĐH là cực kỳ phi lý, cực kỳ lạc hậu. Ở trên thì nói tự chủ tự chịu trách nhiệm, có vẻ thoáng, nhưng quy định cụ thể ở dưới không như vậy.
Thứ 2 là vấn đề nghiên cứu khoa học ở các ĐH: Nói đi nói lại cũng chỉ là khuyến khích động viên, không có gì quy định để đảm bảo để các ĐH, nhất là các ĐH nghiên cứu kết hợp với nghiên cứu. Ví dụ điều kiện tối thiểu để thực hiện nghiên cứu khoa học là các thầy giáo, giáo sư phải được hưởng đồng lương thực tế tối thiểu để họ bảo đảm cuộc sống tử tế để họ không phải làm việc gì khác ngoài việc chuyên môn nghiên cứu, đấy là việc tối cần thiết nhưng đã kéo dài mấy chục năm nay và trong dự thảo luật lần này vẫn không có hướng giải quyết.
Chúng ta nói tôn sư trọng đạo, coi GD là quốc sách hàng đầu chỉ là những lời nói suông tạo thêm cho người ta ấn tượng là chúng ta chỉ nói mà không làm.
Vấn đề tự do học thuật là vấn đề bất cứ nhà khoa học nào làm ở ĐH trong mấy chục năm nay đều có ý kiến. Chúng ta không cởi trói, chưa có tự do học thuật. Trong luật rất mờ nhạt vấn đề này, trong khi đó không có tự do học thuật thì không có ĐH.
Vấn đề thứ 3 là xây dựng đội ngũ giảng dạy thì các nước người ta làm thế nào? Mấy chục năm nay chúng ta đều làm theo cách riêng. Việc đào tạo tiến sĩ của chúng ta nhiều, nhanh, rẻ nhất trên thế giới nhưng đồng thời cũng không hiệu quả! Ngay cả việc phong giáo sư, phó giáo sư mấy chục năm nay rồi vẫn một cung cách rất kỳ lạ. Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước chỉ nên xét chứng nhận đã đủ tư cách làm giáo sư. Còn làm giáo sư ở đâu thì trên chứng nhận đó, nộp vào nơi đó họ xét. Không chỉ hội đồng chức danh giáo sư xét. Chúng tôi đã góp ý nhiều lần, nhưng sửa lại hiểu theo cách khác. Bây giờ hội đồng này lại làm bằng chứng nhận năng lực giáo sư, phó giáo sư.
Xã hội hóa cũng là vấn đề rất phức tạp. Không có gì không tốt nhưng không tốt ở chỗ lợi dụng danh nghĩa này người ta đã phát triển ồ ạt. Những trường tư không lợi nhuận chỉ là lời nói để che đậy. Vậy mà chúng ta lại đòi hỏi đến năm 2020 có 40% học sinh là tư thục. Hiện nay vấn đề trường tư thục cũng là vấn đề lớn. Một mặt Nhà nước không tạo điều kiện cho các trường làm tư đường hoàng vì lợi nhuận.
Tôi cho rằng thà không có luật còn hơn có luật mà nói chung chung thì người ta sẽ làm mọi cách để lách luật và vẫn nói là theo đúng luật.
Nếu luật này mà được thông qua thì sẽ là cách để hợp pháp hóa tất cả những hoạt động giáo dục hiện nay dù là những hoạt động đến nay đã thấy rõ không hiệu quả, có nghĩa là chúng ta đã bàn định ngay phương hướng, nội dung cải cách giáo dục. Điều này là không đúng với nghị quyết Đại hội Đảng.
Nghiêm Huê (lược ghi)
Bình luận (0)