Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

GS Mỹ dạy ở Việt Nam theo tiêu chuẩn Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

"Hy vọng chương trình giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa. Hằng năm chúng tôi sẽ nghiên cứu và điều chỉnh sao cho những năm sau đạt hiệu quả cao hơn".

> Nhiều giáo sư Mỹ sẽ đến giảng dạy tại VN

> GS Hoa Kỳ sang Việt Nam giảng dạy được hỗ trợ 55.000 USD

TS. Marilyn Pattillio, quyền Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEF đã trao đổi về quy trình tuyển chọn giáo sư và những điều kiện để trường ĐH Việt Nam tham gia chương trình "GS Hoà Kỳ giảng dạy tại Việt Nam".

 2 lĩnh vực ưu tiên


TS. Marilyn Pattillio: Chúng tôi đã tìm hiểu nhu cầu của Việt Nam trước khi xây dựng chương trình. Ảnh: Lan Hương

VEF vừa thông báo chương trình “GS Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam” với mức hỗ trợ tài chính lên tới 55.000USD cho mỗi đề xuất. Xin bà cho biết mục tiêu và kỳ vọng của VEF khi triển khai chương trình này?

– Chương trình này nằm trong chuỗi các cam kết của VEF với Quốc hội Mỹ gồm cấp học bổng cho SV xuất sắc của Việt Nam sang học tại Mỹ, trao đổi học giả giữa hai nước và đưa giáo sư Mỹ tới giảng dạy tại các trường ĐH của Việt Nam.

VEF kỳ vọng dự án sẽ đóng góp vào quá trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam, giúp các trường ĐH của Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện tại bao gồm xây dựng chương trình giảng dạy, kết hợp với nghiên cứu, kết quả học tập đầu ra của SV. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng chương trình sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ tích cực và bền vững giữa các trường ĐH Hoa Kỳ và Việt Nam.

Không chỉ đề xuất những cách thức giúp các trường vượt qua khó khăn mà các giáo sư cũng cần chỉ ra cách thức tiếp tục thiết lập quan hệ với các trường ĐH Việt Nam sau khi kết thúc khóa giảng dạy.

Rất nhiều trường ĐH Việt Nam có nhu cầu mời giáo sư nước ngoài về giảng dạy nhưng trong điều kiện kinh phí hiện nay, chắc chắn VEF chỉ có thể mời một số lượng rất ít giáo sư Hoa Kỳ tham gia chương trình. Vậy VEF tuyển chọn như thế nào để đảm bảo tìm được những người phù hợp với nhu cầu của Việt Nam?

– Chúng tôi sẽ cố gắng lựa chọn chính xác để mang đến những người Việt Nam thực sự cần.

Khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã hỏi Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong xem ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là gì.

Ông Phong đã trình bày về 2 lĩnh vực ưu tiên là khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Cả hai lĩnh vực đó đều được chú trọng phát triển song song, một mặt tạo tiền đề khoa học vững chắc, lâu dài, mặt khác mang lại những hiệu quả tức thì cho đất nước.

Vì thế, chương trình sẽ tập trung vào các lĩnh vực bao gồm các ngành khoa học (tự nhiên, vật lý, môi trường), toán học, y dược, kỹ thuật và công nghệ.

Chúng tôi cũng có những tiêu chí cụ thể để tuyển chọn ứng viên có chất lượng tốt như ứng viên phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc giáo sư danh dự về hưu.

Nhưng vấn đề là không chỉ lựa chọn giáo sư giỏi mà còn phải chọn người dạy giỏi để truyền đạt những kiến thức đó cho SV. Giáo sư phải có khả năng giao tiếp, chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp, SV và cả nhà tài trợ nữa.

Vì thế, trong quá trình gửi đề xuất, các ứng viên phải trình bày về chuyên môn bao gồm cả kinh nghiệm giáo dục quốc tế, các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu liên quan tới Việt Nam, kinh nghiệm xây dựng chương trình giảng dạy và đánh giá kết quả của SV.

 Dạy ở Việt Nam, tiêu chuẩn Mỹ

Chiều 10/11, trong buổi làm việc với đại diện VEF, lãnh đạo Bộ GD-ĐT Việt Nam đã đề nghị VEF giúp đỡ trong quá trình tuyển chọn, phỏng vấn để lựa chọn những ứng viên xuất sắc cử đi học không chỉ ở Mỹ mà bất kỳ nước nào phù hợp. Đồng thời, VEF cũng sẽ giúp đỡ lựa chọn những trường tốt nhất để Việt Nam gửi những ứng viên này tới học.

Những trường ĐH của Việt Nam muốn tham gia chương trình với tư cách “chủ nhà” mời giáo sư Hoa Kỳ tới giảng dạy thì phải đạt những điều kiện nào, thưa bà?

– Các trường ĐH Việt Nam nên chủ động gửi thư thể hiện mối quan tâm tới chương trình cho VEF và đề nghị được tham gia và chương trình. Các trường cũng cần trình bày tóm tắt nhu cầu của mình, khả năng hỗ trợ giáo sư Hoa Kỳ trong thời gian họ giảng dạy tại đây.

Chắc chắn, VEF sẽ nhận được rất nhiều thư yêu cầu nhưng điều kiện có hạn nên chúng tôi sẽ xem xét xem liệu có thể giúp đỡ trường hay không và bằng cách nào.

Trình độ tiếng Anh hạn chế của SV Việt Nam cùng với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự khác biệt về phương pháp dạy và học liệu có ảnh hưởng tới hiệu quả chương trình không?

– Tất nhiên, những SV tham dự khoá học này phải có trình độ tiếng Anh cao hơn so với những SV khác. Theo cảm nhận của tôi thì tiếng Anh của SV Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với 3, 4 năm trước nhưng có thể còn chưa đủ để tham gia một khóa học bằng tiếng Anh từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, VEF cũng không thể can thiệp vào quá trình đào tạo tiếng Anh.

Còn về sự khác biệt trong điều kiện, phương pháp giảng dạy, tôi tin rằng các giáo sư Hoa Kỳ sẽ thích nghi với điều kiện mới. Có thể tiến độ công việc sẽ chậm hơn một chút nhưng các giáo sư giỏi sẽ biết cách thích ứng với hoàn cảnh. Vì các giáo sư này đều có kinh nghiệm giảng dạy quốc tế nên sự khác biệt về phương pháp học tập và giảng dạy sẽ không phải vấn đề lớn.

Tuy nhiên, giáo sư nên giữ nguyên mức độ bài giảng theo tiêu chuẩn cao nhất cần phải có như tại các trường ĐH ở Hoa Kỳ.

Sau khi dự án kết thúc, các trường ĐH Việt Nam có nhu cầu tiếp tục mời giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy thì nên làm thế nào, thưa bà?

– Sau khi chương trình năm tới kết thúc, các trường ĐH của Việt Nam vẫn có thể tiếp tục gửi thư đề nghị tham gia các lần sau.

Chúng tôi hy vọng chương trình giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa. Hằng năm chúng tôi sẽ nghiên cứu và điều chỉnh sao cho những năm sau đạt hiệu quả cao hơn. 

 

Lan Hương (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)