Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS. Ngô Bảo Châu: Bỏ chuyên toán ở THCS là sai lầm

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Ngô Bảo Châu báo cáo tình hình hoạt động của Viện Toán cho Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào ngày 19-8 vừa qua

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chính thức thành lập Viện Toán cao cấp trực thuộc Bộ GD-ĐT, GS. Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm là Giám đốc khoa học của viện. Dù không có thời gian nghỉ ngơi nhưng xem ra vị GS nổi tiếng này rất vui và hài lòng với những gì Viện Toán cao cấp của anh đã làm được trong một năm qua.
PV: Người ta nói, an cư rồi mới lạc nghiệp. Cho đến giờ, Viện Toán của GS vẫn đang phải đi thuê cơ sở vật chất. GS đã có kế hoạch gì cho vấn đề này?
GS. Ngô Bảo Châu: Một trong những việc quan trọng sắp tới của viện đó là tìm trụ sở mới để làm việc. Hôm trước chúng tôi đã qua gặp Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo để  bàn về vấn đề này. Chủ tịch UBND TP cho biết Viện Toán cao cấp sẽ có trụ sở tại quỹ đất đô thị Mễ Trì. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để viện sớm có trụ sở mới. Hiện tại, viện đang thuê tại tầng 7, tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, ĐH Bách khoa Hà Nội với diện tích 700m2. Ngoài ra, viện phải thuê các hộ dân khu vực nội thành Hà Nội để làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho những nghiên cứu viên.
Được biết, ở Viện Toán cao cấp của GS hiện đang có các lớp đào tạo về toán. GS có chia sẻ gì về những lớp học này?
– Ở mỗi lớp chúng tôi có một đề tài, một nội dung khác nhau. Ở những lớp như học máy thì do GS. Hồ Chi Bảo, hoặc GS. Nguyễn Xuân Long, nay có thêm GS. John Lafferty – ĐH Chicago quản lý, lớp toán lý thuyết do tôi đảm trách. Học viên bao gồm rất nhiều giảng viên các trường ĐH như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, có cùng mối quan tâm đến lĩnh vực này. Riêng lớp của tôi gồm hơn 10 em, là sinh viên năm cuối các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Quốc gia TP.HCM, có một số em đang làm nghiên cứu sinh bên Mỹ, bên Hàn Quốc. Lớp có nhiều trình độ khác nhau, nhưng các em hoạt động rất sôi nổi. Lớp học thường có hai phần, để các em có trình độ thấp và trình độ cao đều có thể học được, đó là học xen kẽ một buổi đọc một cuốn sách tương đối cổ điển, chia từng chương, sau đó các em sinh viên được giao trình bày, viết lại chương đó. Cuốn sách này các em đọc gần xong rồi. Xen kẽ với đó là những vấn đề thời sự được thực hiện qua những buổi semina cho các em nghiên cứu sinh. Họ cũng được chia những mảng như thế để đọc. Đây là cách làm chủ động, mọi người có thể trao đổi với nhau. Sáng nào chúng tôi cũng tổ chức lớp làm semina tại viện. Buổi chiều những hôm tôi bận thì các em cũng ngồi trao đổi với nhau.
Trong khi hướng dẫn lớp của mình, GS đánh giá như thế nào về năng lực của các học viên?
– Tôi thấy lớp của tôi hoạt động tốt hơn mong đợi. Tuy là những em nghiên cứu sinh có thể tôi biết, nhưng những sinh viên thì tôi không biết. Để chọn các em vào lớp, tôi nhờ các anh trong hội đồng khoa học giới thiệu sinh viên giỏi và có quan tâm đến chuyên môn về số học, các anh viết giấy giới thiệu và gửi bảng điểm. Tôi chỉ biết đến thế. Đến cuối tháng 5-2012, khi làm danh sách lớp, tôi có liên lạc với bộ phận hành chính lo việc hậu cần và cũng phân cho mỗi em đọc một bài, không trao đổi gì thêm rồi các em đến lớp trình bày. Nói chung là rất tốt, các em viết lại cũng rất mạch lạc và cẩn thận. Điều này thật đáng mừng. Tôi cũng hỏi lớp học ở đây thế nào? Các em nói rất quý thời gian học ở đây, học hỏi được rất nhiều.
GS có đưa ra khái niệm ứng dụng toán học vào các ngành khác. GS có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?
– Toán học ứng dụng thường đòi hỏi kinh phí nhiều hơn, kể cả tài chính lẫn công sức để tìm những người có chuyên môn và có kinh tế. Lần đầu tiên lớp học máy, rất may mắn có chú Bảo, anh Xuân Long và GS. John là 3 nhà khoa học uy tín về lĩnh vực này. GS. Bảo rất chịu khó, mỗi năm về nước từ 10-12 lần. Sự gắn kết giữa GS và mọi người trong nước rất tốt. Những buổi thuyết trình đầu tiên của GS. Bảo thường có tới 120 người đến dự. Các buổi chuyên sâu cũng 60-70 người. Rồi qua GS. Bảo, GS. Long lại mời được những GS hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này. Ngoài ra, có thể triển khai ở các lĩnh vực khác như làm từ điển, kể cả vi sinh. Nhưng mỗi một đề tài như thế, Ban giám đốc sẽ phải tiếp xúc, tìm được những người lãnh đạo đầu đàn cho chương trình đó. Chuyện này không phải đơn giản. Có nhiều yếu tố mới làm được một chương trình thành công. Năm tới, chúng tôi đang dự kiến triển khai chương trình vũ trụ học hay là về khoa học chất lỏng.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có nói rằng chúng ta hiện đang có rất ít tiến sĩ toán học. Theo GS, để khắc phục được điều này, chúng ta nên giải quyết như thế nào?
– Tôi thấy mọi người nói nhiều đến phương pháp. Nhưng theo tôi trước hết trình độ khoa học là cần thiết. Hầu hết các trường ĐH của chúng ta không có người đạt trình độ TS về toán học để giảng về toán. Tôi nghĩ vấn đề nằm ở đây. Có phương pháp nhưng nếu không hiểu toán thì không dạy được. Đó là ý thứ nhất. Những người giảng dạy ở các ĐH nhỏ thì không nhất thiết phải có công trình nghiên cứu sắc bén, nhưng họ phải nắm được kiến thức cơ bản của toán học một cách chắc chắn. Tôi và một số người cùng với Đề án 322 đã gửi được hơn 100 nghiên cứu sinh sang Pháp du học. Đề án 322 chủ yếu hỗ trợ một năm đầu làm master, sau đó các trường ĐH Pháp cho học bổng để làm tiến sĩ. Như vậy trong vòng 5 năm, hơn một nửa số người này sẽ có bằng tiến sĩ để về nước phục vụ. Nhưng đáng tiếc là chương trình 322 hiện đã bị dừng lại, bị bỏ dở, tôi rất tiếc về điều này. Không phải tất cả nghiên cứu sinh từ chương trình này ra đều trở thành nhà khoa học xuất sắc, nhưng ít nhất họ là những người được đào tạo sâu, có kiến thức cơ bản, họ sẽ là những đầu tàu chủ lực trong dạy toán tại các trường ĐH Việt Nam.
Là người học về toán, GS có lý giải gì khi Olympic toán Việt Nam lọt vào top 10 trong khi năm 2011 đứng ở top trên 30?
– Tôi nghĩ kết quả này có nhiều yếu tố tác động. Nhưng nói chung nhờ có chương trình trọng điểm quốc gia về toán học. Viện chúng tôi là hạt nhân của chương trình và đảm nhiệm việc đào tạo giáo viên chuyên toán. Tuy nhiên đánh giá của tôi là phong trào học chuyên toán có chiều hướng đi xuống. Đặc biệt là chúng ta đã sai lầm khi bỏ chuyên toán cấp 2 (THCS) nên chuyên toán cấp 3 mất nguồn tuyển.
GS có định hướng gì cho các học viên ở những lớp này không?
– Nếu là các em đang học ĐH, khi tôi biết các em rõ hơn thì tôi sẽ có điều kiện để giới thiệu các em ra học tập tại nước ngoài dễ hơn.
Phải di chuyển giữa hai nước, GS có thấy vất vả và khó khăn nhiều không, thưa GS?
– Khó khăn nhất tôi nghĩ đó là cuộc sống gia đình. Bình thường đối với các GS dạy ĐH có hai tháng nghỉ hè để đi nghỉ cùng gia đình, nhưng tôi mất hai tháng nghỉ hè đó. Trong năm học, tôi cũng phải về nước một hai lần để làm các công việc cụ thể của viện. Trong năm đầu tiên, viện có nhiều việc lắm. Nhưng rất may viện có GS. Ngô Tuấn Hoa làm Giám đốc điều hành đã lo mọi việc rất trơn tru. Công việc chính của tôi chỉ là làm việc với Hội đồng khoa học của viện. Chọn lọc hồ sơ của những người đến viện làm việc 2, 3 tháng, chọn lọc hồ sơ cho chương trình. Tìm cách xây dựng lên các chương trình mới. Công việc này chủ yếu tôi làm qua email. Tuy vậy, một năm cũng phải làm việc 2, 3 lần với Hội đồng khoa học.
Xin cảm ơn GS!
Nghiêm HUê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)