Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

GS Ngô Bảo Châu: “Phải biến thời gian thành bạn”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 8-9, tại Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện toán học cao cấp Việt Nam, người giành Huy chương Fields – phần thưởng danh giá nhất về toán học thế giới năm 2010 đã có cuộc giao lưu với hơn 500 sinh viên, học sinh tại Hải Phòng.
Sinh viên, học sinh và giáo viên dạy bộ môn toán, tin trường THPT chuyên Trần Phú; các trường THPT Thái Phiên, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, Hồng Bàng; sinh viên các trường đại học: Hải Phòng, Hàng hải, Dân lập; cao đẳng: Hàng hải, Cộng đồng, Viettronics, Bách nghệ và cao đẳng nghề Công nghiệp đã dự cuộc giao lưu.
Ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng đã tặng hoa và quà lưu niệm GS Ngô Bảo Châu, thể hiện sự ngưỡng mộ với thành tựu nghiên cứu khoa học mà GS Ngô Bảo Châu giành được thời gian qua.
Trong không khí gần gũi, thân thiện, GS Ngô Bảo Châu có bài nói chuyện ngắn với học sinh, sinh viên Hải Phòng về tầm quan trọng, tính ứng dụng của khoa học toán học với đời sống.
Trả lời các câu hỏi của sinh viên, học sinh, GS đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong học tập, nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng: "Cần phải biến thời gian thành bạn, chứ đừng biến thời gian thành kẻ thù của bản thân mình". GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh, bản thân mỗi người cần phải quý trọng thời gian và sắp xếp thời gian hợp lý trong tất cả mọi công việc, và quan trọng là "mỗi ngày, cần học lấy một điều gì đó cụ thể, tích lũy kiến thức dần dần, có kiên trì, bền sức thì mới đi xa được".
Về tình yêu với toán học, cũng như cách duy trì niềm đam mê đối với bộ môn khoa học này, GS thổ lộ: "Chỉ khi người ta đam mê, tâm huyết và dấn thân vào khoa học thì mới mong có được thành quả". Bên cạnh đó ông cũng khẳng định “cần phải có thầy giỏi”. “Bản thân GS đã may mắn gặp được người thầy giỏi về chuyên môn, lại vừa có đạo đức, nhiệt tâm với học trò”.-GS Châu nói.
GS cũng chia sẻ "bí quyết" cân bằng giữa khoa học và cuộc sống và cho rằng, ngoài việc chọn "bạn đời" hợp với bản thân, còn phải dành thời gian xứng đáng cho gia đình. GS luôn trân trọng và cảm thấy hạnh phúc khi mọi người trong gia đình quây quần đọc sách cho nhau nghe.
Đồng thời, GS cũng giải đáp các thắc mắc về sự khác biệt giữa môi trường, phương pháp giáo dục trong các trường học ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới; tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của công trình bổ đề cơ bản đối với toán học… GS cũng đưa ra lời khuyên các bạn trẻ cần dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự đọc sách, nghiên cứu và mạnh dạn trao đổi trực tiếp với các thầy, cô giáo…
Về nguyên nhân đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam không đạt thành tích cao tại kỳ thi Ô-lym-píc Toán học quốc tế năm 2011 GS Ngô Bảo Châu cũng nêu quan điểm riêng là do hai yếu tố. Thứ nhất, tình yêu dành cho khoa học cơ bản của học sinh giỏi toán vẫn còn bị phân tán. Các em thích chọn các ngành có nhiều cơ hội về kinh tế như ngoại thương, ngân hàng để theo đuổi trong tương lai chứ không chọn con đường nghiên cứu toán học để tiếp tục dấn thân. Thứ hai, trong đào tạo toán học, giáo dục Việt Nam chỉ chú ý đào tạo “gà nòi” chứ chưa thực sự quan tâm làm thế nào để việc học toán trở thành phong trào. Muốn phát triển được phong trào này thì việc mở các lớp học chuyên toán từ bậc THCS và duy trì tiếp lên các bậc học cao hơn là rất cần thiết. Để việc dạy toán, học toán trong nhà trường tốt hơn, cần có đội ngũ giáo viên về lĩnh vực này được đào tạo bài bản, có nghiên cứu chuyên sâu.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, trong thời gian tới,Viện Toán cao cấp Việt Nam sẽ dành những quỹ học bổng giúp cho giáo viên dạy toán các tỉnh, thành phố có cơ hội về viện học tập, nghiên cứu cùng các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Và ông hy vọng việc làm này sẽ góp phần tạo nên cú hích giúp phong trào nghiên cứu và học toán học ở Việt Nam ngày càng phát triển…
Theo NGÔ QUANG DŨNG
(NDĐT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)