Nhịp cầu sư phạmGương sáng

GS Nguyễn Cảnh Toàn: Khổ luyện từ con đường tự học

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn tâm sự, một trong những thành công ông tâm đắc nhất trong "phương pháp sư phạm" và "khoa học sư phạm" của mình chính là biết khơi gợi cho học sinh tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học, qua đó mà rèn luyện tư duy ngày càng thêm sắc sảo.

Cái lạnh thấu xương đột ngột ào đến từng con ngõ nhỏ trên khắp phố phường Hà Nội. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn nhấp chén trà xanh nóng hổi như để xua tan bớt giá buốt đang chực len lỏi vào trong căn phòng, rồi bảo tôi, tuổi già như ông sợ nhất là trời trở rét. Cái lạnh sẽ làm cho căn bệnh loãng xương trong ông đau nhức, rồi bệnh tiểu đường với những biến chứng có thể ập đến với ông bất cứ lúc nào. Vậy mà khi tôi gợi chuyện ông nói về "con đường tự học" của ông, về những kỷ niệm trong suốt cuộc đời tâm huyết làm thầy và cả về những vấn đề thế sự của giáo dục nước nhà, giọng Giáo sư chợt náo nức, như tất cả mới chỉ xảy ra ngày hôm qua, còn tươi nguyên trong ký ức. 
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1926 ở Đô Lương, Nghệ An.
1. So với lần tôi trò chuyện với Giáo sư cách đây 5 năm, giờ ông yếu hơn nhiều. Giáo sư chỉ tay về phía tôi nói rằng, bóng dáng tôi chỉ lờ mờ trước mắt ông thôi, bởi một mắt của ông đã bị mù, hậu quả của căn bệnh đục thuỷ tinh thể, con mắt còn lại giờ cũng mờ đục. Vậy nên nhiều ngày tháng nay, ông không thể viết được một bài báo nào, ông không đọc nổi một bài báo nhỏ. Phương tiện liên lạc duy nhất giúp ông hiểu biết tình hình thời sự lúc này là chiếc ra đi ô nhỏ. Ông bảo, ơn trời mà đôi tai ông còn nghe được rõ ràng.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn kể, ông sinh năm 1926 ở Đô Lương, Nghệ An. Nhắc đến Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn không thể không nhắc đến "con đường tự học" đã gần như theo ông suốt cuộc đời, con đường do ông xây dựng nên bằng ý chí phi thường và một tình yêu khoa học lớn lao. Cha ông là một nhà nho nhưng cha chỉ dạy được cho ông đến lớp ba, sau đó cha đưa ông ra trường ngoài để ông được học tiếng Pháp. Từ bé, ông đã nổi tiếng là cậu bé thông minh, hiếu học và một khả năng khám phá thế giới lạ kỳ…
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, việc học hành luôn bị dở dang, đứt đoạn. Vì thế tự học là điều hết sức cần thiết để tôi bù đắp những thiếu hụt của mình. Trong học tập, nếu thiếu chủ động, thầy ra bài nào làm bài ấy, sách có thế nào học thế ấy, hiệu quả sẽ không cao. Có người bảo tôi, anh đừng chủ quan, tưởng mình tự học thành công thì ai cũng có thể tự học thành công. Theo tôi, mọi người đều có khả năng tự học nhiều hay ít, trừ khi bị những khuyết tật tâm thần. Biết vun vén thì khả năng đó sẽ phát triển".
Năm 1938, ông học xong tiểu học rồi thi vào Trường Quốc học Vinh. Năm 1942 ông thi đỗ cao đẳng tiểu học, rồi đỗ vào trường quốc học Huế, học ban tú tài. Nhờ "nhảy lớp" từ năm thứ nhất tú tài lên thẳng năm thứ ba tú tài chuyên toán, nên năm 1944, ông đỗ tú tài toàn phần và thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học ở Hà Nội để học chứng chỉ toán học đại cương.
Năm 1947, ông được tuyển làm giáo viên toán ở trình độ cao nhất của Trường Quốc học Huế. Tính từ thời điểm này, cho đến năm 1976, khi ông được cử làm Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã có trọn 30 năm dạy học, từ dạy phổ thông trung học đến dạy đại học và sau đại học.
Nhân nói đến vấn đề giáo dục, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cho hay, ông đang rất quan tâm đến việc "Đà Nẵng nói không với bằng tại chức" mà dư luận nhiều chiều phản ánh suốt trong thời gian qua. Theo Giáo sư, đứng ở góc độ pháp lý, Luật Giáo dục đã công nhận đào tạo tại chức, những người có bằng tại chức có quyền lợi bình đẳng như người có bằng chính quy. "Tẩy chay" bằng tại chức là Đà Nẵng đang làm sai luật và những người có bằng tại chức hoàn toàn có quyền kiện Đà Nẵng ra toà. Trước mắt chủ trương này xem ra có lợi cho Đà Nẵng, nhưng về lâu dài sẽ giết chết đào tạo tại chức ở Đà Nẵng. Không ai học tại chức nữa, lấy gì để xây dựng xã hội học tập đây?
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn phân tích tiếp, nhìn rộng ra toàn quốc, quyết định của Đà Nẵng có mặt tích cực là đánh động chất lượng đào tạo tại chức, cảnh tỉnh Bộ GD & ĐT phải quan tâm nghiêm túc tới hệ đào tạo này. Theo Giáo sư, việc làm cấp thiết hiện nay là phải xây dựng bằng một Trung tâm quốc gia đào tạo tại chức, bởi số lượng người học tại chức luôn gấp nhiều lần số người học chính quy…
Ở cương vị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã có nhiều "sáng tạo", "cải tổ". Ông đã đề xuất việc đào tạo từ xa giáo viên THPT. Giáo sư đã xoá bỏ cách làm của người tiền nhiệm trong việc bồi dưỡng giáo viên theo cách bồi dưỡng cốt cán cấp trên để họ về tổ chức bồi dưỡng lại cho cốt cán cấp dưới. Chính ông đã mạnh dạn chủ trương và chỉ đạo việc thành lập hai khoa mẫu giáo và tiểu học ở Trường ĐH Sư phạm.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng là người Việt Nam đầu tiên tự nghiên cứu sinh ở trong nước trong điều kiện thiếu thầy, thiếu sách vở, chiến tranh, rồi sang Liên Xô bảo vệ luận án tiến sỹ (năm 1958), rồi tiến sỹ khoa học. Đứng trước Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop rộng lớn, bề thế, lòng ông đầy lo lắng, hồi hộp: "Ở đây, với nhiều bộ óc thông minh đã nghiên cứu, tìm tòi ra nhiều điều mới mẻ, liệu công trình khoa học của mình có còn mới với họ không? Nhưng cuối cùng, công trình của thầy giáo Nguyễn Cảnh Toàn đã được đánh giá cao, trở thành luận án phó tiến sỹ đầu tiên của người Việt Nam tự nghiên cứu trong nước.
Người phản biện, GS.TS Toán Lí – A.A. Glagolep đã nhận xét: "Theo tôi, Nguyễn Cảnh Toàn là một nhà hình học xạ ảnh thiên tài, tinh thông cả về phương pháp tổng hợp lẫn phương pháp giải tích". Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Tạ Quang Bửu đã cho dịch và in toàn văn nhận xét trên ở "Tập san Toán Lí" tháng 9/1963. Đến luận án tiến sĩ khoa học, cũng nhờ vốn tư duy biện chứng, ông đã vượt qua được thách thức trong lịch sử toán học khi đưa ra kết luận: "Xa vô tận chỉ là tương đối", khác hẳn với quan niệm "Xa vô tận là tuyệt đối" trong không gian Ơclit hay phi Ơclit.
Từ "phát minh" đó, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã khái quát lên thành một lý thuyết bao trùm mang tên "Hình học siêu phi Ơclit". Đó chính là "Hình học Nguyễn Cảnh Toàn". Ông sớm nhận ra rằng, một đất nước phát triển là một đất nước có nguồn nhân lực cao, nếu chỉ chờ đợi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì không đáp ứng nổi nhu cầu, hơn nữa không tạo ra được môi trường khoa học trong nước. Do đó ông là người đi tiên phong trong việc đề ra chủ trương đào tạo tiến sỹ trong nước. Chủ trương này của ông sau đó đã trở thành hiện thực, Nhà nước cho phép mở đào tạo nghiên cứu sinh vào năm 1976 và đến nay đã trở thành một chiến lược giáo dục lớn.
GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên phải) đưa bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục CHDC Đức Honccke (giữa) thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960.
2. Ở tuổi 86, mắt mờ, chân run, hơi thở đã mệt nhọc, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già. Nhưng ngược lại, với Giáo sư còn một ngày sống là một ngày phải suy nghĩ, phải tư duy, không thể "mũ ni che tai". Đôi mắt mờ đục của Giáo sư như có những tia sáng lấp lánh khi Giáo sư nhắc đến những kỷ niệm trong cuộc đời làm thầy.
Ông tâm sự, một trong những thành công mà ông tâm đắc nhất trong "phương pháp sư phạm" và "khoa học sư phạm" của mình chính là biết khơi gợi cho học sinh tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học, qua đó mà rèn luyện tư duy ngày càng thêm sắc sảo. Ông cho hay, một đứa trẻ học tiếng Anh, gặp một từ nó không hiểu, nó hỏi bố từ đó nghĩa là gì, bố trả lời ngay. Như thế là sai, là làm hộ đứa trẻ, mà đúng ra người bố phải đưa cho con cuốn từ điển, để nó tự tra nghĩa.
Theo Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, cách trả lời thay hiện nay đang rất phổ biến trong nhà trường, rất ít giáo viên dạy học sinh cách sưu tầm tài liệu, cách tự tìm kiến thức. Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng là người đầu tiên đưa nghiên cứu khoa học vào cấp thấp, trong khi thời của ông, có nhiều quan điểm cho rằng, chỉ nên nghiên cứu khoa học từ cấp học cao mà thôi. Đó là khoa học sư phạm kiểu mới, được gọi là sư phạm "đối thoại và dân chủ". Nó làm cho động tác của người thầy tạo ra cộng hưởng về phía nội lực của trò.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn kể lại rằng, những năm 1956, 1960, ông phải tự nghiên cứu khoa học trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh, có lúc cũng tưởng sẽ bỏ cuộc. Ông đã tâm sự trăn trở này với Giáo sư Lê Văn Thiêm. Giáo sư Thiêm cười hiền: "Hồi ở Pháp, tôi cũng nghĩ như anh, cứ tưởng phải đọc thiên kinh vạn quyển rồi mới nghiên cứu được. Nhưng rồi, ông thầy tôi bảo rằng, nếu bố anh chờ tìm hiểu hết con gái trên đời mới lấy vợ thì chẳng bao giờ sinh ra anh". Nghe Giáo sư Thiêm nói vậy, thầy giáo Nguyễn Cảnh Toàn lại yên tâm miệt mài với các đề tài nghiên cứu của mình trong thư viện nghèo nàn.
Kể lại cho tôi nghe kỷ niệm này, Giáo sư kết luận, nếu tư duy độc lập phát triển cao thì không sợ trùng, vì nẻo đường tư duy là vô cùng, hai người tư duy độc lập mà suy nghĩ trên cùng một vấn đề thì khả năng suy nghĩ trùng nhau là rất hiếm.
Trở lại câu chuyện dạy trẻ nhỏ, dạy học trò bằng cách khơi gợi, để trò tự suy nghĩ độc lập, Giáo sư hóm hỉnh kể câu chuyện "tìm số bí mật" thời ông còn rất nhỏ: "Hằng ngày, đi học đến trường thì một cột cây số lại đập vào mắt tôi. Trên cột ghi "Phủ Diễn" và dưới hai chữ này là số 38. Tôi hiểu ngay, từ đây đến Phủ Diễn là 38km. Nhưng trên hai chữ đó còn một số khác. Tôi chịu, không biết số đó chỉ cái gì. Nó như thách thức tôi hằng ngày. Tôi đi hỏi các bạn, chẳng ai quan tâm. Bỗng tôi chợt nảy ra một ý nghĩ ta đi xa thêm một chút đến cột sau, xem số đó thay đổi ra sao. Ở đó ghi Phủ Diễn 37 và số kia cũng bớt đi 1. Tôi lục vốn hiểu biết địa lí của tôi ra, cuối cùng tôi tự biết được đó là khoảng cách đến biên giới Việt Trung theo quốc lộ 1. Sau này, đi dạy học, tôi cũng thấy ra rằng dạy cho học sinh được một kiến thức cũng quý và đôi khi cũng khó, nhưng dạy làm sao cho họ có tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học thì quý hơn nhiều và khó hơn nhiều, nhưng người thầy cứ cố gắng nhẫn nại thế nào cũng thành công".
Tôi hỏi Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, vấn đề giáo dục nào làm ông trăn trở nhất bây giờ? Ông khảng khái cho biết, đó chính là "chiến lược giáo dục". Chiến lược đó trông có vẻ bề thế nhưng nhiều đề xuất chỉ dựa trên cơ sở cảm tính, mà không dựa theo quy luật thực tiễn. Quy luật đó, theo Giáo sư chính là phấn đấu, nâng cao sự tự học của người học để nâng cao chất lượng giáo dục. Luật Giáo dục đã qua hai lần sửa đổi, nhưng nhiều vấn đề chưa chuẩn. Luật cho rằng "Nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục", nhưng quy luật thực tiễn thì "Sự nỗ lực cố gắng của người học mới quyết định chất lượng giáo dục".
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là "cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit". Ông được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trung tâm tiểu sử quốc tế tặng ông bằng danh dự Rạng rỡ để ghi nhận những thành tựu nổi bật của ông về toán học và giáo dục trong hơn nửa thế kỷ XX, đồng thời đưa tên ông vào quyển từ điển danh nhân 500 người hàng đầu. Ông là Viện sỹ sáng lập của Viện hàn lâm ngoại giao Luân Đôn. Tháng 1/2001, ông là một trong 114 người được Viện Tiểu sử Mỹ cấp bằng "Những trí tuệ lớn nhất của thế kỷ XXI", đồng thời phong tặng ông danh hiệu "Thiên tài lỗi lạc thế kỷ XXI"…
 Theo CAND

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)