GS. Nguyễn Hải Hà (đứng thứ 3 từ phải sang)
|
Nếu kể từ ngày đứng trên bục giảng ĐH (1958) thì đến nay GS. Nguyễn Hải Hà đã có gần 60 thế hệ sinh viên cao học, tiến sĩ ngữ văn sư phạm trên cả nước.
Những ai đã từng học văn học Nga ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong hơn nửa thế kỷ qua khi nói đến bộ môn này cùng những người thầy gắn bó, tâm huyết, chuyên sâu đã gieo ngọn lửa yêu mến nền văn học ưu tú đó không thể không nhắc đến GS, NGND Nguyễn Hải Hà. Thầy là người đi đầu, có công lớn trong việc giảng dạy và nghiên cứu văn học Nga ở nước ta.
1. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp phổ thông vì yêu thích văn học nên tôi thi vào Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; sau đó vì yêu cầu của giáo dục cho miền Nam nên tôi chuyển sang học tại Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước khi nhập học tôi đã biết và ngưỡng mộ nhiều thầy cô ở Khoa Văn, trong đó có thầy Nguyễn Hải Hà, người khi còn học ở phổ thông tôi đã đọc bài viết của thầy về L. Tônxtôi trên Tạp chí Văn học (1960). Những năm học ở ĐH, nhiều thế hệ sinh viên đi trước đều khen ngợi về trình độ văn học Nga của thầy. Thầy giảng Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi thì có thể nói là “hớp hồn” sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường giảng dạy bộ môn văn học nước ngoài và có dịp gần gũi với thầy nhiều hơn. Mặc dù giảng dạy môn văn học Trung Quốc nhưng tôi cũng rất yêu môn văn học Nga, từ đó mà kính phục, yêu mến thầy. Nhóm văn học Nga khi đó đều là các thầy cô được đào tạo ở Liên Xô (cũ) như thầy Trần Văn Mười, Nguyễn Ngọc Ảnh, Đỗ Xuân Hà… Nhóm có hai “thầy Hà” nên để phân biệt mọi người gọi thầy Hải Hà (văn học Nga) và thầy Xuân Hà (văn học Xô Viết). Trong số các thầy cô ở tổ bộ môn thì người duy nhất không được đào tạo ở Liên Xô nhưng dạy rất hay, tiếng Nga rất tốt và được cử làm Tổ trưởng bộ môn là thầy Nguyễn Hải Hà.
Thời đó Tổ văn học nước ngoài của Khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được coi là “mạnh nhất Đông Dương” với gần 20 thầy cô, có nhiều “cây đa cây đề” lịch lãm, chuyên sâu, tác phong, phong cách giảng dạy “như Tây như Tàu” rất được sinh viên quý mến.
2. Mặc dù ở Hà Nội sớm, gắn bó với cuộc sống thị thành nhưng thầy vẫn sống giản dị, bình dân từ cách ăn mặc và đi lại. Có lần trong thư viện vốn là một ngôi đình ở nơi sơ tán tôi vào mượn sách, có thầy giáo áo mưa nón lá, ăn mặc giản dị như ông xã viên hợp tác xã cũng vào mượn sách. Tôi lấy làm lạ, sau đó mới biết đó là thầy – người đã dịch tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của L. Tônxtôi. Tôi hết hồn lặng lẽ khép nép bước ra rồi ngoảnh lại nhìn thầy. Từ đó tôi rất ngưỡng mộ thầy và tự hỏi vì sao ở một trường ĐH thời chiến khó khăn, gian khổ, nghèo khó như thế mà có một người thầy uyên bác văn học Nga đến vậy, cả đời yêu mến Chiến tranh và hòa bình, yêu mến nhà đại văn hào lỗi lạc bậc nhất thế giới. Sau hơn 10 năm được học và công tác với thầy Nguyễn Hải Hà, tôi thấy không một đồng nghiệp dù cao niên hay cán bộ trẻ và sinh viên nào kêu ca, phàn nàn gì với thầy, nhất là trong quan hệ. Thầy ít viết và không viết nhiều đề tài, mấy mươi năm thầy đều dồn tâm trí và sức lực cho việc giảng dạy, nghiên cứu và dịch thuật về văn học Nga. Thầy cũng ít tranh luận chuyên môn đúng, sai mà chỉ nêu lên ý kiến cá nhân để mọi người trao đổi. Mặc dù không được đào tạo ở Nga nhưng khi tiếp xúc, các thầy Trần Văn Mười, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Ngọc Ảnh… – những chuyên gia về bộ môn này – đều rất “phục” và “nể” trình độ chuyên môn cao của thầy Nguyễn Hải Hà, nhất là trình độ Nga ngữ.
Nếu thầy có 46 năm đứng trên bục giảng ĐH và giảng dạy, nghiên cứu một bộ môn duy nhất là văn học Nga thì nay ở tuổi 80, thầy đã xuất bản 48 cuốn sách, gồm 4 cuốn sách giáo trình ĐH, 18 cuốn sách giáo khoa phổ thông, 16 công trình, chuyên luận nghiên cứu và 10 cuốn sách dịch về văn học Nga…
|
3. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), tôi trở về miền Nam và làm công tác giảng dạy. Vì yêu mến và khâm phục nên nhiều lần tôi đã đặt vấn đề mời thầy vào thỉnh giảng. Qua tiếp xúc, giảng dạy, sinh viên và giáo viên ở miền Nam sau giải phóng đều rất ngưỡng mộ thầy về con người và trí tuệ… Những năm sau thầy về hưu, sức khỏe hạn chế nhưng thầy vẫn làm việc, đọc và viết về văn học Nga. Có thể nói, từ thuở thanh xuân đến khi về già hơn 60 năm thầy vẫn cần mẫn gặt hái trên cánh đồng văn học Nga.
Những năm được học, làm việc và gần 40 năm xa thầy tôi tự hỏi và rất ngạc nhiên vì sao cả cuộc đời, sự nghiệp của thầy chỉ có nghiên cứu về văn học Nga mà không “bước sang” các lĩnh vực khác như nhiều người đã làm, dù là một bài báo, một bài thu hoạch văn học. Người phát hiện ra khả năng về sự đam mê văn học Nga từ thời trai trẻ của thầy, đó là GS. Hoàng Xuân Nhị – người đầu tiên nghiên cứu về văn học Nga ở Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Pháp. Sau đó thầy tự học tiếng Nga, tự nghiên cứu văn học Nga ở trong nước trong thời buổi khó khăn, gian khổ; rồi chiến tranh, sơ tán với ngọn đèn dầu, điện lúc có lúc không, tài liệu thiếu thốn thế mà từng trang viết, từng trang dịch và từng lời giảng của thầy không hề sai sót. Trong giảng dạy thầy là người “thận ngôn” ít nói nhưng khi giảng thì sâu sắc, dễ hiểu. Thầy viết, dịch về văn học Nga rất nhiều nhưng không tản mạn mà tập trung, có trọng điểm, chỉ nghiên cứu những tác giả và tác phẩm mà mình tâm đắc. Điều này thể hiện đậm nét trong sách Văn học Nga – Sự thật và cái đẹp… Thầy là một vị giáo sư văn học Nga uyên bác nhưng có cái gì đó mang dáng dấp của người nông dân Việt Nam và người nông dân chất phác đôn hậu ở Nga. Từ trang sách văn học Nga mênh mông hơn 40 năm thầy đã mở rộng tầm mắt ra “mây trời ngoại quốc”. Thầy đã đến nước Nga “mùa thu vàng và tuyết trắng” để nghiên cứu hai lần. Thầy đã đặt chân lên hai quốc gia có nền văn học tiên tiến là Anh – Pháp. Thầy bồi hồi xúc động khi đứng trước mộ của Các-Mác. Thầy đứng trên giảng đường của các trường ĐH hai nước bạn Lào – Campuchia…
PGS. Hồ Sĩ Hiệp
Người thầy sống giản dị, gần gũi
Trong cuộc sống, thầy Nguyễn Hải Hà ít nói, ít phát biểu trước đám đông nhưng khi thầy nói thì “ai nấy đều phải lắng nghe”, vì thầy nói nghiêm túc, cụ thể, xác đáng, có chừng mực. Thầy sống đơn giản không quan tâm đến ăn mặc, đi lại và sinh hoạt thường ngày. Một lần tôi đến thăm thầy ở một gian phòng họp sau lớp học ở Trường Múa Việt Nam – nơi vợ thầy giảng dạy. Hỏi thầy, ai cũng biết. Nơi ở của gia đình thầy chật hẹp nhưng đầy sách về tiếng Nga. Thầy sống ít coi trọng về hình thức, xã giao hay để lấy lòng đồng nghiệp và sinh viên. Thầy chân tình, chu đáo, tế nhị, sâu sắc nên ai nấy cũng tin yêu, quý mến.
|
Bình luận (0)