Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Cần tích hợp các môn để giảm tải

Tạp Chí Giáo Dục

Đổi mới chương trình (CT) và SGK là một trong những nội dung được rất nhiều chuyên gia giáo dục (GD) quan tâm. Bởi theo lịch trình của Bộ GD-ĐT thì sau 2015 sẽ có một bộ SGK mới, nhưng với tiến độ biên soạn CT hiện nay thì khó đạt được kế hoạch đề ra.
Là người gắn bó với ngành GD đồng thời cũng tham gia giám sát ngành, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết: Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD Việt Nam” đang được Ban cán sự Đảng của Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 6; mọi việc hình như còn chờ nghị quyết của Trung ương. Bộ GD-ĐT mới giao cho một số tổ chức, cá nhân nghiên cứu. Những thông tin tôi có được cũng chỉ là rút ra từ một số tài liệu hội nghị, hội thảo và bài viết trên các tạp chí khoa học GD. Tôi chưa thấy ai bàn hay triển khai việc gì cụ thể. Ngay như về công tác tổ chức thì hiện các hội đồng bộ môn cũ của bộ đã giải thể, quyết định thành lập các hội đồng bộ môn mới đã ký gần một năm rồi nhưng chưa công bố nên các hội đồng cũng chưa hoạt động. Với tiến độ này, tôi e rằng tới 2015, chúng ta chưa thể có CT và SGK mới như kế hoạch Chính phủ trình Đại hội Đảng lần thứ XI.
Theo GS. Thuyết, những người được giao nhiệm vụ nghiên cứu đang đề xuất xây dựng CT mới theo định hướng tiếp cận năng lực, chứ không phải theo định hướng tiếp cận nội dung. Xây dựng CT theo định hướng nội dung là định ra trong CT một hệ thống các đơn vị kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho người học. Đây là kiểu CT xác định đầu vào. Cách tiếp cận này thiên về lý thuyết, kết quả là người học được trang bị kiến thức có tính hệ thống nhưng yếu về kỹ năng thực hành, đặc biệt là kỹ năng sống.
Xây dựng CT theo định hướng năng lực là định ra một khung năng lực và hoạt động làm nảy sinh ở người học nhu cầu khám phá thế giới,  khám phá năng lực của bản thân để phát triển. Đây là kiểu CT xác định đầu ra. Việc xác định đầu ra, tức là lập danh sách những năng lực cần hình thành và phát triển ở người học không dễ dàng vì nó không phải là một hệ thống có sẵn như khái niệm khoa học nhưng hiệu quả của nó đối với việc hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của người học lại rất cao.
PV: Vậy điểm khác biệt nhất giữa hai CT này là gì, thưa giáo sư?
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn hiểu mục tiêu của GD là đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ xã hội. Hiểu như vậy không sai nhưng phiến diện. Mục tiêu hàng đầu của GD là hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của người học. GD không thể đào tạo ra những sản phẩm đồng loạt như sản xuất công nghiệp. Một xã hội “đồng phục” như vậy sẽ là một xã hội tẻ nhạt và khó phát triển. Mục tiêu GD được nhận thức lại tất yếu sẽ dẫn đến sự đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học.
Về nội dung dạy học, cần chuyển đổi từ CT có tính hàn lâm thành CT thiết thực với người học, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển năng lực của người học trong việc giải quyết các tình huống nảy sinh trong cuộc sống với tinh thần sáng tạo và ý thức trách nhiệm cao trước bản thân, gia đình và xã hội.
Nội dung dạy học theo định hướng năng lực đòi hỏi một phương pháp GD thích hợp – đó là phương pháp tổ chức hoạt động. Bởi vì năng lực không thể được hình thành và phát triển bằng con đường truyền giảng thụ động. Kiến thức có thể được tiếp thu qua lời giảng, nhưng người học chỉ làm chủ được những kiến thức này khi chiếm lĩnh chúng bằng chính hoạt động có ý thức của mình. Kỹ năng cũng vậy, muốn phát triển nó, người học phải được hoạt động trong môi trường gần với môi trường thực dưới sự hướng dẫn của người dạy. Tương tự, những tư tưởng, tình cảm và nhân cách tốt đẹp chỉ có thể được hình thành chắc chắn thông qua sự rèn luyện trong thực tế.
Dạy học với CT theo định hướng năng lực không chỉ đảm bảo kết quả đào tạo bền vững mà còn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn lực trong đào tạo, đồng thời giảm áp lực làm việc, áp lực học hành đối với người dạy và người học. 
Năm 2015, Bộ GD-ĐT dự định sẽ có bộ SGK mới. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã trải qua rất nhiều lần cải cách GD, nào là đổi mới CT học, năm nào cũng sửa SGK… vậy nhưng sau mỗi lần cải cách thì hầu như không thấy có tiến bộ mà chỉ thấy thêm gánh nặng CT lên người học. Ông nghĩ sao về điều này?
Không phải vì tôi từng công tác trong ngành GD mà bênh đồng nghiệp đâu, nhưng chúng ta phải có cái nhìn khách quan, công bằng về nền GD của nước nhà. Tôi khẳng định rằng không có chuyện hằng năm đều sửa SGK như một số người vẫn nói. Tất cả nội dung SGK từ năm 2002 đến nay vẫn giữ nguyên. Nếu có sửa một vài chi tiết trong một lần tái bản nào đó thì đấy chỉ là chi tiết liên quan đến một, hai quyển sách trong hàng trăm quyển SGK. Lý do sửa có thể là do thực tế thay đổi, cần điều chỉnh cho phù hợp (ví dụ, sau khi Quốc hội quyết định mở rộng địa giới Hà Nội thì những bài viết liên quan đến địa danh, địa giới Hà Nội, Hà Tây đều phải sửa). Cũng có trường hợp phải sửa theo những góp ý hợp lý của độc giả hoặc các chuyên gia. Phải sửa một vài chi tiết không chính xác trong SGK đúng là một điều đáng tiếc, nhưng điều đó không có nghĩa là cả bộ SGK đó hỏng.
Còn vấn đề người học hiện nay có bị quá tải hay không, tôi xin khẳng định là nếu có chuyện này thì nó cũng chỉ liên quan đến một vài bài ở một vài môn nào đó, chứ không phải tổng thể CT vượt quá sức người học. CT của các nước phát triển như như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… cũng vậy thôi. Nhưng họ khác ta ở phương pháp dạy học. Xuất phát từ mục tiêu hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của người học, họ không gò ép hay áp dụng cách dạy “đồng loạt” mà chú trọng cá thể hóa, tích cực hóa hoạt động học tập của người học, để học sinh tự phát triển nhiều hơn. Trong khi đó, thầy cô ở ta gò theo từng mục trong SGK, đẩy HS vào thế bị động và phải học thuộc lòng, vì vậy mà việc học hành không gây được hứng thú cho học sinh.
Bên cạnh đó, việc thiếu tích hợp các môn học vào với nhau cũng khiến số lượng môn học tăng lên, theo đó giờ học trên lớp cũng tăng lên, gây quá tải. Trong lần đổi mới này, chúng ta cần tích hợp nhiều môn học lại để giảm gánh nặng cho người học. Ví dụ, ở bậc tiểu học, các môn tiếng Việt, đạo đức, địa lý, lịch sử hoàn toàn có thể gộp làm một. Trong lần đổi mới CT, SGK năm 2000 và trong nhiều hội nghị, hội thảo gần đây, tôi và một số anh em cũng đã nhiều lần kiến nghị tích hợp các môn có nhiều điểm chung để thuận tiện cho cả người dạy và người học, giảm giờ học, giảm đầu SGK, nhưng đều không thực hiện được vì các chuyên gia của từng ngành đều cho rằng ngành của mình là quan trọng và phải đứng độc lập.
Nếu các nhà chuyên môn không khắc phục được tư duy cục bộ và người chỉ huy cuộc đổi mới CT, SGK lần này không quyết đoán thì việc tích hợp các môn lại phải đợi ít nhất 15, 20 năm nữa.
Xin cảm ơn giáo sư!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)