Là người có học vị, học hàm cao, lại giỏi nhiều ngoại ngữ, ông được mời làm Tổng Biên tập bộ Từ điến Bách khoa Việt Nam gồm 4 tập, tổng cộng hơn 4.000 trang khổ lớn.
Kỳ cuối: Lao vào thực tiễn sản xuất mà vẫn làm khoa học "hàn lâm"
Làng sinh thái người Dao dưới chân núi Ba Vì
GS Nguyễn Văn Trương (người ngồi bên trái, mặc áo cộc tay, bó gối) gặp bà con người Dao ở hợp tác xã Hợp Nhất dưới chân núi Ba Vì. |
Vào một ngày lất phất mưa bay, tôi cùng GS Nguyễn Văn Trương, PGS Nguyễn Pháp và KS Nguyễn Đình Cầm đến thôn Hợp Nhất, huyện Ba Vì (lúc bấy giờ còn thuộc Hà Tây). Nơi đây chỉ cách Hồ Gươm, Hà Nội 65 km, vậy mà đã có một hợp tác xã 100% là… người Dao! Những cô gái Dao không tô son điểm phấn, áo chàm, thắt lưng điều, đi chân trần, bắp chân quấn xà cạp, trông tươi duyên như những đoá hoa rừng.
Chị Triệu Thị Thanh, cán bộ phụ nữ xã, cứ nhắc đi nhắc lại hoài:
– Bà con Dao ở Hợp Nhất đây, cảm ơn Viện Kinh tế sinh thái, cảm ơn bác Trương lắm lắm!
Còn anh Dương Trung Tâm, Chủ nhiệm hơp tác xã, thì nói khẽ với tôi:
– Cảnh vật quê tôi giờ khác hẳn ba năm trước, do được sự chỉ bảo của "Viện bác Trương". Viện cử hẳn bác Nguyễn Đình Cầm, kỹ sư lâm nghiệp về hưu, lên đây ở lại trong dân, bày cho dân cách làm ruộng, làm vườn bậc thang, đào giếng, trồng khoai từ, trồng mía, đào ao thả cá, làm đõ nuôi ong, trồng cây trám đen, trám trắng, cây tai chua, bồ kết…
Câu chuyện về vị kỹ sư già, nhà ở tận Hà Đông, đi xe "ba-bét-nhè" (tên gọi giễu loại xe máy Tiệp Babetta hay chết máy giữa đường), lên tận đây, bên chân núi Ba Vì này, không nhận lương của Viện mà mỗi tháng ở lại 20 ngày, "ba cùng", giúp bà con Dao đoạn tuyệt với tập tục nghìn đời phát nương làm rẫy, khiến tôi cảm động quá! Tôi ôm chầm lấy người trí thức nghèo gầy guộc ấy, và bất giác những giọt nước mắt mằn mặn cứ trào ra… Vâng, trong thời buổi kinh tế thị trường "tiền trao cháo múc", vẫn còn đó những nhân cách thanh cao, không "hám hơi đồng"!
Nhờ tài năng khoa học và đức độ liêm chính, GS Trương "tranh thủ" được cho hợp tác xã Hợp Nhất một dự án 25 nghìn USD từ Uỷ ban Công giáo chống nghèo đói và vì sự phát triển (CCFD) của Pháp. Viện chỉ dành ra 30% để làm kinh phí hoạt động (thấp hơn mức CCFD mong đợi), còn 70% đưa đến tận tay dân bản, không "xà xẻo" linh tinh. Rồi Viện cử kỹ sư Cầm về bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.
Quê hương Nguyễn Du cũng có làng sinh thái
Mong ước bao năm tôi ấp ủ được về thăm quê hương bản quán của Nguyễn Du, giờ mới thành hiện thực. Tôi cùng đi với các PGS Nguyễn Pháp, Nguyễn Trần Trọng và Nguyễn Cảnh Khâm về Tiên An, một thôn nghèo thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Dự án về làng sinh thái Tiên An được CCFD tài trợ 300 triệu đồng. Trừ các khoản đầu tư chung cho cả thôn, mỗi hộ được trao tận tay ba triệu đồng. Ba triệu, đối với một tay mới phất "sành điệu" thời nay, thật quá nhỏ nhoi! Nhưng, đối với một hộ dân nghèo ở Tiên An thì lại khác. Tối tối, bà con vẫn cố giữ "nghề truyền thống" có từ thời cụ Nguyễn Du, ngồi đan rổ rá, cặm cụi từ chập tối tới đêm khuya, mỗi người đan được hai cái rổ, sáng đem ra chợ huyện bán, chỉ thu vài nghìn tiền công! Tiền nghìn còn khó kiếm vậy, nói chi tiền triệu!
Thôn có 60 hộ. Một con đường thôn cát mịn chạy quanh. Hộ nào cũng mở cổng ra đường. Vườn ai cũng rào tre xanh ngắt. Bờ tre quê hương, trông thơ mộng đấy, nhưng trong vườn, trừ cây tre, chẳng có thứ cây nào mọc nổi! 800 m2 vườn mỗi hộ, nhưng là vườn tạp, chẳng thu lợi được gì đáng kể!
Thế còn ruộng? Mỗi khẩu nhận khoán 500 m2, nhưng là đất cát biển, nhiều mảnh đành bỏ hoang. Cát chiếm 95-98% trong đất, hạt cát rời rạc, dễ "cuốn theo chiều gió" tạo ra những trận cát bay làm giập nát ngọn non, trốc rễ cây trồng, lắm khi còn vùi lấp cả một đám ruộng! Ngày nắng gắt, lớp cát nóng 60-650C, nướng chín quả trứng gà! Trồng cây trên cát, cứ phải tưới nước liền tay. Nhưng lấy đâu ra nước?
Ở vùng đất cát biển, Viện đã xây dựng thành công 5 làng sinh thái dọc ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Từ kinh nghiệm đó, nay các nhà khoa học của Viện về giảng bài tại Lớp tập huấn xây dựng làng sinh thái Tiên An.
82 tuổi rồi, lại quá bận, GS Trương đành gửi bài giảng tới lớp, nhờ PGS Nguyễn Pháp đọc. Ông nhắc bà con nên nghĩ kỹ về câu châm ngôn xưa: "Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền". Rồi lưu ý mấy việc từng hộ nên làm, như đào ao thả cá (canh trì), cải tạo vườn tạp (canh viên), trồng những dải rừng chống cát bay, đưa nước vào ruộng, mạnh dạn dùng giống mới (canh điền).
Mới nhìn qua thì Tiên An khan hiếm nước ngọt. Nhưng, chỉ cần đào xuống 3 m, là đã có nước trong veo pha trà, xuống 5 m, thì dư nước bơm tưới cây.
Bờ tre các vườn sẽ được thay dần bằng bờ dâu, loại cây ít hại đất.
GS Trương gợi ý: Trong vườn, nên trồng nhiều loại cây ăn quả, dễ bán, nhằm "xoá đói giảm nghèo" như hồng, na, xoài, cam, dứa, hồng xiêm, khế ngọt… Nhưng, cũng đừng quên những cây "gieo mỹ cảm", được nhắc đến trong Truyện Kiều như đào, mận, lựu, lê…. Chỉ cần trông thấy hoa đào, quả đào, là tự nhiên khách phương xa đến Tiên An nhớ tới những câu Kiều tuyệt hay có chữ đào: "khoá buồng xuân để đợi ngày đào non", "đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày", "đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh"…
Rồi cải tạo cái đầm hoang đầu thôn thành hồ thả cá, rộng 2 ha. Quanh hồ nên trồng toàn liễu. Chữ liễu xuất hiện trong 23 câu Kiều, chẳng hạn: "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh", "nặng lòng xót liễu vì hoa", "sá chi liễu ngõ hoa tường"…
Vườn nhà ai ở Tiên An cũng nên dành chỗ cho một vài luống hoa từng được Nguyễn Du yêu thích như: lan, cúc, mai, lê, sen, lựu, hải đường, trà mi, v.v.
Tránh "đầu voi, đuôi chuột", Viện điều hẳn cô Tú Oanh từ vùng hồ Ba Bể (Bắc Cạn) về Tiên An "nằm vùng". Cô là người Vinh, nên về Tiên An cũng không xa nhà lắm…
“Ông đồ Nghệ” hiếu học đến mức… gàn!
Thầy Trương là một tấm gương hiếu học lạ lùng, hiếu học đến mức đôi khi bị coi là… gàn!
Năm 1941, 19 tuổi, thầy đỗ loại ưu tú tài toán, rồi tú tài triết tại Huế.
Năm 1944, 22 tuổi, đỗ kỹ sư nông lâm tại Hà Nội.
Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khiến thầy bị đứt quãng việc học.
Ngoại ngũ tuần rồi, thầy mới rảnh rang đôi chút, thức đêm ngồi viết luận án tiến sĩ, và bảo vệ tại Hà Nội năm 1976.
Không dừng lại ở học vị khá "oách" này, thầy bắt tay viết tiếp luận án tiến sĩ khoa học, một công trình với chất lượng cao hơn hẳn, về lâm sinh tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dresden (CHDC Đức cũ). Nhà nước ta quy định: Thời gian dành cho việc học tiếng Đức, rồi viết luận án TSKH là 4 năm rưỡi. Nhưng, thầy nghĩ, nếu lâu thế, thì đến khi bảo vệ xong trở về, tuổi thầy sẽ chớm lục tuần! Chỉ còn mỗi một việc là nhận quyết định… về hưu!
Với cái "gàn" theo cung cách "đồ Nghệ" và trí thông minh vượt trội, chỉ sau 2 năm, vào ngày 4-7-1978, khi đã 56 tuổi, Nguyễn Văn Trương bảo vệ xuất sắc luận án TSKH Nghiên cứu cấu trúc ba chiều của rừng nhiệt đới miền Bắc Việt Nam. Lần đầu tiên trên thế giới, Nguyễn Văn Trương nghiên cứu định lượng cấu trúc rừng, bằng các hàm phân bố xác suất, sử dụng các thành quả mới của sinh trắc học (biometrics) – một ngành sinh học liên quan chặt chẽ với toán học – để giải quyết nhiều vấn đề về rừng mà trước đó chưa ai giải quyết.
Thầy nắm chắc lâm học cũng như toán học, lại quen dùng các thứ tiếng Đức, Anh, Nga, Hán, và thông thạo tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ.
Vị Tổng Biên tập bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam
Năm 1990, khi mới giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái, GS, TSKH Nguyễn Văn Trương được mời kiêm chức Tổng Biên tập bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Bốn tập của bộ sách lớn này dày tổng cộng hơn 4.000 trang khổ rộng, bao gồm 40.000 mục từ, thuộc 40 chuyên ngành văn hóa, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam và thế giới. Giới trí thức thuộc mấy thế hệ, với lực lượng hơn 1.200 nhà khoa học (1/8 số cán bộ sau đại học trong cả nước) tham gia biên soạn bộ sách trong nhiều năm. Dù khó tránh khỏi một số thiếu sót – như vài ba tờ báo đã gay gắt chỉ ra – bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam vẫn là một công trình khoa học đồ sộ, nghiêm túc, đáng trân trọng.
Giữ cương vị Tổng Biên tập, GS Nguyễn Văn Trương gánh trách nhiệm nặng nề. Tất nhiên, bên cạnh ông, còn có 7 vị Phó Tổng Biên tập đều là những nhân vật nổi tiếng: Cù Huy Cận, Đặng Vũ Khiêu, Hà Học Trạc, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Văn Đạo, Phan Huy Lê và Phan Hữu Dật. Ngoài ra, lại còn có thêm 40 vị Ủy viên Ban Biên tập.
GS Nguyễn Văn Trương còn cùng GS Trịnh Văn Thịnh làm đồng chủ biên bộ Từ điển Bách khoa Nông nghiệp Việt Nam in năm 1991.
Tất cả khối công việc "hoành tráng" đó đều được thực thi khi GS Trương đã vượt quá ngưỡng tuổi "cổ lai hy", cái tuổi tưởng chừng chỉ còn đủ sức… "ngồi chơi xơi nước"!
Hàm Châu (Dan tri)
Bình luận (0)