Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS Nobel Hóa học: Tôi đến VN để khích lệ giới trẻ yêu khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 6-7, tại Quy Nhơn, giáo sư Kurt Wüthrich (Nobel Hoá học năm 2002) có buổi nói chuyện chuyên đề: Cuộc đời khoa học của tôi – từ vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chẩn đoán y học.

GS Nobel Hóa học: Tôi đến VN để khích lệ giới trẻ yêu khoa học
Giáo sư Kurt Wuthrich đang trình bày về cuộc đời khoa học của mình. – Ảnh: DZOÃN CÔNG

Tại buổi nói chuyện, giáo sư Kurt kể về quá trình tìm ra cộng hưởng từ hạt nhân, ảnh hưởng của cộng hưởng từ hạt nhân lên cơ thể có thể giúp nghiên cứu về cơ thể. Ông cho biết, ông cùng với hai nhà khoa học là Tanaka Kōichi và John B. Fenn nhiều năm nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.

Giáo sư Kurt chia sẻ chính sự kết nối mật thiết với thiên nhiên và môi trường vùng nông thôn nơi ông sinh ra và lớn lên đã đánh thức niềm hứng thú với khoa học tự nhiên trong ông khi còn rất nhỏ. Từ thời trung học, ông đã thể hiện niềm đam mê với khoa học tự nhiên ở trường và sau đó tiếp tục học toán học và vật lý ở bậc đại học.

Tuy nhiên, lúc còn trẻ ông lại muốn được làm giáo viên dạy thể dục bậc trung học, nhưng khi học đại học, ông may mắn được học ở một nơi có trung tâm nghiên cứu lớn. Chính tại đây, ban đầu là tò mò quan sát từ trường và làm các thí nghiệm liên quan đến từ trường đã trở thành đam mê và gắn bó với ông suốt cuộc đời. Giải Nobel là thành quả của gần 40 năm miệt mài nghiên cứu của Kurt và đồng sự.

Nói về cuộc đời khoa học của mình và trả lời câu hỏi của một học sinh trường Lê Quý Đôn (Quy Nhơn), giáo sư Kurt cho biết ông suốt thời gian nghiên cứu chưa bao giờ ông cảm thấy nản lòng khi gặp khó khăn trong công việc. 

Tuy mới đến Việt Nam lần đầu tiên với thời gian ngắn, nhưng giáo sư Kurt cho biết ông cảm nhận được rằng làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang rất khó khăn và có rất ít nhóm khoa học làm việc nghiêm túc tại Việt Nam cũng như mức đãi ngộ chưa tương xứng với đóng góp của các nhà khoa học.

Giáo sư Kurt cho biết thu nhập của người làm khoa học ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước nhưng ông tin rằng những khó khăn này sẽ chóng qua, và ông khuyên các bạn trẻ Việt Nam nếu muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học thì phải cố gắng tìm kiếm cơ hội học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. 

“Tôi đến Việt Nam lần này với mục đích tạo niềm đam mê khoa học và khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam theo con đường nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản. Và tôi sẽ còn trở lại” – giáo sư Kurt khẳng định.

GS Nobel Hóa học: Tôi đến VN để khích lệ giới trẻ yêu khoa học
Giáo sư Kurt Wuthrich ký tặng các bạn học sinh sau buổi nói chuyện. Ảnh: DZOÃN CÔNG

Giáo sư Kurt Wüthrich là nhà hóa học, nhà vật lý, nhà toán học người Thụy Sĩ. Ông sinh ngày 4-10 năm 1938 trong một gia đình chủ yếu làm nông tại đô thị Aarberg ở huyện Seeland.

Năm 2002, giáo sư Kurt Wüthrich đoạt giải Nobel Hóa học cùng với hai nhà khoa học là Tanaka Kōichi và John B. Fenn cho công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch.

Ngoài Giải Nobel danh giá, giáo sư Kurt Wüthrich còn đạt một số giải thưởng khác, có thể kể đến như Giải thưởng khoa học Louisa Gross Horwitz của Đại học Columbia năm 1991 và Giải Marcel Benoist của Quỹ Marcel Benoist cùng năm đó; Giải “Nobel Nhật Bản” Kyoto năm 1998; và Huy chương Otto Warburg Medal của Hội Hóa sinh và Sinh học phân tử Đức dành cho những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc trong lãnh vực hóa sinh học năm 1999.

Trong quá trình nghiên cứu và dạy học, ông được nhiều trường đại học trên thế giới phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, gần đây nhất là trường Đại học Buenos Aires ở Argentina và Đại học Patras ở Hy Lạp vào năm 2015.

Hiện ông đảm nhiệm các chương trình và dự án nghiên cứu tại phòng thí nghệm ở Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich và Viên Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, California.

Ngoài ra ông còn là thành viên ban Cố vấn Lễ hội Khoa Học và Công Nghệ Hoa Kỳ và là thành viên nước ngoài của Hội Hoàng gia Thụy Điển (ForMemRS) từ năm 2010. 

 

HỒNG NHUNG – NGỌC ĐÔNG/TTO

 

Bình luận (0)