Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

GS Phan Huy Lê được bầu là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, tại phiên họp mới đây của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn – thuộc Học viện Pháp quốc, GS. Phan Huy Lê được bầu làm Viện sĩ Thông tấn nước ngoài (Membre correspondant étranger de l Académie).

GS. Phan Huy Lê được bầu vào vị trí “ghế bành” (fauteuil) trước đây của Viện sĩ Francisco Rico (Tây Ban Nha). GS, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (Trường ĐH KHXH&NV – Quốc gia Hà Nội) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

GS Phan Huy Lê. (Ảnh: Bùi Tuấn)

Từ năm 1988 cho đến nay, GS. Phan Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Ông còn giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt và là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia… Ở cương vị nào, ông cũng đều có những đóng góp xuất sắc.
GS. Phan Huy Lê được phong học hàm Giáo sư năm 1980, danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1988, danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1994; Giải thưởng Nhà nước năm 2000, Giải thưởng Quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka, Nhật Bản năm 1996, Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp năm 2002.
Được biết, Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Académie des Inscriptions et Belles-Letres) được thành lập từ năm 1663, là một trong 5 Viện hàn lâm khoa học trực thuộc Học viện Pháp quốc (Institut de France) của Cộng hòa Pháp. Đây cũng là một trong những Viện Hàn lâm lâu đời và danh tiếng của Học viện Pháp quốc.
Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn là một Viện Hàn lâm về khoa học nhân văn, nghiên cứu các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử và ngữ văn thời cổ đại, trung đại cho đến thời cổ điển trên không gian lịch sử rộng lớn từ Tây Âu đến Viễn Đông.
Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa: Toán – Lý, Hoá – Sinh, Văn và Sử. Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp cử nhân Sử – Địa đã được nhận ngay vào Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS. Đào Duy Anh.
Ngay từ khi còn làm trợ lý giảng dạy, ông đã được các giáo sư Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh giao cho viết bài giảng và đảm nhiệm các công việc của những chuyên gia thực thụ.
Có lẽ vì thế mà chỉ 2 năm sau, khi GS. Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học, mới 24 tuổi đời, ông đã vững vàng trong trọng trách của một Chủ nhiệm bộ môn đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam.
Toàn bộ trước tác của GS. Phan Huy Lê được chia ra thành 4 mảng lớn gần tương đương nhau và đều ở mức rất cao (từ 104 đến 120 công trình). Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn.
Theo Nguyễn Quang Ngọc
(100 Years – VietNam National University, Ha Noi)
 Hồng Hạnh / Dan tri

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)