Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

GS Trần Thanh Vân xây trung tâm gặp gỡ khoa học Quốc tế tại Quy Nhơn

Tạp Chí Giáo Dục

Một trung tâm để các nhà nghiên cứu trẻ, các nhà bác học giàu kinh nghiệm… gặp gỡ, trao đổi tri thức sẽ được xây dựng bên bờ biển TP Quy Nhơn (Bình Định). Trung tâm do tổ chức khoa học của GS Trần Thanh Vân đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động.

Ngày 25/6/2009, tại Gặp gỡ Blois lần thứ 21 ở đô thị cổ Blois, miền Trung nước Pháp, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã giới thiệu trước hơn 200 nhà vật lý thuộc 20 quốc tịch (trong đó có  6 nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel) về việc xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học liên ngành (International Center for Interdisciplinary Scientific Meetings) tại bờ biển thành phố Quy Nhơn, Bình Định. 


Phác thảo kiến trúc Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học liên ngành 

Trung tâm này, với tổng diện tích 100 nghìn mét vuông, sẽ bao gồm 1 hội trường 200 chỗ, 3 hội trường nhỏ hơn, 5-10 phòng làm việc và tiếp tân, 1 khách sạn ba sao với 60 phòng ở cùng quán ăn, bể bơi, tiệm cà-phê… Dự kiến, trung tâm bắt đầu hoạt động từ năm 2011.

GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Gặp gỡ Blois, cho biết: Tại Trung tâm này, các nhà nghiên cứu trẻ và các nhà bác học nổi tiếng, giàu hiểu biết và kinh nghiệm, có thể gặp gỡ, trao đổi tri thức và ý tưởng, trong một môi trường yên tĩnh giữa rừng và biển, có lợi cho việc nghỉ dưỡng.

Tại sao lại chọn Việt Nam làm nơi xây dựng Trung tâm này? Bởi vì, tổ chức khoa học của chúng tôi nhận thấy: Việt Nam nằm ở ngã ba các tuyến đường qua lại trong vành đai châu Á – Thái Bình Dương, là đất nước đang ngày càng mở rộng cửa, thiết tha mong muốn hợp tác với các nước phát triển. Việt Nam cũng là quốc gia đã từng tổ chức thành công nhiều hội nghị khoa học lớn, nhiều nhà trường, lớp học tầm cỡ khu vực và thế giới về khoa học và công nghệ. Trung tâm mà chúng tôi bắt tay xây dựng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động hợp tác khoa học – công nghệ như thế.

Hơn nữa, Việt Nam còn là mảnh đất giàu tài năng trẻ. Nhiều học sinh Việt Nam từng giành huy chương vàng, bạc, đồng tại các Olympic Quốc tế về toán, vật lý, tin học, hoá học, sinh học… Nhiều sinh viên Việt Nam trúng tuyển vào các đại học danh tiếng nhất ở Pháp, Mỹ, Anh, Nga, Đức, Nhật…và học tập, nghiên cứu đạt kết quả xuất sắc. Tiềm năng khoa học của tuổi trẻ Việt Nam là điều giờ đây được nhiều nước phát triển thừa nhận…

Tại Gặp gỡ Blois 2009, với uy tín của mình trong cộng đồng khoa học thế giới, GS Trần Thanh Vân kêu gọi các nhà vật lý 20 nước ủng hộ Việt Nam bằng cách đến Trung tâm Quy Nhơn tổ chức hoặc tham dự các cuộc gặp gỡ quốc tế về khoa học – công nghệ, cũng như giảng bài tại các trường học.

Hàm Châu (dan tri)

Bình luận (0)