Nhịp cầu sư phạmGương sáng

GS Trịnh Xuân Thuận – Nhà nghiên cứu vũ trụ hàng đầu thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tháng 10/2009 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định trao tặng Giải thưởng Kalinga 2009 cho nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận.

Giải thưởng này đã thêm một lần nữa khẳng định Giáo sư người Việt đang sống tại Mỹ này là một trong những nhà nghiên cứu và phổ biến khoa học về vũ trụ hàng đầu thế giới hiện nay. 
Nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới  
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông từng theo học trung học tại trường Yersin ở Đà Lạt, rồi trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn – TP.HCM). Hồi bé, cũng như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi tò mò khác, cậu bé Trịnh Xuân Thuận vẫn thường nhìn lên bầu trời, ngắm những vì tinh tú, những ngôi sao đổi ngôi, những biến chuyển không ngừng trên nền trời đêm bao la,… và tự đặt ra cho mình vô vàn câu hỏi.
Sau khi đỗ tú tài trường Jean Jacques Rousseau năm 18 tuổi, Trịnh Xuân Thuận sang Thụy Sĩ du học ngành vật lý. Chỉ sau một năm học ở Thụy Sĩ, nhờ khả năng học tập xuất sắc, chàng sinh viên Việt Nam Trịnh Xuân Thuận giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ: MIT ở Boston, Học viện Công nghệ California (California Institute of Technology) và Princeton. Ông quyết định theo học tại Học viện Công nghệ California vì ở đó có những giáo sư giỏi hàng đầu thế giới, có những người đã đoạt giải Nobel.
"Lúc đầu, tôi chỉ biết tiếng Pháp, qua Mỹ không biết tiếng Mỹ, bị cắt hết liên lạc gia đình, đâu có tiền mà về thăm nhà. Xa gia đình, xa đất nước mình, thiếu chỗ nương tựa tinh thần, văn hóa lại khác hẳn nên lúc đầu rất khó khăn", Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhớ lại những ngày tháng ấy. Ông lần lượt theo học tại Học viện Công nghệ California (California Institute of Technology) từ 1967 đến 1970, và học tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Và Trịnh Xuân Thuận đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976 đến nay, ông là Giáo sư ngành Vật lý thiên văn tại Đại học Virginia. Trong những năm qua, nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận nổi tiếng trong giới nghiên cứu vật lý thiên văn thế giới với nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang lớn.
Vật lý thiên văn và văn học
Không chỉ nổi tiếng là một trong những nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận còn là người đưa vật lý thiên văn, một ngành khoa học cơ bản, trở nên gần gũi với độc giả nhiều quốc gia qua các tác phẩm nổi tiếng do ông viết. Vốn là người thấm nhuần văn hóa Pháp sống và làm việc tại Mỹ, nên tuy Giáo sư Trịnh Xuân Thuận viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng ông lại viết những tác phẩm về vũ trụ của mình bằng tiếng Pháp. Và ông đã được coi là một nhà nghiên cứu giàu mỹ cảm.
Còn với bạn đọc Việt Nam, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được độc giả trong nước biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến giác ngộ), Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc… Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã nhiều lần về thăm Việt Nam, tham gia giảng dạy cho sinh viên trong nước tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức những buổi nói chuyện về vũ trụ và vật lý thiên văn. Ông là người đã từng được tham gia chính thức trong phái đoàn của nguyên Tổng thống Pháp Mitterrand sang thăm Việt Nam năm 1993.
Đến nay, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã viết hàng trăm bài tiểu luận cùng những tác phẩm về sự hình thành vũ trụ cùng với những thiên hà và sự phát triển của chúng. Các tác phẩm đã trở nên nổi tiếng của ông bao gồm: Giai điệu bí ẩn (1988); Khám phá: Khai sinh vũ trụ; Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003); Lượng tử và hoa sen (2004)… Trong số đó, cuốn Hỗn độn và hài hòa là tác phẩm bán chạy nhất ở nước Pháp năm 2000. Năm 2007, với tác phẩm Những con đường của ánh sáng, Trịnh Xuân Thuận được Viện Hàn lâm Pháp trao Giải thưởng lớn Moron.
Nhận giải thưởng Kalinga năm 2009 của UNESCO
Năm 2009, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận vừa cho ra mắt tác phẩm mới nhất của ông, cuốn Từ điển dành cho những người đam mê bầu trời và các vì sao (Dictionnaire amoureux du ciel et des étoiles). Trong tác phẩm mới này, Trịnh Xuân Thuận còn đề cập đến những hiện tượng lạ trong vũ trụ như nguồn sáng Quasars hay những tín hiệu từ thiên hà Pulsars… Cuốn sách có những mục từ về lịch sử thiên văn học và cả những bài viết mang tính triết học như "khoa học và vẻ đẹp" hay "khoa học và tiện ích".
Theo Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, ông tin sự hoàn hảo và hài hòa tuyệt vời của vũ trụ không phải được sinh ra ngẫu nhiên, mà được sáng tạo có chủ ý. Tuy nhiên, "Đấng Sáng Tạo" đó không phải là con người cụ thể, như Chúa hay Phật tổ. Giáo sư cũng tin rằng loài người chúng ta không phải là duy nhất trong vũ trụ và cùng với những tiến bộ của khoa học, rồi đây chúng ta sẽ khám phá ra những hành tinh có thể tồn tại những hình thái sự sống mà chúng ta có thể tiếp cận.
Với sự say mê dành cả cuộc đời để nghiên cứu khoa học thiên văn và đem bầu trời đến với mọi người, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã được UNESCO trao tặng giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009. Đây là giải thưởng quốc tế để tôn vinh nỗ lực của những nhà nghiên cứu có nhiều thành công trong công việc phổ biến kiến thức khoa học đến công chúng. Nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận là một trong hai nhà khoa học trên thế giới được tặng giải thưởng Kalinga 2009. Người thứ hai được tặng giải Kalinga năm nay là Giáo sư Yash Pal người Ấn Độ. Giải thưởng này sẽ được trao cho Giáo sư Trịnh Xuân Thuận tại Diễn đàn khoa học thế giới ở Budapest, Hungary vào ngày 5/11/2009.            
Vũ Anh Tuấn/Dan tri
Theo Wikipedia, RFI, báo chí trong và ngoài nước

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)