Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS.TS Đỗ Thanh Bình: Đề sử năm nay quá nhiều “sạn”

Tạp Chí Giáo Dục

GS.TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ảnh: Mê Tâm

So với năm 2010, điểm thi tuyển sinh ĐH môn sử năm nay thấp hơn. Theo GS.TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì không phải do học sinh kém hơn, thầy giáo dạy tồi hơn mà do đề thi ĐH môn lịch sử năm nay có nhiều… sạn.
Câu chữ đánh đố thí sinh
PV: Thưa GS, so với năm 2010 thì đề thi tuyển sinh ĐH môn lịch sử năm nay có sự khác biệt gì?
Năm nay, khi xem đề thi ĐH môn lịch sử và đáp án, không chỉ thầy cô phổ thông mà cả ĐH, nhiều người sửng sốt, ngỡ ngàng. Năm 2010, điểm thi môn lịch sử rất khá do đề ra chuẩn. Năm nay tự nhiên tụt thấp mà không phải do dạy. Tôi cho rằng điểm lịch sử thấp năm nay là do chúng ta bắt chưa đúng bệnh. Chúng ta phải nhìn vào tình hình cụ thể. Nếu chúng ta cứ đổ lỗi cho thầy cô, cho sách giáo khoa là không khách quan. Tôi nghĩ vấn đề ở đề thi. Trong 5 câu hỏi của đề năm nay, câu hỏi nào cũng có vấn đề.
Cụ thể là ở câu hỏi I: Phân tích nguyên nhân tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Tôi cho rằng không ai hỏi nguyên nhân đi tìm đường cứu nước mà phải là phân tích bối cảnh đi tìm đường cứu nước thì mới chuẩn. Còn nguyên nhân, thường là nguyên nhân của một cuộc khởi nghĩa, của một cuộc cách mạng. Nguyên nhân thành công, nguyên nhân thất bại. Chính câu hỏi này làm học sinh lạc hướng. Trong khi đó, đáp án lại là bối cảnh.
Câu II: So sánh luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10/1930 có điểm gì khác với cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta. Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong năm 1939, 1945. Câu hỏi này không sai. Nhưng câu hỏi này quá cao so với học sinh phổ thông, học sinh chuyên sử và sinh viên ĐH chưa chắc đã làm được. Thứ hai là đáp án không chuẩn. Ý thứ nhất của câu hỏi yêu cầu so sánh nhưng đáp án lại là rút ra hai nhận xét. Nhiều thí sinh (TS) làm so sánh đã không được điểm. Nhưng trầm trọng hơn là ở ý thứ hai của đề, đáp án sai. Đề yêu cầu “vấn đề đó được giải quyết như thế nào” thì đáp án đưa ra hai hội nghị, hội nghị 6 và hội nghị 8 là chủ trương để giải quyết. Còn “giải quyết như thế nào” phải là Đảng ta tập hợp lực lượng thế nào để đi đến CMT8. Như vậy, thầy hỏi một đằng thầy trả lời một nẻo.
Câu III: Đây là câu gây tranh luận nhất. Một nguyên tắc ra đề thi là không được để cho học sinh hiểu nhiều cách khác nhau. Câu hỏi này để cho học sinh hiểu nhiều cách khác nhau. Điều thứ hai, hầu hết các thầy trong Khoa Lịch sử của tôi và các thầy dạy phổ thông chấm thi đều đưa ra đáp án là sự kiện Điện Biên Phủ trên không năm 1972 mới là đúng. Trong khi đó, đáp án là ký hiệp định Paris. Nói đến thắng lợi nào, học sinh sẽ nghĩ đến thắng lợi quân sự. Theo ý kiến tôi, sự kiện Điện Biên Phủ trên không mới đúng. Ký hiệp định Paris chỉ là khâu cuối cùng. Nhưng theo đáp án thì học sinh làm như thế sẽ bị zero. Năm nay các thầy cô chấm môn sử rất nhanh vì chỉ cần nhìn bài nếu không phải hiệp định Paris tức là TS không có điểm.
Câu IV(a) cũng rơi vào trường hợp hỏi một đằng đáp án một nẻo. Câu hỏi này, TS trả lời Liên hiệp quốc là đúng. Còn đáp án là EU. Tôi cho rằng, nếu đáp án là EU thì câu này phải sửa thành: Khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức kinh tế, chính trị khu vực lớn nhất hành tinh. EU là khu vực.
Câu IV (b) cũng không chuẩn về ngôn từ. Đã “độc lập” rồi thì còn ra đời gì nữa. Phải là “quá trình giành độc lập” mới chuẩn.
Nhiều TS trượt oan
Trong quy chế chấm thi, nếu đáp án không chuẩn, các hội đồng chấm thi hoàn toàn có thể gửi kiến nghị của mình lên bộ. Hội đồng của ông có làm điều đó không khi phát hiện đáp án có vấn đề?

Các thí sinh thi vào ngành xã hội tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2011.
Ảnh: Mê Tâm
Lâu nay chấm theo 3 chung là không có thảo luận. Ngay quy chế của bộ cũng yêu cầu là chấm theo đáp án của bộ. Chúng tôi rất muốn sửa để cứu các TS nhưng không được sửa. Năm nay có sự kiện của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên vấn đề đáp án rất nhạy cảm.
Theo phân tích của ông, đề sử năm nay có nhiều “sạn”, nhưng thực tế, vẫn có nhiều em đạt điểm cao, ông nghĩ sao?
Tôi cho rằng những TS hiểu đúng đề thì điểm thấp. Còn “ăn may” thì sẽ điểm cao.
Xu hướng ra đề của Bộ GD-ĐT năm nay có đổi mới hơn đó là ra đề theo hướng mở để tác động vào cách học, cách dạy. Ông nghĩ sao đối với môn sử?
Hướng đổi mới là đúng. Nhưng đối với lịch sử, phải trên cơ sở sự kiện lịch sử, rồi mới có phần nâng cao. Đề mở của lịch sử là trình bày sự kiện rồi nêu nhận xét, hoặc nêu ý nghĩa của sự kiện đó. Đấy là có ý kiến riêng của người viết.
Nếu câu chữ chính xác, thì đề thi năm nay có được coi là hay không, thưa ông?
Tôi nghĩ có câu quá khó do chưa hiểu hết trình độ học sinh. Nhưng có câu như câu I, nếu chuẩn về từ ngữ thì học sinh nào cũng làm được.
Số người đạt điểm 0 môn sử tương đối nhiều. Ông nghĩ vì sao?
Tôi chấm bài thi thấy các em viết lạc hết so với đáp án chứ không phải các em để giấy trắng.
Khi chấm những bài bị điểm 0 nhưng đúng với quan điểm của bộ, ông có cảm thấy băn khoăn không?
Tôi băn khoăn và cảm thấy tiếc vì các em trượt oan.
Điểm môn sử năm nay thấp, nhiều người cho rằng tại cách dạy, tại sách giáo khoa, ý kiến của ông về vấn đề này?
Lúc đầu tôi không định nói về vấn đề này. Nhưng sau đó, một ai đó nói rằng đề rất hay, lỗi tại các thầy, các cô. Tôi không chịu nổi nên đã phải lên tiếng. Không thể “đá bóng” cho người khác. Điểm thi môn sử thấp không phải triền miên từ năm này qua năm khác thì mới nói được như thế. Nhưng rõ ràng năm ngoái điểm thi môn sử không tệ. Ngay trong kỳ thi năm nay, đề thi sử hệ CĐ, tuy mức độ đề khác nhưng đề chuẩn hơn nên các em được điểm cao rất nhiều. Như vậy, lỗi không phải tại sách giáo khoa, không thể đổ lỗi cho thầy cô.
Quy trình ra đề rất nghiêm túc, ông có lý giải vì sao đề thi năm nay lại có nhiều “sạn” như thế?
Có hai lý do: Người phản biện không đủ trình độ để nhận thức cái sai của đề và đáp án. Thứ hai không đủ trình độ để bác lại ý kiến của người ra đề. Quy trình ra đề của mình thì đúng, rất chặt chẽ nhưng vấn đề chọn ai cho đúng thì cần phải xem xét.
Nhiều TS trượt oan như thế thì trường có động thái gì để giúp những TS này không, thưa ông?
Hiệu trưởng trường tôi yêu cầu phải có ý kiến gửi lên Bộ GD-ĐT. Nhưng tôi nghĩ có kiến nghị thì chỉ để rút kinh nghiệm năm sau chứ bộ sẽ không cho chấm lại, không thay đổi đáp án.
Những năm gần đây, các khối thi ngành xã hội không được TS quan tâm?
Trong hai năm gần đây, số lượng TS đăng ký khối C vào trường tôi giảm hẳn. Trước kia chúng tôi chấm khối C khoảng 10.000 bài thì năm nay chỉ có 3.500 bài. Tôi cho rằng một là xu thế hiện nay TS chọn các ngành thời thượng. Họ tính đầu ra sau này. Vào ngành xã hội như ngành sử của tôi, xin việc đã khó, lương lại cực thấp. Cán bộ giảng dạy ở Khoa Sử của tôi lương 2 triệu đồng/tháng, thuê nhà đã hết. Tuy nhiên, vẫn có TS tâm huyết với nghề và số tâm huyết cũng không nhiều. Trường chuyên thi vào lịch sử cũng rất ít. Xã hội phải điều chỉnh dần, tạo ra sự cân đối giữa các ngành nghề.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)