“Ý tưởng và kịch bản sư phạm qua từng kế hoạch bài dạy là rất quan trọng. Kết hợp với phần mềm, kỹ thuật tổ chức tương tác thông qua các hoạt động, hướng đến yêu cầu cần đạt là bí quyết để dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học đạt hiệu quả”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định.
Nhìn lại một tháng TP.HCM triển khai dạy và học trực tuyến trong năm học 2021-2022- Năm chưa từng có tiền lệ, GS.TS Huỳnh Văn Sơn đánh giá ngành giáo dục thành phố đã rất chủ động, nỗ lực đầu tư bài giảng, học liệu, thực hiện các giải pháp hỗ trợ học sinh hiệu quả ngay từ đầu năm học.
Những chia sẻ này được GS.TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Giáo Dục TP.HCM chiều 8-10.
Chú trọng yêu cầu cần đạt phù hợp
Phóng viên: Việc triển khai dạy trực tuyến ở bậc tiểu học, nhất là khối lớp 1, 2 lâu nay vẫn có nhiều tranh cãi. Ý kiến của ông về vấn đề này là như thế nào, thưa ông?.
Chúng ta đều mong mỏi mang đến hiệu quả cao nhất cho trẻ khi tổ chức dạy học trực tuyến song cần nhìn vào thực tế và các khó khăn, sự hạn chế nhất định về kinh nghiệm và dự báo mọi thứ…
Việc dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học đạt hiệu quả khi xác định được yêu cầu cần đạt phù hợp, nhất là chú ý đến thói quen học tập được duy trì, các vấn đề cơ bản về năng lực học tập trên hình thức trực tuyến, chọn lọc và sáng tạo kỹ năng vận dụng để điều chuyển; vấn đề về phẩm chất cũng cần được chọn lựa để sắp xếp ưu tiên, tinh tế đan cài theo hình thức phù hợp…
Quan trọng nhất là kịch bản sư phạm dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học phải được xây dựng một cách khoa học với một chuỗi các hoạt động cụ thể. Trong đó, nhiều hoạt động khám phá làm lõi, hình thức trò chơi, bài tập ngắn và thực hành có sản phẩm được tổ chức sao cho các em có thể tham gia…
Giáo viên nên chọn phần mềm vừa sức, đảm bảo sự tương tác hiệu quả, có tính thân thiện, khuyến khích học sinh làm việc và động viên các em bằng nhiều biểu tượng, biện pháp là điều có thể khai thác…
Ý tưởng và kịch bản sư phạm qua từng kế hoạch bài dạy là rất quan trọng. Kết hợp với phần mềm và kỹ thuật tổ chức tương tác thông qua các hoạt động, hướng đến yêu cầu cần đạt là bí quyết để dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học đạt hiệu quả.
Phóng viên: Chương trình GDPT 2018, SGK mới với nhiều môn học mới và phương thức dạy học chú trọng tính cá thể hoá thông qua các hoạt động trải nghiệm của chính người học. Theo ông, khi triển khai bằng hình thức trực tuyến, để phát huy những thế mạnh này, giáo viên cần làm những gì?
Như đã đề cập, để phát huy những thế mạnh này cần phải dựa trên cơ sở làm chủ chương trình, nhất là yêu cầu cần đạt.
Những khó khăn về trải nghiệm thực tế cho thấy khi điều kiện hạn chế buộc chúng ta phải sáng tạo, tự chọn cho mình phương án thay thế, dự phòng. Cụ thể thay vì kết bạn trực tiếp và quan tâm đến bạn, chúng ta có thể kết bạn trực tuyến. Thay vì hành động yêu thương với những người thuộc chế độ chính sách, chúng ta có thể thay thế bằng nghĩa cử với người cùng khu phố cần giúp đỡ…
Với các trải nghiệm liên quan đến thực hành, thí nghiệm có phần khó khăn hơn. Nhưng thông thường, yêu cầu cần đạt được xây dựng theo chủ đề. Biểu hiện nào cần tiếp tục ôn luyện, phát triển có thể ghi nhận và hoàn thiện trong suốt quá trình giáo dục.
Dạy học trực tuyến không quá căng thẳng về áp lực kiểm tra như trên lớp
Phóng viên: Dạy học trực tuyến đang được ngành giáo dục coi là phương thức ổn định nhưng hình như chưa có sự chuẩn bị một nền tảng về kiểm tra, đánh giá để tương đồng. Để chủ động hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường, theo ông ngay từ bây giờ ngành giáo dục cần thay đổi như thế nào trong quan điểm về kiểm tra, đánh giá?
Đây là vấn đề cần xem xét kỹ, cần bám sát vào văn bản hướng dẫn, điều kiện thực tế, tính năng kiểm tra của phần mềm để kiểm tra, đánh giá.
Hiện nay, vấn đề đánh giá được Bộ GD-ĐT quy định rất rõ ở Thông tư 22. Cụ thể, đánh giá nhằm đạt mục đích: xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt trong CTGDPT; Điều chỉnh hoạt động rèn luyện, học tập, hoạt động dạy học.
Yêu cầu đánh giá cần: Căn cứ vào yêu cầu cần đạt trong CTGDPT; Bảo đảm chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan; Đa dạng phương pháp, hình thức, kĩ thuật, công cụ đánh giá; Kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; Vì sự tiến bộ của học sinh; Coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng của học sinh; Không so sánh học sinh với nhau thông qua hình thức đánh giá bằng điểm và nhận xét.
Thông tư 22 này được áp dụng cho học sinh trung học là chủ yếu và biên độ áp dụng cũng là vấn đề cần chú ý. Tuy nhiên, đây là những cải tiến cần được ngành giáo dục xem xét, thực thi.
Việc đánh giá theo kiểu cũ bắt đầu được điều chỉnh để giảm tải áp lực, hướng học sinh đến phát triển có “chất”. Đây cũng là biểu hiện cho thấy việc dạy học trực tuyến không quá căng thẳng về áp lực kiểm tra như trên lớp trước đó.
Cần trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng cơ bản khi chăm sóc, giáo dục trẻ yếu thế do dịch COVID-19
Phóng viên: Do dịch bệnh, một bộ phận không nhỏ học sinh trở thành nhóm yếu thế trong năm học này. Đó không chỉ là thiếu thốn về phương tiện học trực tuyến, SGK mà còn là môi trường học tập, sự xáo trộn về đời sống, thậm chí là các em bị F0, bị mất người thân, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý. Với những học sinh yếu thế này, theo ông ngành giáo dục cần làm gì để các em không bị bỏ lại phía sau?
Tôi cho rằng đây là vấn đề cần có cách nhìn tích cực thay vì những mong mỏi toàn vẹn bởi trẻ em yếu thế là nhóm chủ thể rất nhạy cảm, cần được quan tâm, chăm sóc và giáo dục một cách linh hoạt, tinh tế.
Cần phải nhấn mạnh, mọi sự thay đổi về môi trường sống, học tập, thầy cô, bạn bè… đều có thể đem đến những căng thẳng với các em. Vì vậy, để các em không bị bỏ lại phía sau, theo cho rằng ngành giáo dục cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Trước hết, cần có các giải pháp nâng đỡ tinh thần cho các em dựa trên các quan tâm về chuyên môn nhất là công tác sàng lọc, đánh giá, định lượng.
Nên rà soát ngay các nhóm trẻ yếu thế, nhất là trẻ mồ côi. Dựa trên dữ liệu để phân tích và đánh giá nhóm trẻ nào đã đến trường, nhóm trẻ nào chưa đến trường cũng như các phân tích về tình trạng sức khỏe tinh thần, thể chất, tình trạng sống hiện tại, dạng thức mồ côi, các khó khăn về tinh thần… để có những can thiệp hệ thống. Chỉ có quản lý dữ liệu thật cụ thể và liên tục để hỗ trợ vì các em rất nhạy cảm cần có sự hỗ trợ nhân văn nhưng phù hợp.
Cần trang bị cho giáo viên, nhà quản lý kiến thức, kỹ năng cơ bản để đảm bảo tác động giáo dục phù hợp khi chăm sóc, giáo dục các em. Đồng thời, cần có những giải pháp cho từng nhóm sau phân loại sao cho khách quan nhưng có điểm rơi để các tác động đúng hướng, đảm bảo tính tương tác.
Cuối cùng, cần có một kế hoạch dài hơi, một lộ trình quan tâm, chăm sóc và giáo dục các em với những kết quả phản hồi, các báo cáo liên tục để đảm bảo tính an toàn về sự phát triển tâm lý và cả việc học tập, cuộc sống của các em.
Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Bình luận (0)