PV: – Thưa Giáo sư! Là người từng làm quản lí giáo dục, ông có suy nghĩ gì khi có hàng loạt trường đại học ngoài công lập xin hạ điểm sàn tuyển sinh hoặc chủ động đề ra và thực hiện tiêu chí này?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: – Tôi thấy đây là dấu hiệu đáng lo ngại về tác động tiêu cực của
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Ngọc Thắng |
kinh tế thị trường trong lĩnh vực giáo dục. Các trường đang thực hiện thi tuyển sinh theo nguyên tắc "Ba chung" thì nhất thiết phải có điểm sàn. Thử tưởng tượng, mỗi môn thi bình quân dưới 5 điểm cũng đỗ đại học (với một số đối tượng ưu tiên, điểm còn thấp hơn nhiều), với đầu vào như thế và điều kiện đào tạo cũng rất thấp, làm sao bảo đảm chất lượng đào tạo được? Tuyển sinh đúng điểm sàn hiện nay còn khó có thể chấp nhận được, huống chi nhiều trường còn đồng thanh đề nghị hạ điểm sàn hoặc cho được tự quyết định điểm sàn.
PV: – Đối tượng có ý kiến đề nghị hạ điểm sàn hầu hết là các trường đại học ngoài công lập cũng như Hiệp hội của họ. Điều đó có khiến ông băn khoăn?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: – Nếu không tuyển đủ sinh viên sẽ không đủ kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất có thể bị lãng phí. Nhưng phải cân nhắc giữa sự lãng phí của một số trường với sự lãng phí tiền bạc và thời gian của xã hội. Chắc chắn ta phải đứng về phía quyền lợi của người dân mà không thể chấp nhận hạ thấp điểm sàn xuống nữa. Cơ sở vật chất của các trường này, nếu chỗ nào chưa sử dụng ngay thì có thể cho đơn vị khác thuê lại.
PV: – Ông Trần Hồng Quân, người từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nay giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, cũng ủng hộ kiến nghị "buông" điểm sàn. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
GS-TS: Nguyễn Minh Thuyết: – Theo tôi, bên cạnh việc quan tâm bảo vệ quyền lợi của thành viên, Hiệp hội nên tập trung vào việc bàn bạc, tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín của các trường ngoài công lập. Đó là kế lâu dài, " Ích nước lợi nhà".
PV: – Theo ông, căn nguyên của tình trạng thí sinh "chê" các trường ngoài công lập hiện nay là gì?
GS-TS: Nguyễn Minh Thuyết: – Theo tôi, không phải chỉ có trường ngoài công lập mà nhiều trường công mới thành lập cũng bị chê. Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng đào tạo yếu, chưa hấp dẫn người học. Đó cũng là hậu quả của việc cho phép mở trường tràn lan, không bảo đảm điều kiện đào tạo.
PV: – Với tư cách nguyên là Đại biểu Quốc hội, ông có đề xuất giải pháp gì để giải quyết hữu hiệu tình trạng hỗn độn trong đào tạo đại học và không minh bạch trong thị trường sử dụng lao động hiện nay?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: – Xã hội thế nào, giáo dục thế ấy. Muốn giải quyết vấn đề này, trước hết phải đổi mới cơ cấu kinh tế. Nếu kinh tế chỉ là công nghiệp khai khoáng và gia công, lắp ráp thì không kích thích được các trường đại học phát triển ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ hai, phải đổi mới chính sách nhân lực, tuyển dụng công bằng, người có năng lực được trọng dụng. Còn đối với các trường đại học thì phải kiểm tra xem họ thực hiện chủ trương "Ba công khai" đến đâu. Trong bối cảnh hiện nay, xã hội không chấp nhận trường nào thì trường đó buộc phải thay đổi, nếu không thì phải đóng cửa. Chứ không thể tồn tại dặt dẹo, rồi tạo mọi điều kiện hà hơi tiếp sức, nhân nhượng mãi.
PV: – Hiện nay nước ta đã có nhiều cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh. Họ không coi trọng bằng cấp lắm mà chủ yếu quan tâm đến thực chất năng lực và phẩm chất khi tuyển dụng lao động. Có thể thấy gì qua thực tế này, thưa Giáo sư?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: – Đấy là biểu hiện của thị trường lao động lành mạnh. Và nếu khối đó tiếp tục phát triển thì thị trường lao động nước ta sẽ được cải thiện rất nhiều.
PV: – Như thế phải chăng, theo ông, phi quốc doanh hơn nữa nền kinh tế là giải pháp cho vấn đề này?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: – Tôi thấy không thể cứ duy trì mãi cơ cấu kinh tế thế này. Nhà nước chỉ nên nắm một số ngành "yết hầu" thôi, mà không thể giao vốn cho họ một cách thoải mái như cho Tập đoàn Vinashin vừa qua.
PV: – Trong đời làm thầy, ông có gì băn khoăn khi cho ra đời rất nhiều thế hệ học trò?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: – Trước kia số sinh viên không nhiều, một lớp tôi dạy chỉ có hơn chục em. Dạy các lớp này, cái cảm giác truyền nghề rất rõ. Nay phần lớn các lớp đều tới 100, 150 em, vừa khó bảo đảm chất lượng, vừa khó bố trí việc làm sau khi các em ra trường. Đây là một trong những điều bất hợp lí.
PV: – Cảm ơn ông!
Theo Trần Ngọc Kha
(
Bình luận (0)