Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

GS.TS Phạm Tất Dong: “Phải đại tu lại nền giáo dục”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Không nên kéo dài nền giáo dục bằng sự chắp vá sửa chữa vụn vặt mà phải “đại tu”, nếu muốn thoát hẳn tình trạng sửa được chỗ này thì thủng chỗ khác”. GS.TS Phạm Tất Dong nêu ý kiến về bản Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục.

GS.TS Phạm Tất Dong – PCT Hội Khuyến học Việt Nam
Thưa ông, thời điểm này có nên sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 2005 không?
Hiện nay có cả triệu người lên tiếng đòi cải cách giáo dục. Các nhà khoa học thì nhìn thấy sự bất cập của giáo dục trước những biến đổi vũ bão của thế giới hiện đại. Các nhà kinh tế, sản xuất kinh doanh nhìn thấy nhân lực hiện nay không đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội. Dân nghèo lại cảm thấy mình không với tới giáo dục, hoặc với tới giáo dục thì không đủ điều kiện vật chất để sống.
Có lẽ không nên kéo dài nền giáo dục này bằng sự chắp vá, sửa chữa vụn vặt mà phải “đại tu”, nếu muốn thoát hẳn tình trạng sửa được chỗ này thì thủng chỗ khác.   
Cần cải cách giáo dục bởi nền giáo dục hiện nay không đủ sức làm nhiệm vụ đào tạo con người cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Đọc Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục 2005 tôi chẳng thấy bóng dáng Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xã hội học tập đâu cả. Vậy đến Đại hội XI, nếu vẫn cứ tình trạng này thì không nên nói đến xã hội học tập làm gì nữa.
Nếu xây dựng xã hội học tập là một nội dung cơ bản của đường lối giáo dục giai đoạn 2010-2020 thì trong Luật Giáo dục mới sẽ phải có rất nhiều điều mới?
Xã hội học tập đòi hỏi phải thực hiện phương thức học tập suốt đời hay giáo dục suốt đời. Nó cho thấy một số mới mẻ so với mô hình giáo dục nhiều khuyết tật hiện nay. Điều mới ấy là, ngoài hệ thống giáo dục ban đầu, phải xây dựng hệ thống giáo dục tiếp tục, trong đó, giáo dục người lớn đang lao động là một ưu tiên. Giáo dục người lớn không thực hiện được thì không thể có học tập suốt đời, nghĩa là không có xã hội học tập.   
Do vậy, trước hết, phải từ bỏ những quan niệm “cổ truyền” về giáo dục, bỏ cả những cách nói vay mượn, ví dụ các khái niệm cơ sở giáo dục hoặc là trường, học viện, viện, trung tâm, đại học và trường đại học.
Ngoài ra, theo tôi phải nói rõ mục tiêu của giáo dục là Nhân cách, Nhân lực, Nhân tài, có như thế mới thể hiện đúng nghĩa của chữ “dạy người”.
Ngoài ra, phải có thêm những ngành học mới, như giáo dục người lớn, giáo dục đặc biệt (hay chuyên biệt) bao gồm cả giáo dục năng khiếu, giáo dục trẻ khuyết tật…
Theo ông, nếu sửa Luật Giáo dục thì phải sửa điều gì?
Nên sửa lại chương nói về giáo dục thường xuyên. Giáo dục thường xuyên phải là một chính sách quốc gia, chăm lo giáo dục con người từ lúc còn là thai nhi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Giáo dục thường xuyên không phải là hệ thống giáo dục ngoài nhà nước, khoán trắng cho dân.
Giáo dục thế hệ  trẻ là chuẩn bị thế hệ cách mạng cho đời sau (Hồ Chí Minh), còn giáo dục người lớn là tập trung vào xây dựng nguồn nhân lực hiện đang có trên các mặt trận sản xuất và bảo vệ đất nước, có nhiệm vụ cạnh tranh sống còn với thế giới bên ngoài và quyết định sự phát triển hiện tại của dân tộc.
Một khi đã công nhận sự cần thiết và tầm chiến lược của giáo dục người lớn thì trong toàn xã hội, mọi thiết chế văn hoá có tác dụng giáo dục phải có những điều khoản của Luật Giáo dục quy định. Luật Giáo dục không phải là luật chỉ để riêng cho ngành giáo dục thực thi.
Theo đó, Luật Giáo dục còn phải được thể hiện trong việc xây dựng bưu điện văn hoá, bảo tàng lịch sử, bào tàng cách mạng, thư viện quốc gia và các thư viện chuyên ngành, hệ thống câu lạc bộ và nhà văn hoá…
Vậy ông muốn kiến nghị điều gì?
Hãy ra quyết định cải cách giáo dục và rồi định ra Luật Giáo dục mới. Nói vậy không có nghĩa là tôi chê những gì mà tập thể soạn dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đã làm, bởi “điệu múa nào thì có sân khấu đó”. Sân khấu giáo dục hiện nay chỉ có vậy thì luật sửa đổi cũng không thể ra ngoài “mặt sàn” của sân khấu được.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)