Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, GS-TSKH Đào Trọng Thi – Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đưa ra những phân tích về nguyên nhân nở rộ nhiều trường ĐH chất lượng thấp hiện nay. Ông nói:
– Trong thời gian qua, việc ra đời nhiều trường ĐH chất lượng thấp, đặc biệt ở các địa phương, trong đó nhiều trường thuộc khối ngoài công lập đã gây nên sự bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác thẩm định đánh giá điều kiện thành lập trường chưa được nghiêm túc; pháp luật và các quy định có liên quan chưa được rõ ràng.
GS-TSKH Đào Trọng Thi |
* Ông đánh giá thế nào về hệ quả của việc hàng ngàn sinh viên cầm tấm bằng ĐH của những trường không đảm bảo chất lượng?
– Hậu quả là nghiêm trọng, bởi lẽ chúng ta đã, đang gặp rất nhiều khó khăn về chất lượng giáo dục, sự ra đời tràn lan của các trường ĐH chất lượng thấp sẽ làm trầm trọng hơn những quan ngại về chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Chúng ta cố tạo mọi điều kiện cho thanh niên học tập, nhưng người học cần học nghiêm túc, học có kiến thức, có năng lực, kỹ năng để làm việc, chứ không phải có chỗ mà học, rồi học xong không biết làm gì. Vì vậy, quan trọng là chất lượng. Nếu không đảm bảo được chất lượng thì thà chúng ta không đào tạo còn hơn là đào tạo ra những người mà học ra không đáp ứng được yêu cầu công việc. Làm như vậy sẽ còn gây ra hệ quả nguy hiểm về kinh tế xã hội sau này.
* Để xảy ra trình trạng trường kém chất lượng mở ra tràn lan như hiện nay, ai là người phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
ĐH quốc tế Hồng Bàng bị dư luận phản ứng về chất lượng giảng dạy trong thời gian gần đây – Ảnh: T.T.D
– Ở đây có trách nhiệm của cơ quan đánh giá, thẩm định để giúp Chính phủ ra quyết định thành lập trường. Cơ quan đó là Bộ GD-ĐT. Rõ ràng là Bộ đã không làm hết trách nhiệm. Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, cũng là cơ quan thẩm định, vì vậy, Bộ phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.
* Hiện nay, theo tờ trình của Chính phủ ra Quốc hội, dự kiến giao cho Bộ GD-ĐT quyền được cấp phép thành lập trường, theo ông điều này có hợp lý?
– Chính phủ dự định giao cho Bộ GD-ĐT thẩm quyền ra quyết định thành lập các trường ĐH, trừ một số trường ĐH đặc biệt. Nhưng có nhiều ý kiến không đồng tình, ủy ban chúng tôi cũng không ủng hộ phương án đó. Chúng tôi đề nghị vẫn để Chính phủ nắm thẩm quyền ra quyết định thành lập trường ĐH. Tất cả sẽ trình bày ra Quốc hội để Quốc hội quyết định.
* Thưa ông, với những bức xúc trong dư luận hiện nay, trong thời gian tới, Quốc hội có dự kiến sẽ giám sát về việc thẩm định, đầu tư, thành lập các trường ĐH?
– Chúng tôi đã có dự kiến, nếu Quốc hội thông qua thì năm 2010 Quốc hội sẽ có giám sát tối cao về vấn đề này. Việc giám sát sẽ thực hiện từ việc thẩm định thành lập, đầu tư đến cơ sở vật chất, chương trình đào tạo của các trường ĐH. Việc giám sát cũng không chỉ giới hạn ở những trường ĐH trong nước mà còn giám sát tại các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài. Đây sẽ là nội dung quan trọng trong các nội dung giám sát của Quốc hội.
* Với những bất cập như đã phân tích ở trên, theo ông, chúng ta cần thay đổi quy trình thẩm định, kiểm định chất lượng trường ĐH như thế nào?
– Trong quá trình sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng sẽ đưa ra các quy định để giải quyết vấn đề đó. Cụ thể, chúng ta sẽ quy định một cách nghiêm ngặt hơn, rõ ràng hơn các quy trình về thành lập trường với các điều kiện chặt chẽ. Dự kiến, quy trình chia làm hai bước, bước một là quyết định thành lập trường, bước hai là cấp phép cho hoạt động giáo dục.
Một cơ sở có thể được cấp quyết định thành lập trường nhưng không có nghĩa là trường đó đã được tuyển sinh, triển khai các hoạt động giáo dục. Chủ đầu tư phải hoàn thiện các điều kiện về chương trình giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất… những điều kiện này phải được thẩm định kỹ lưỡng, khi đạt yêu cầu mới được cấp phép hoạt động giáo dục. Khi đó mới được tuyển sinh.
Khi có các quy định cụ thể về quy trình, cơ quan thẩm định căn cứ vào đó mà thẩm định, cơ quan giám sát căn cứ vào đó xem anh thẩm định có đúng không. Với thay đổi đó, hy vọng sẽ phần nào giải quyết được vấn đề. Nhưng quan trọng hơn là việc thực thi pháp luật, các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm túc, nếu không làm đúng, phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc, anh phải chịu trách nhiệm trước việc thẩm định hay cho phép thành lập những trường không đảm bảo chất lượng.
* Xin cảm ơn ông.
20 trường ĐH tham gia kiểm định chất lượng
Đó là các trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội); ĐH Sư phạm Hà Nội; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Nông nghiệp 1; ĐH Thương mại; ĐH Ngoại thương; ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM); ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM; ĐH Nông lâm TP.HCM; ĐH Sư phạm TP.HCM; ĐH dân lập Văn Lang; ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên); ĐH Hàng Hải (Hải Phòng); ĐH dân lập Hải Phòng; ĐH Vinh; ĐH Sư phạm (ĐH Huế); ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); ĐH Nha Trang; ĐH Đà Lạt; ĐH Cần Thơ… Kết quả đánh giá cho biết các trường bình quân chỉ mới đạt được hơn 80% yêu cầu của tiêu chí về chương trình đào tạo. Đánh giá cho thấy các trường ĐH của Việt Nam còn phải đầu tư khắc phục nhiều khuyết điểm mới có thể theo kịp các trường ĐH của các nước khác ở trong khu vực và trên thế giới. V.T
|
TNO
Bình luận (0)