Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam Lê Tuấn Hoa cho rằng, nền toán học nước ta hiện còn rất yếu… |
Trong khuôn khổ hội nghị khoa học quốc tế “Toán học và ứng dụng” (ICMA – UEL 2011) do Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Hội Toán học Việt Nam tổ chức ngày 20-12, GS.TSKH Lê Tuấn Hoa (Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam) nhận định, nền toán học nước ta hiện vẫn rất yếu, cần tiếp tục phát huy những thế mạnh để phát triển.
Từ tháng 1-2012, sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Toán học Đông Nam Á (SEAMS), GS.TSKH Lê Tuấn Hoa cho biết: Nếu giống trong bóng đá, Đông Nam Á là vùng trũng thì toán học không đến nỗi như vậy nhưng vẫn đang rất kém phát triển. Hội Toán học Đông Nam Á là cầu nối để liên kết các nhà toán học vùng này lại với nhau cùng phát triển. Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore và Việt Nam là hai nước có nền toán học phát triển nhất. Toán học chỉ có thể phát triển nếu không có biên giới, do đó, việc hợp tác rất có ý nghĩa. Rất tiếc, sự gắn kết về kinh tế giữa các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa được chặt chẽ, nên hoạt động hợp tác vẫn chưa thể mạnh như Hội Toán học châu Âu (Hội Toán học châu Âu giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc chia sẻ đề tài nghiên cứu và đào tạo). Hội Toán học Đông Nam Á ngày một ngày hai chưa thể làm được điều này, trong nhiệm kỳ của tôi, sẽ cố gắng có những hoạt động thúc đẩy sự phát triển, nhất là tại Đại hội Toán học châu Á vào năm 2013 tại Hàn Quốc – đỉnh cao trong hoạt động của Hội Toán học Đông Nam Á.
PV: Đánh giá của giáo sư về sự phát triển của nền toán học Việt Nam?
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa: So với các nước, nền toán học Việt Nam còn rất non trẻ. Đạt được những thành tựu như thời gian qua cũng đã đáng tự hào rồi, nhưng xét một cách toàn diện, nền toán học nước ta vẫn còn rất yếu. Theo thống kê (chưa chính thức) của chúng tôi, cả nước chỉ có khoảng 1.000 tiến sĩ toán học, trong đó, chỉ khoảng 200 người thực sự làm việc, chưa bằng số lượng tiến sĩ toán học của một trường ĐH ở châu Âu. Và chắc chắn số giáo sư của họ hơn hẳn nước ta. Đó là điểm cốt lõi để thấy rằng chúng ta chưa thể ứng dụng tốt được (không những không phát triển toán lý thuyết được mà cả toán ứng dụng).
Điểm tuyển sinh đầu vào ngành toán các năm trở lại đây thường không cao bằng một số ngành kinh tế khác. Phải chăng, người giỏi hiện nay không “mặn” học chuyên sâu về toán?
– Việc học sinh giỏi toán bậc phổ thông chọn học những ngành khác ở bậc ĐH là bình thường, đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với cách đây hai ba chục năm, xét ở môi trường học thuật, người giỏi không “mặn” học toán nữa một phần vì thu nhập của ngành toán học không sánh được với những ngành khác. Vì vậy, ít có người giỏi chịu học cao hơn dẫn đến đầu vào thấp và đây cũng là một trong những lý do quan trọng làm cho nền toán học nước ta kém phát triển. Nhà nước cũng đang có những chương trình phát triển toán học đến năm 2020, nếu những lớp đàn anh đi trước đạt được những bước tiến tốt hơn và cuộc sống ổn định hơn sẽ hướng được nhiều học sinh đến với toán học. Năm ngoái có 4/6 học sinh Việt Nam đi thi toán quốc tế chọn theo ngành toán. Tuy nhiên, việc các em giỏi toán theo học những ngành khác cũng là những tín hiệu đáng mừng, đóng góp cho sự phát triển chung của khoa học chứ chỉ không riêng gì ngành toán.
Theo giáo sư, làm sao để khơi dậy được niềm đam mê, sáng tạo đối với toán học của học sinh ngay từ bậc phổ thông?
– Học toán thực chất chú trọng vào sự suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo chứ không phải lượng kiến thức. Chúng ta đang có sự sai lầm khi cho con em đi học nhiều, học thêm kiến thức… Cái lười nhất chính là áp dụng kiến thức một cách máy móc. Chẳng hạn, để đảm bảo thi đậu ĐH, chúng ta dạy học sinh học theo nhiều dạng toán nhưng lại hạn chế tính sáng tạo. Ở nước ngoài, việc tuyển người học các môn toán, lý, hóa thường thông qua những câu hỏi không cần nhiều kiến thức lắm, chỉ ở mức cơ bản mà quan trọng có thể phát hiện học sinh đó có khả năng tìm tòi, sáng tạo hay không…
Một số giáo sư lĩnh vực toán học của nước ta chủ yếu làm việc ở nước ngoài mà không thích về nước, cách nào để thu hút người tài về phục vụ nền toán học nước nhà?
– Việt Nam có một số nhà toán học giỏi ở lại nước ngoài, còn lại phần lớn những nhà toán học trình độ tương đối tốt đều về Việt Nam làm việc. Vấn đề một số nhà toán học xuất sắc làm việc tại nước ngoài cũng là lẽ đương nhiên, vì vừa thu nhập cao vừa có điều kiện nghiên cứu. Việt Nam không có hy vọng mời được những người giỏi này về làm việc cả đời bởi lương quá thấp, điều kiện làm việc không ăn thua, mà chỉ có thể mời họ mỗi năm về làm việc một thời gian hoặc thông qua các hội nghị, hội thảo. Tôi nghĩ, việc họ ở nước ngoài có lẽ còn tốt hơn rất nhiều so với về nước hẳn.
Xin cảm ơn giáo sư!
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)