Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội: Tiến sĩ vẫn thiếu văn hóa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gắn bó với ngành giáo dục nhiều năm nay, hơn ai hết GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội là người luôn trăn trở về cái sự học của Việt Nam.
Học sinh sinh viên đang thành “thú nhồi bông”
Ông có ý kiến gì về văn hóa học trong sinh viên hiện nay?
Ở ta có một quan niệm rất phổ biến nhưng có vẻ không đúng lắm đó là đồng nhất văn hóa với trình độ học vấn, thậm chí là đồng nhất với cấp học. Ở ĐH hiện nay, người ta quá chú trọng vào chuyên môn, điều này là tốt trên phương diện làm nghề. Nhưng về mặt dung lượng thời gian, khả năng tiếp thu thì mỗi người đều có hạn. Nếu dồn tất cả vào cái đó thì nó na ná như đào tạo ra một cỗ máy sinh học. Bởi vậy nên giáo dục những kiến thức khác, dung dưỡng cho họ một tâm hồn để họ trở thành một người trí thức đúng nghĩa là một nội dung không kém phần quan trọng, không thua gì đào tạo chuyên môn. Đừng đồng nhất chức năng nghề nghiệp và văn hóa. Văn hóa và chuyên môn. Cho nên tiến sĩ mà vẫn thiếu văn hóa là vì thế.
Ông đánh giá như thế nào về văn hóa học trong trường học hiện nay?
Hiện đang có tình trạng thiếu đâu ấn đấy nên học sinh đang quá tải. Quan họ Bắc Ninh thấy hay đưa vào chính khóa. Mai mốt ca trù hay lại đưa vào chính khóa, múa rối nước hay lại đưa vào chính khóa… Đối với những môn như nhạc, thể dục, hiện nay ta đang dạy theo kiểu giáo viên thì cũng không phải là ca sĩ, thầy dạy thể dục cũng chẳng phải là vận động viên nhưng lại yêu cầu dạy học sinh, sinh viên phải thành ca sĩ và thành vận động viên thể thao. Theo tôi phải có cách dẫn vào người học cái thần thái của nét đẹp văn hóa đó, chứ không phải ở chỗ bắt nó trở thành một môn học chính thức rồi cũng thi cử nọ kia… Văn hóa mà đe nẹt theo lối đó thì hết tính nhân văn của văn hóa rồi, người ta không hào hứng nữa, người ta sợ nó và như thế cái cặp sẽ nặng lên thôi, nó sẽ giống như toán, như lý…
Người trẻ cần được phát huy điểm mạnh của mình
Người Việt Nam có tính mềm dẻo, giới trẻ làm sao phát huy được tính tích cực và hạn chế được tiêu cực?
Khi đã nói đến một tính cách nào đó, ở lúc này, trong lúc này nó bộc lộ tiêu cực nhưng ở chỗ kia, việc kia hoàn cảnh kia nó lại là tích cực. Vậy phải đặt vấn đề là giáo dục để cho họ ý thức được mình là ai và hướng họ vào những công việc và những chủ trương, đường lối ở tầm vĩ mô. Người Việt mình mềm dẻo thì phải chọn những lĩnh vực ví dụ như công nghiệp phần mềm hoàn toàn có tương lai, công nghiệp mốt, công nghệ chế biến thực phẩm…
Tất cả những hạn chế và tích cực của người Việt được thể hiện trong đời sống sinh viên như thế nào, thưa ông?
Đặc điểm của sinh viên ta phản ánh đặc điểm của cơ cấu cư dân. Cho đến nay, cư dân của Việt Nam người cư trú ở khu vực nông thôn vẫn chiếm gần 70%. Cơ cấu sinh viên cũng na ná như vậy. Cho nên trước hết sinh viên vẫn đậm nét của một cộng đồng những người sinh ra và lớn lên ở khu vực nông thôn. Do đó, giữ được những nét hồn phách của văn hóa làng. Thế nhưng, cái thiếu hụt, chưa nhận thức đủ về mình cũng lại đến từ sinh viên nông thôn. Nhiều người choáng ngợp trước cuộc sống đô thị, sự thay đổi thiếu căn cơ nên lao vào đua đòi ở đô thị. Cái này tôi có được khi ra nước ngoài học tập. Những sinh viên sống ở đô thị ra nước ngoài thường bình thản trước sự đổi thay. Nhưng những người đi ra nước ngoài nhưng chưa qua đô thị ở Việt Nam thì họ khác.

GS.TSKH Vũ Minh Giang:

+ 1972 tốt nghiệp Khoa Sử ĐH Tổng hợp
+ 1980 đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô và làm luôn tiến sĩ khoa học về lịch sử
+ Chủ nhiệm khoa một thời gian
+ Phó và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam
+ 2002 làm Phó giám đốc ĐH Quốc gia đến nay
Mặt tích cực như mềm dẻo linh hoạt trong cuộc sống, trong học tập, thương yêu đùm bọc bạn bè cũng thể hiện nhưng những mặt tiêu cực kia cũng hoành hành. Tùy tiện, ăn bớt, láu lỉnh, chủ nghĩa bình quân ghen ghét thì vẫn chưa tránh khỏi. Cái đó vì sao? Như tôi đã nói mình mới dừng ở ý tưởng, ở ý kiến của các nhà nghiên cứu còn cho đến nay ta vẫn để nó phát triển tự phát, dạy các em vẫn là dạy một cái gì đó rất lớn lao, rất thiêng liêng nhưng khó thực hiện. Có lẽ đến lúc chúng ta phải cụ thể hóa những cái đó ra. Do đó, nói đến cuộc sống sinh viên hiện nay một cách vắn tắt về văn hóa đó là tương đối tự phát. Tiếp nhận được cái gì phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân của từng người, cho nên nó phụ thuộc vào nguồn gốc gia đình. Gia đình có truyền thống nhiều đời, có nề nếp gia giáo thì khác mà gia đình thế này thế kia cũng khác.
Ông thấy sao khi trong gameshow truyền hình, những cuộc thi kiến thức thì thấy những người đi học dự thi đa phần kiến thức rất phổ thông nhưng vẫn không nắm được. Cái đó là do bản thân người học hay do ảnh hưởng của giáo dục?
Có cả hai. Lỗi thiếu hụt kiến thức trước hết là ở cá nhân đó. Ở các gameshow kiến thức hỏi chỉ là những kiến thức rất phổ thông. Tất nhiên là tôi cũng mở ngoặc nói thêm rằng, đôi khi gameshow của mình hơi lợi dụng câu hỏi đố cái này là cái gì? Phần lớn các câu trả lời là đóng.
Chuyện thứ hai là có cái việc hạn chế trong thiết kế chương trình. Chúng ta chưa coi văn hóa là nền tảng nên sinh viên chỉ chăm chú vào chuyên môn của mình. Chuyện không biết Moza là ai là chuyện hiển nhiên khi mà chỉ chăm chăm dạy đồ rê mi pha son, rồi cho điểm. Cái đó là sự thiếu hụt của hệ thống và tới đây phải dần dần thay đổi.
Có luồng ý kiến cho rằng ngày nay với sự giúp đỡ của internet và CNTT thì không nhất thiết phải bắt sinh viên học nhiều nhớ nhiều, chỉ cần một cú click chuột là những điều sinh viên cần tìm sẽ ra. Vậy theo ông, quan điểm này có đúng không?
Chưa biết đúng hay sai, đó là quan điểm của tôi. Ví dụ như liên quan đến lịch sử, các GS, các bậc tiền bối rất buồn rầu vì những kiến thức lịch sử dễ thế mà học sinh, sinh viên không biết. Hỏi hoàng đế cuối cùng của Việt Nam là ai, họ nói luôn Phổ Nghi. Hỏi Trương Định là ai thì họ nói hình như là 1 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Nên các GS bức xúc lắm. Quan điểm của tôi từ xưa đến nay chứ không phải chỉ trong thời đại internet là người dạy phải truyền cho người học trò của mình tình yêu, lòng hiếu tri thay vì nhồi vào tai học trò phải nhớ chuyện này nhớ chuyện kia. Tôi thấy, hiện nay các thầy giáo cứ ham dạy kiến thức cụ thể, đề thi cũng ra theo lối đó.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)