'Có nhiều trường khuyến khích học sinh thi này thi kia, rồi cộng điểm…, điều này đã vô hình gây ra một kiểu căng thẳng mới cho các em học sinh', GS. Văn Như Cương nói.
Thời gian gần đây, khi phụ huynh phản đối cuộc thi trực tuyến "Chinh phục vũ môn", Bộ GD-ĐT ký quyết định đề nghị tạm "đóng cửa" cuộc thi này. Thế nhưng, hành động dẹp bớt đi một trò của nhà quản lý cũng không thay đổi được thực tế khi học sinh đang bị bủa vây bởi vô số những cuộc thi trực tuyến, thi kỹ năng khác.
Trước vấn đề này, trao đổi với PV báo Phụ nữ TP.HCM, GS. Văn Như Cương cho rằng: "Chủ trương của Bộ Giáo dục mấy năm nay là giảm nhẹ áp lực học hành, thi cử, đó là chủ trương rất đúng. Vì vậy nên nhiều cuộc thi được loại bỏ như vấn đề tuyển sinh Đại học, nhỏ hơn như thi vào lớp 6 không được thi mà chỉ lấy điểm học bạ mà thôi,… theo tôi là rất đúng.
Tuy nhiên, gần đây, rất nhiều các cuộc thi không phải ở trường mà thi trên online được nảy sinh: Ví dụ như thi online về Toán, Anh…. Một số bộ phận phụ huynh không thích để con như thế, nhưng một số bộ phận lại thích bởi vì có thể được cộng điểm, ưu tiên, thành thử nếu học sinh vượt lên thi thì có khi lại được, những học sinh khác không thi thì không được.
Tôi thấy đây là một điểm rất là mâu thuẫn trong chủ trương của Bộ".
'Có nhiều trường khuyến khích học sinh thi này thi kia, rồi cộng điểm… điều này đã vô hình gây ra một kiểu căng thẳng mới cho các em học sinh', GS. Văn Như Cương nói. (Ảnh minh họa). |
Theo đó, GS. Cương đưa ra những hạn chế của các cuộc thi ảo này, nó vô tình đã đẩy học sinh, con em của chúng ta rơi vào những áp lực vô cùng nguy hiểm. Nói như GS. là "một kiểu căng thẳng mới".
"Ở các tuổi lớp 5, lớp 4, lớp 3… các em thậm chí phải hy sinh tuổi thơ của mình như thế để học. Học ở trường cả ngày, ra chơi cũng học, rồi về đi học thêm, tối đêm đến thì lại làm bài thi trên online… thì trẻ con – chúng chịu đựng thế nào được. Làm như thế chúng chỉ càng ngày càng dốt đi thôi, mụ mị thêm, không hề hay ho một chút nào.
Chưa nói đến việc, chúng ta để cho trẻ tự do với máy tính, nếu không có thời gian kèm cặp, thì chúng có thể tiếp xúc với bất cứ thứ gì trên máy, không biết là có học thật không hay lại sa đà vào chơi. Đặc biệt là, không có thời gian tiếp xúc với bên ngoài…", GS. Cương phân tích.
Trước thực trạng này, theo GS. các bậc phuynh cần tỉnh táo khi cho con em mình tham gia vào các cuộc thi online như thế này:
"Phụ huynh cần theo dõi xem con em mình có những vướng mắc gì, khổ sở như thế nào. Hai nữa không nên cho con em mình đua theo các cuộc thi, có thể ở trường của con khuyến khích các em thi online nhưng cũng cần tỉnh táo xem xét con có thì giờ không, có năng lực không!
Tôi cho phụ huynh là một phần quan trọng trong công tác này. Nếu có gì thấy không phù hợp, quá đáng quá có thể phản ánh đến cấp quản lý để xử lý kịp thời", GS. Cương nói.
Bên cạnh đó, theo ông các cấp quản lý ngành Giáo dục cần phải có một công cuộc rà soát lại, đưa ra các tiêu chí rõ ràng để phụ huynh và học sinh tham gia các kỳ thi ảo này: "Bộ cần phải rà soát lại tất cả các cuộc thi được khuyến khích tham gia và đề ra một tiêu chí rõ ràng: Cấp 1 các em được thi những cuộc thi nào, cấp 2 được tham gia các kỳ thi nào… ", GS. Văn Như Cương nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT yêu cầu tạm dừng trò chơi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc làm việc với Trung ương Đoàn TNCS HCM để tạm dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục Vũ Môn”. Các bên tiến hành rà soát kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học các vấn đề liên quan đến cuộc thi mà dư luận đang quan tâm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ chủ động rà soát tất cả các cuộc thi tương tự đang diễn ra hoặc dự kiến sẽ tổ chức, nếu không thiết thực, hiệu quả thì dừng ngay. "Chủ trương của Bộ GD-ĐT là không tổ chức hoặc ủng hộ tổ chức các cuộc thi không thiết thực, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, gây băn khoăn cho phụ huynh và dư luận xã hội", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. |
Hà My/ PNO
Bình luận (0)