Khối thi hiện tại không còn phù hợp
Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi số môn thi và khối thi ĐH, CĐ. Theo đó, sẽ có những đổi mới trong sự phân chia các khối thi; Cần thi nhiều môn (thay vì chỉ 3 môn như hiện nay) và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội.
Theo GS Văn Như Cương, thay đổi là cần thiết nhưng cũng phải có thời gian để học sinh chuẩn bị. |
GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho rằng, sự phân chia các khối thi hiện nay áp dụng một cách cứng nhắc đã không còn phù hợp với thực tiễn. Sự thay đổi các môn trong khối thi hoặc xuất hiện các khối thi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thực tiễn và sẽ có lợi cho học sinh. Hiện nay, thí sinh thi vào Đại học Kinh tế phải thi khối A là Toán, Lý, Hóa. Nhưng thực tế môn Hóa là môn thừa với chuyên ngành này.
Nếu có sự thay đổi, thì bằng cách nào đó nên thêm môn ngoại ngữ vào khối này sẽ hữu ích hơn nhiều. Có thể thay đổi theo hướng khối A có thể có 4 môn thi gồm cả Ngoại ngữ, hoặc thí sinh được chọn thi Ngoại ngữ thay vì phải thi môn Hóa học. Cách thay đổi này thí sinh sẽ là người có lợi.
Tuy nhiên, theo GS Văn Như Cương, thay đổi là cần thiết nhưng cũng phải có thời gian để học sinh chuẩn bị. Phải có ít nhất là 1 năm thì học sinh mới bắt nhịp được với những thay đổi này. Vì thông thường, vào lớp 10 là giáo viên đã phải định hướng cho học sinh sẽ học theo khối nào, thi khối nào rồi. Nếu học đến giữa lớp 12 mới có sự thay đổi khối thi thì các em sẽ không thể chuẩn bị kịp.
Thi 6 môn thì chết
Không ít học sinh và phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng xung quanh thông tin có thể sẽ xuất hiện thêm khối thi để tiến tới thi đại học bằng 6 môn.
Cô Hà Minh Chung, giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cho rằng, việc buộc các em phải học toàn diện là yêu cầu chính đáng, nhưng bắt các em phải thi đại học cả 6 môn là đòi hỏi quá sức với các em. Chương trình học hiện nay không phải là nhẹ. Giờ phải học gấp đôi lượng kiến thức như vậy thì sợ là các em không đáp ứng được.
GS Văn Như Cương cho rằng điều này sẽ ít tính khả thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để xác nhận trình độ cơ bản của học sinh phổ thông ở tất cả các môn học. Kỳ thi đại học giống như để làm nghề, chứ không phải là để kiểm tra kiến thức phổ thông. Mà đã là nghề thì đòi hỏi những hiểu biết chuyên sâu chứ không phải là mớ kiến thức cào bằng.
"Có thể quy định 1 khối thi có đến 4 môn là tối đa, chứ bắt 1 học sinh đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi lại phải qua kỳ thi đại học chừng đó môn nữa thì chắc các em chết", GS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Em Trần Thu Thủy, trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội than thở: Khi bắt đầu vào cấp ba, bọn em đã chọn khối thi từ đầu năm lớp 10 để tập trung công sức, thời gian học nhằm đạt kết quả tốt nhất vào khối thi đó. Bây giờ nếu lại thêm môn thi, chúng em không thể xoay sở kịp. Chương trình học trên lớp đã nặng nếu thêm các môn học thi đại học chắc chắn nhiều bạn sẽ không đủ sức khoẻ mà theo học.
Những quyết định cuối cùng về việc điều chỉnh kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012; Về việc tuyển thẳng đại học, cao đẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia… sẽ được đưa ra tại Hội nghị thi và tuyển sinh diễn ra vào tháng 1/2012. |
Bình luận (0)